Cần sửa lại đường ngang km 8+300
Điều 15 – Thông tư 62/2015/TT- BGTVT ngày 04 tháng 11 năm 2015 “Quy định về đường ngang” của Bộ GTVT quy định: Đoạn đường bộ trong khu vực đường ngang, ngoài việc phải bảo đảm các quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng theo cấp đường bộ, còn phải bảo đảm các quy định cụ thể sau: Đường bộ từ mép ray ngoài cùng trở ra phải thẳng trên một đoạn dài bằng khoảng cách tầm nhìn hãm xe quy định tại Điều 12 của Thông tư này, trường hợp khó khăn về địa hình cũng không được nhỏ hơn 15 mét… đường bộ không có dốc (0%) trong phạm vi tối thiểu 16 mét, trường hợp khó khăn cũng không được nhỏ hơn 10 mét.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đường bộ tại các giao cắt giữa đường bộ với đường sắt (ĐS); ngày 13/9/2016, Ban An toàn GTĐS tổ chức kiểm tra hệ thống cảnh báo tự động (CBTĐ) tại một số đường ngang (ĐN) không bố trí người gác trên tuyến ĐS Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh. Tại ĐN km 8+300 (khu gian Giáp Bát – Văn Điển), thiết bị CBTĐ bao gồm chuông báo và đèn hoạt động bình thường, ổn định, kịp thời cảnh báo (chuông reo – đèn sáng) cho người tham gia giao thông khi có tàu sắp qua (vào) ĐN. Tuy nhiên, tại ĐN này lại đang tồn tại nguy cơ xảy ra tai nạn do đoạn đường bộ (khoảng 6 mét) qua ĐN này có độ dốc, phần liên kết giữa các tấm đan mặt ĐN (bằng bê tông cốt thép) với đường bộ không phải bằng vật liệu bền vững (nhựa đường, bê tông, xi măng…) mà là đất, đá.
ĐN km 8+300 (khu gian Giáp Bát – Văn Điển) toàn đất, đá
Được biết, ĐN km 8+300 là giao cắt, nối thông từ QL 1A với khu dân cư, nhà xưởng, khu tập thể, nhà hàng… trên địa bàn thuộc đường Ngọc Hồi – thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội). Theo quan sát, ĐN km 8+300 nằm trên đường cong hình chữ S. Để từ QL1A vào đường Ngọc Hồi – thị trấn Văn Điển (và ngược lại) phải qua ĐN km 8+300. Ông Mai Văn Bộ ở tổ dân cư số 4 đường Ngọc Hồi – thị trấn Văn Điển, nhà gần ĐN km 8+300 cho biết: Trước đây, tại giao cắt ĐN km 8+300 đã từng xảy ra nhiều vụ va chạm giữa tàu hoả với ô tô, người điều khiển xe đạp, xe máy… khi đi qua ĐS, gây tai nạn. Nhưng từ khi ngành ĐS cho lắp hệ thống chuông – đèn (hệ thống CBTĐ) tại ĐN km 8+300 đã giúp giảm, tránh được rất nhiều các vụ tai nạn, va chạm xảy ra trên ĐS. Tuy nhiên, do mặt ĐN gồ ghề, không êm thuận, có độ dốc và đoạn đường vào ĐN trước khi qua ĐS lại được “thảm” bằng đất, đá… nên việc qua lại ĐN, qua ĐS tương đối khó khăn, nhất là khi thời tiết xấu, mưa bão… Cũng theo ông Bộ, nhiều trường hợp người điều khiển xe đạp điện, xe máy khi rẽ vào ĐN, chuẩn bị qua ĐS đã tự ngã do xe đạp, xe máy bị trượt trên đống đất đá ở 2 phía ĐN nên rất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn. Để đảm bảo an toàn giao thông ĐS, đường bộ; thuận tiện, an toàn cho nhân dân và các phương tiện giao thông đường bộ qua lại ĐN km 8+300, đề nghị cơ quan quản lý đường bộ, quản lý ĐN km 8+300 trên địa bàn huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội cho cải tạo, sửa chữa mặt đường bộ tại ĐN km 8+300 theo đúng quy định tại Thông tư 62/2015/TT- BGTVT ngày 4/11/2015 “Quy định về đường ngang” của Bộ GTVT. Còn việc để “liên kết” giữa các tấm đan bê tông trên mặt ĐN với đường bộ dẫn vào ĐN bằng “vật liệu” là đất, đá… đã gây khó khăn cho người tham gia giao thông, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn tại ĐN.
Lê Chính – Ban An toàn GTĐS