An toàn giao thông ĐS

10:40 | 22/09/2022

ĐSVN làm việc với tỉnh Nam Định xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt

Ngày 21 tháng 9 năm 2022, tại Hội trường của Công ty CPĐS Hà Ninh đã diễn ra buổi làm việc giữa Đại diện lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN và Sở GTVT, Ban ATGT Tỉnh Nam Định về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt.

Buổi làm việc giữa hai bên nhằm phối hợp thực hiện tốt Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 28/7/2020 của UBND tỉnh Nam Định về việc thực hiện đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Chính phủ trên địa bàn Tỉnh Nam Định.

Tham dự có các đồng chí: Phạm Ngọc Vinh – Chánh VP Ban ATGT Tỉnh Nam Định, Vũ Mạnh Hà – Phó Chánh thanh tra Tỉnh cùng các đồng chí  đại diện Sở GTVT, Ban ATGT Tỉnh Nam Định; về phía Tổng công ty ĐSVN có đồng chí Trần Cao Thắng – Trưởng ban ANATGTĐS cùng đại diện các Ban, lãnh đạo các đơn vị đường sắt: Công ty CPĐS Hà Ninh, Chi nhánh KTĐS Hà Thanh, Công ty CP TTTH ĐS Hà Nội và đại diện Đội thanh tra An toàn số 03 Cục ĐSVN.

ĐSVN làm việc với tỉnh Nam Định xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng đánh giá và ghi nhận kết quả quá trình phối hợp thực hiện Quyết định 358 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 28/7/2020 của UBND Tỉnh Nam Định, nhằm đảm bảo trật tự hành lang an toàn GTĐS và xử lý dứt điểm lối đi tự mở, cụ thể như: Tại tỉnh Nam Định hiện có 197 giao cắt giữa đương bộ với đường sắt, trong đó: Đường ngang có gác: 14 đường;  Đường ngang cảnh báo tự động - có cần chắn tự động: 29 đường; Đường ngang biển báo: 01 đường; Lối đi tự mở: 153 lối đi. Trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, các đơn vị đường sắt đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chức năng địa phương xây dựng và triển khai một số giải pháp đảm bảo an toàn giao thông như: Xóa bỏ lối đi tự mở: 60 lối đi; Tổ chức cảnh giới: 12/12 vị trí lối đi tự mở và có cảnh báo tự động; tập huấn nghiệp vụ cho người của địa phương cử ra làm nhiệm vụ cảnh giới, trang cấp dụng cụ phục vụ công tác cảnh giới; Cắm biển cảnh báo “chú ý tàu hỏa”: 58/153 lối đi; Rào thu hẹp lối đi tự mở: 32/34 lối đi; Cắm biển báo W210: 39/58 biển; Cắm biển báo W211: 76/81 biển; Cắm biển W 243a,b,c: 88/132 biển; Xây dựng gồ, gờ giảm tốc: 27/54 giao cắt; Lắp đặt điện thoại báo tàu cho điểm cảnh giới: 07 máy tại các lối đi tự mở và đường ngang CBTĐ; Kết nối tín hiệu đường bộ - đường sắt: 01 vị trí tại Km 96+912; Xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách: 600 m (Km 106 + 760 đến Km 107 + 360).

Mặc dù hai bên đã lỗ lực thực hiện đảm bảo ATGT trên địa bàn Tỉnh, tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông đường sắt năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn diễn ra rất phức tạp: Năm 2021: số vụ tai nạn: 03 vụ, giảm 04 vụ, giảm 57 % so với cùng kỳ; số người chết: 01 người, giảm 04 người, giảm 80% so với cùng kỳ; số người bị thương: 01 người, giảm 01 người, giảm 50% so với cùng kỳ; vị trí xảy ra tai nạn: lối đi tự mở 01 vụ, dọc đường 02 vụ. Trong 8 tháng đầu năm 2022: số vụ tai nạn: 06 vụ, tăng 04 vụ, tăng 200 % so với cùng kỳ; số người chết: 02 người, tăng 01 người, tăng 100% so với cùng kỳ; số người bị thương: 04 người, tăng 04 người so với cùng kỳ; vị trí xảy ra tai nạn: dọc đường 03 vụ, lối đi tự mở 03 vụ.

Bên cạnh đó, tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình ĐS và hành lang an toàn đường sắt (tính đến 31/8/2022) cũng diễn biến phức tạp, cụ thể: vi phạm phạm vi KCHTĐS: 441 vị trí; vi phạm phạm vi bảo vệ công trình TTTHĐS: 109 vị trí.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Trần Cao Thắng – Trưởng ban ANAT đại diện Tổng công ty ĐSVN cũng đã đề xuất và kiến nghị Sở GTVT và Ban ATGT Tỉnh Nam Định tham mưu với UBND Tỉnh, bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 28/7/2020 của UBND tỉnh Nam Định đã ban hành, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, cụ thể như: Xây dựng đường gom, hàng rào: 15,7 Km; xây dựng đường ngang: 04 đường ( Km 81+487, 77+160, 92+870, 109+350); Bổ sung, tổ chức cảnh giới thêm một số vị trí lối đi tự mở sau: Km 77+160, 109+344); chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xã Yên Tiến, huyện Ý Yên chủ trì, đơn vị đường sắt phối hợp: Công ty CPĐS Hà Ninh, Chi nhánh KTĐS Hà Thanh rào đóng lối đi tự mở qua đường sắt Km 107+960 và tổ chức phân luồng giao thông tại lối đi tự mở Km 108+010 để đảm bảo an toàn; Khi chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức (cá nhân) dọc hai bên đường sắt, đường dây thông tin tín hiệu đường sắt; đề nghị cấp ngoài phạm vi bảo vệ công trình và hành lang ATGTĐS được quy định tại Nghị định số 56/2018/NĐ-CP, ngày 16/4/2018 của Chính phủ; Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp chủ trì, phối hợp với các Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh, Công ty thông tin tín hiệu Đường sắt Hà Nội, Chi nhánh KTĐS Hà Thanh trong việc giải tỏa vi phạm phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông đường sắt; phát quang tầm nhìn tại các giao cắt Đường bộ - Đường sắt.

Trong buổi làm việc Ông Đỗ Hồng Sơn – Giám đốc Công ty CPĐS Hà Ninh cũng kiến nghị với Tỉnh chỉ đạo Thành phố Nam Định, UBND Xã Lộc Hà tổ chức đóng 02 lối đi tự mở tại km81+185, km84+495 vì đã xây dựng xong đường gom. Tại đường ngang km87+630 đề nghị Sở GTVT tỉnh lắp đặt hệ thống đèn giao thông đường bộ kết nối với hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt  vì tại điểm giao cắt này xung đột giao thông và là điểm đen xảy ra tai nạn. Tại km109+344 có lối đi tự mở rộng 06m, có nhiều oto tải trọng lớn thường xuyên đi qua gây mất an toàn, đề nghị địa phương có rào lại còn dưới 3m nhằm hạn chế phương tiện đi lại, đảm bảo ATGT.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Vinh – Chánh VP Ban ATGT tỉnh Nam Định, đánh giá cao sự lỗ lực, phối hợp giữa Sở GTVT, Ban ATGT tỉnh với các đơn vị đường sắt, trong việc xóa lối đi tự mở, với thời gian gần 2 năm nhưng đã xóa được 60/153 lối đi tự mở, trong đó có nhiều lối đi tự mở phức tạp, một số đề xuất của các đơn vị đường sắt, trong thời gian tới Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp để thực hiện, những nhiệm vụ ngoài tầm sẽ tham mưu, đề xuất với Sở GTVT, UBND và HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra nhằm đảm bảo trật tự ATGT, xóa hết lối đi tự mở vào năm 2025, đây là nhiệm vụ khó khăn vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có ý thức của người dân, nên trong thời gian tới Ban ATGT tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị đường sắt tuyên truyền nhiều hơn, sâu hơn về công tác đảm bảo ATGTĐS ...

Sau khi đánh giá lại những kết quả đạt được trong thời gian qua, hai bên cũng đã thống nhất ghi nhận những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trong khi thực hiện, đồng thời đề ra những nhiệm vụ trong thời gian tới, sau đó đại diện lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN và đại diện Sở GTVT Tỉnh Nam Định đã ký kết biên bản, nhằm phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thực hiện Quyết định 358 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch 66 của UBND Tỉnh.