An toàn giao thông ĐS

15:35 | 18/09/2015

Đảm bảo ATGTĐS tại các đường ngang: Cần sự vào cuộc đồng bộ

“Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và chủ động tích cực của Tổng công ty ĐSVN sẽ là cơ sở để hạn chế, đẩy lùi các nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ” - Phó TGĐ Tổng công ty ĐSVN Đoàn Duy Hoạch đã nhấn mạnh tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác dư luận xã hội toàn quốc năm 2015 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội trong các ngày 17, 18 tháng 9/2015.

Báo động gia tăng TNGTĐS tại đường ngang

Trong 4 năm (từ 2011 đến 2014), mặc dù số phương tiện giao thông đường bộ gia tăng gần 150%, số chuyến tàu chạy trên ĐS cũng tăng 135%... nhưng tình hình tai nạn giao thông đường sắt diễn biến theo xu hướng giảm dần cả ba tiêu chí (số vụ, số người bị chết và số người bị thương) và có nhiều thời điểm được đẩy lùi, cụ thể: năm 2011, xảy ra 518 vụ TNGTĐS, năm 2012 là 463 vụ, năm 2013 là 420 vụ và năm 2014 là 388 vụ với số người chết giảm dần theo các năm là 263 người (2011), 218 người (2012), 176 người (2013) và 161 người (2014)...

Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN thuyết trình tại hội nghị

Tuy nhiên, bước sang năm 2015, tình hình TNGT ĐS có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 240 vụ tai nạn giao thông đường sắt (tăng 72 vụ, tương đương 43%), làm chết 107 người (tăng 24 người, tương đương 28%), làm bị thương 169 người (tăng 62 người, tương đương 56%), đáng chú ý là các vụ tai nạn trên đều xuất phát từ phía các nguyên nhân khách quan xảy ra trên các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ mà chủ yếu là tại các lối đi dân sinh tự mở trái phép qua đường sắt. Tuyến ĐS xảy ra nhiều tai nạn nhất là tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh (chiếm khoảng 75%), 10% xảy ra trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, còn lại xảy ra trên các tuyến đường khác.

Hậu quả các vụ tai nạn ngoài gây thiệt hại về người còn gây thiệt hại đáng kể về vật chất cho toàn xã hội và ngành đường sắt. Thực tế cho thấy, các vụ tai nạn giao thông đường sắt hiện nay chủ yếu do người và phương tiện tham gia giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ xảy ra trên điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt hoặc đường bộ chạy sát, song song với đường sắt. Công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt thực chất là công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Vì vậy, với tình hình an toàn giao thông đường bộ còn diễn biến phức tạp như hiện nay, để đảm bảo ATGTĐS, ngoài sự nỗ lực cố gắng của Tổng công ty ĐSVN thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương.     

Kiềm chế tai nạn giao thông ĐS – Cần sự vào cuộc đồng bộ

Trong những năm qua, Tổng công ty ĐSVN và các đơn vị trực thuộc đã tích cực duy trì vận động và triển khai thực hiện việc xã hội hóa về công tác đảm bảo TTATGTĐS: đẩy mạnh các phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, “Thanh niên tình nguyện cảnh giới ĐN”, “Chính quy - Văn hóa - An toàn”, “Đảm bảo an toàn đèo dốc”… Chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương có đường sắt đi qua trong công tác đảm bảo ATGT tại các giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ. Cụ thể, từ 15/6/2012 đến 20/8/2015, Tổng công ty ĐSVN đã cải tạo nâng cấp 58 đường ngang các loại, giải tỏa 342 công trình vi phạm hành lang ATGTĐS, xóa bỏ 379 đường ngang các loại; tổ chức cảnh giới 149 đường ngang không có người gác, cắm bổ sung 1.457 biển báo “Chú ý tàu hỏa”, sửa chữa bề mặt đường ngang đảm bảo êm thuận, phát quang cây cối đảm bảo tầm nhìn cho cả hai phía đường sắt và đường bộ trên 1.000 đường ngang; kết nối tín hiệu giao thông giữa đường sắt và đường bộ 13 điểm; lắp điện thoại báo giờ tàu cho 43 điểm cảnh giới do địa phương đảm nhận.

Giải tỏa vi phạm hành lang ATGTĐS

Tiếp tục triển khai quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 3 năm qua (2012-2015), Tổng công ty ĐSVN đã hoàn thành việc xây dựng: 72 km hàng rào hộ lan, 68/127 đường ngang, 61/156 km đường gom, rào cách ly (trong đó:84 km thực hiện theo lệnh khẩn cấp giai đoạn 2 và 72 nm đang tổ chức lập dự án đầu tư), 12/12 hầm chui dân sinh, 3/80 cầu vượt đường sắt. Hoàn thành công tác thống kê, rà soát lập khái toán các vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại 33 tỉnh thành phố trình Hoàn thành việc xây dựng 3 cầu đường bộ (Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu) đóng 4 cầu chung giữa đường bộ và đường sắt…

Bên cạnh đó, Tổng công ty ĐSVN cũng đã chủ động làm việc với 34 tỉnh và thành phố rà soát số lượng đường ngang, từ đó phân khai trách nhiệm theo chức năng để quản lý, đầu tư, khắc phục theo các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Tổng công ty ĐSVN áp dụng công nghệ mới có hiệu quả hơn vào thiết bị cảnh báo tại trên 300 đường ngang, điểm giao cắt giữa đường dân sinh với đường sắt; tăng cường điểm cảnh giới tại các vị trí có mật độ giao thông cao vào giờ cao điểm. Kiên quyết cùng địa phương giải tỏa hành lang, đóng các điểm mở trái phép, lập đường gom để tạo lối đi qua các nút có gác chắn để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông; chủ động ngăn ngừa những tại nạn, trở ngại do chủ quan gây ra...

Để thực hiện được mục tiêu đó, bên cạnh sự nỗ lực của Tổng công ty ĐSVN thì còn rất cần sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về hành lang ATGTĐS như: chấm dứt việc tự ý mở lối đi dân sinh vượt qua đường sắt; xây dựng các công trình vi phạm hành lang, tệ ném đất đá lên tàu, trộm cắp các thiết bị là vật tự đường sắt, cản trở người thi hành nhiệm vụ bảo vệ ATGTĐS... Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người tham gia giao thông, điều khiển phương tiện giao thông và người dân sinh sống dọc 2 bên đường sắt... Thực hiện Chỉ thị 12 CT/CP cùng với triển khai quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự hành lang ATGTĐS với các công trình, dự án và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ nguồn xã hội hóa và địa phương phù hợp.

Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ địa phương đến Trung ương và chủ động tích cực của Tổng công ty ĐSVN sẽ là cơ sở để hạn chế và đẩy lùi các nguy cơ tai nạn GTĐS tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Sự phát triển của ngành ĐS chỉ thực sự bền vững, khi giữ vững được an toàn chạy tàu; an toàn tài sản của quốc gia; an toàn tính mạng, tài sản của hành khách và người dân tham gia giao thông...  

Lê Quang