ĐSVN bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tai nạn, sự cố GTĐS
Ngày 19/01/2021, Tổng công ty ĐSVN tổ chức hội thảo về Công tác giải quyết tai nạn, sự cố GTĐS năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó TGĐ Phan Quốc Anh chủ trì hội thảo qua hệ thống truyền hình tại các khu vực: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn.
Tại hội thảo, ông Đặng Hồng Bắc - Phó trưởng ban An ninh an toàn Tổng công ty ĐSVN cho biết, với loại hình đường đơn, chạy qua các khu vực đông dân cư, đồi núi, đèo dốc và hầu hết các sự cố, tai nạn xảy ra tại vị trí nằm xa đường bộ, có địa hình phức tạp (chỉ có thể tiếp cận ĐS sắt) nên rất khó khăn cho việc đưa thiết bị và lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường.
Sự cố, TNGT ĐS thường xảy ra tại nơi có địa hình phức tạp gây nhiều khó khăn cho lực lượng cứu hộ khi tiếp cận hiện trường
Ông Bắc nêu rõ, mô hình mạng lưới các tổ cứu hộ, cứu nạn của Tổng công ty ĐSVN bao gồm: 23 tổ ứng phó cứu hộ, 2 tổ cứu hộ cơ động, 3 tổ cứu hộ dùng cẩu đường bộ, 8 tổ cứu hộ cơ giới (dùng cẩu chuyên dùng ĐS); được bố trí thường trực dọc các tuyến đường sắt tại 25 ga. Tuy nhiên, vị trí thường trực cứu hộ hiện nay tương đối dài, bình quân khoảng 110 km ĐS có một vị trí thường trực cứu hộ, công tác lập tàu và tốc độ chạy trên ĐS của đoàn cẩu cứu hộ hạn chế (tốc độ cho phép tối đa 40km/h); mới chỉ có 6/23 vị trí thường trực cứu hộ được trang bị xe ô tô di chuyển. Thêm vào đó, thiết bị chuyên dùng thiếu, cẩu cơ giới ĐS đã sử dụng lâu năm, sức nâng nhỏ, tầm với ngắn, tốc độ di chuyển hạn chế, làm kéo dài thời gian tiếp cận hiện trường nên ảnh hưởng lớn đến tác nghiệp cứu hộ.
Phương tiện, máy móc, trang thiết bị gồm 8 cẩu đường sắt (2 cẩu Kirow sức nâng 100t; 1 cẩu khổ đường 1435 sức nâng 100t, 4 cẩu orton sức nâng 40t và 1 cẩu sức nâng 24t); 3 cẩu đường bộ sức nâng 50t; 14 bộ ky thủy lực chuyên dùng (Ky sàng Đức); 2 ô tô chuyên dùng cơ động; 48 toa xe chuyên dùng (xe nhiệm sở và xe trong các đoàn cẩu); 31 máy phát điện. Ngoài ra còn một số thiết bị cơ bản phục vụ cứu hộ như: ky điện thủy lực 50t hoặc ky sàng thủ công (vít me Pháp) được bố trí tại các địa điểm: Lào Cai, Tiên Kiên, Yên Viên, Đồng Đăng, Hải Phòng, Mạo Khê, Giáp Bát, Bỉm Sơn, Vinh, Tuy Hòa, Tháp Chàm).
Năm 2020, tình hình tai nạn giao thông đường sắt giảm sâu trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Cả năm 2020 xảy ra 173 vụ tai nạn, giảm 84 vụ (-32,7%), tai nạn do chủ quan 07 vụ, giảm 03 vụ (-30%); tai nạn do khách quan 157 vụ, giảm 87 vụ (-35,7%). Trong đó, cứu hộ 22 vụ tai nạn GTĐS, 78 vụ cứu hộ sự cố GTĐS… Các vụ tai nạn, sự cố liên quan đến hoạt động GTĐS xảy ra tại các địa phương đã được ngành ĐS và cơ quan chức năng tại sở tại phối hợp xử lý, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.
Tại Hội thảo, một số đại biểu đã đưa ra kiến nghị và giải pháp khắc phục các mặt còn tồn tại để nâng cao hiệu quả của công tác cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra, như: phải xây dựng kịch bản và phương án cứu hộ chi tiết, cụ thể cho riêng từng ga (theo khu gian của ga quản lý) khi có sự cố, tai nạn GTĐS. Cùng với đó, thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung kịp thời các vị trí mà phương tiện cứu hộ đường bộ có thể tiếp cận hiện trường vào phương án của các ga để kịp thời đáp ứng công tác cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết.
Các đơn vị phải căn cứ quy định trách nhiệm của các đơn vị tham gia hoạt động trên ĐS quốc gia trong việc giải quyết sự cố, TNGT ĐS và các văn bản quy định hiện hành về công tác cứu hộ, cứu nạn để xây dựng quy định cụ thể riêng (quy trình tác nghiệp cụ thể cho từng chức danh) cho phù hợp với điều kiện tổ chức sản xuất của đơn vị, tổ chức cho CBCNV học tập nắm vững để nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, TNGT ĐS xảy ra.
Thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, tổ chức diễn tập kỹ năng tác nghiệp cứu hộ cho lực lượng cứu hộ của đơn vị quản lý để phục vụ công tác cứu hộ nhanh chóng đảm bảo an toàn.
Phát biểu tại hội thảo, Phó TGĐ Phan Quốc Anh cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác ứng phó sự cố, cứu hộ cứ nạn, các đơn vị phải luôn trong tư thế sẵn sàng, đảm bảo phương tiện, thiết bị hoạt động tốt; xây dựng các quy định về kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cứu hộ; xây dựng quy trình tác nghiệp (trình tự thao tác) cho từng loại phương tiện, thiết bị chuyên dùng để thực hiện việc cứu hộ đảm bảo an toàn cho con người cũng như an toàn cho thiết bị.
Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Cục ĐS để chỉ đạo lực lượng công an, thanh tra GTĐS sở tại phối hợp với nhân viên ĐS tại hiện trường trong công tác giải quyết sự cố, TNGT ĐS, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất.
Đặc biệt, tổ chức triển khai đề án “Ứng dụng KHCN trong Tổng công ty giai đoạn 2019-2030”, trong đó có việc đầu tư thiết bị sàng chuyên dùng (ky sàng Đức) và cẩu có sức nâng lớn.
Trước mắt, sẽ lên kế hoạch đầu tư 04 bộ ky sàng chuyên dùng bố trí đều tại các địa điểm để tăng mật độ thiết bị chuyên dùng cứu hộ. Cụ thể, tuyến Thống Nhất bố trí 2 bộ tại Tuy Hoà và Tháp Chàm, còn lại 2 bộ sẽ phân bố tại Đồng Đăng và Hải Phòng.
Về lâu dài, sẽ đầu tư trang bị cho tất cả các tổ, trạm KCTX thiết bị cứu hộ chuyên dùng, bộ ky sàng thuỷ lực của Đức(giai đoạn 2021-2025). Bên cạnh đó, trang bị thêm cẩu ĐS có sức nâng lớn để thay thế các cẩu có sức nâng <40 tấn và bổ sung thêm hai cần cẩu 100t bố trí thường trực tại Diêu Trì và Bình Thuận để giảm cự ly phạm vi hoạt động của cẩu (hiện tại bình quân khoảng 325 km/cẩu) giảm thời gian cẩu di chuyển đến hiện trường (giai đoạn 2026-2030).