Đường sắt phản hồi thông tin điểm cà phê check-in ga Long Biên mất an toàn
Cải tạo nhà cấp 4 thành phòng đợi tàu, điểm cà phê check-in
Tổng công ty Đường sắt VN vừa đưa vào khai thác phòng đợi tàu có dịch vụ cà phê với tên gọi Hỏa xa cafe tại ga Long Biên. Phòng đợi này cùng khu ga Long Biên đã trở thành điểm check-in thu hút khách đi tàu, khách tham quan.
Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến ủng hộ mô hình mới này của đường sắt, vẫn có ý kiến trái chiều về tính hợp pháp của công trình cũng như lo ngại về công tác đảm bảo an toàn tại đây.
Đường sắt cải tạo nhà cấp 4 thành phòng đợi tàu có dịch vụ cà phê như một điểm check-in tại ga Long Biên. Ảnh: Biển Ngọc
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tất Thương, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, đơn vị quản lý ga Long Biên cho biết, khu vực ga Long Biên chật hẹp trong khi nhu cầu đi tàu tại ga lớn, nhất là khách đi tàu tuyến Long Biên - Hải Phòng trải nghiệm food tour. Vào dịp cuối tuần, ngày lễ, có chuyến tàu lên đến 1.000 hành khách. Nhưng phòng đợi, mặt bằng ga rất nhỏ, nên công tác phục vụ hành khách khó khăn.
Trong khi tại khu vực ga, cạnh lối cầu thang đá vào ga phía phố Trần Nhật Duật giáp phố Gầm Cầu có công trình nhà cấp 4. Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt VN chủ trương sửa sang, cải tạo thành phòng đợi tàu để nâng chất lượng phục vụ, trong phòng đó có các dịch vụ kèm theo phục vụ hành khách trong lúc khách chờ tàu.
“Việc đường sắt đưa vào khai thác phòng đợi Hỏa xa cafe đem lại nhiều tiện ích, trước tiên là nâng cao được chất lượng phục vụ đối với chính khách đi tàu của mình. Hành khách đến ga có được phòng đợi tốt và được sử dụng những dịch vụ trong phòng đó. Đây là xu thế phát triển, các ga đều làm được như vậy sẽ rất tốt.
Đồng thời, ga Long Biên như một điểm đến du lịch, với nhiều nét cổ kính về kiến trúc nhà ga, cầu, thu hút khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Khách du lịch muốn tham quan, tìm hiểu khu vực ga Long Biên, cầu Long Biên có thể đến phòng đợi này để nghỉ ngơi, sử dụng dịch vụ”, ông Thương nói.
Thông tin thêm, ông Thương cho hay, dịch vụ cà phê đã được cấp giấy phép kinh doanh. Còn công trình nhà cấp 4 là tài sản nhóm 2, thuộc tài sản của Tổng công ty Đường sắt VN. Do vậy việc tổng công ty cải tạo, chuyển công năng thành phòng đợi là hoàn toàn phù hợp, giống như nhiều ga khác có điểm dịch vụ ăn uống, giải khát.
Hơn nữa, đường sắt chỉ cải tạo, nâng cấp, giữ nguyên diện tích, không thay đổi kết cấu, mái. Quá trình sửa, chính quyền địa phương cũng đã đến kiểm tra, thấy không thay đổi kết cấu công trình cũ, không cơi nới, ảnh hưởng đến an toàn nên không có ý kiến.
Kiểm soát, làm chủ công tác an toàn
Ông Thương nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn. Vì công trình phòng đợi này nằm trong khu vực ga nên thường xuyên có nhân viên đường sắt giám sát, đảm bảo an toàn.
Khi có tàu đón, trả khách, hành khách được đi lại qua đường sắt để vào ga lên tàu, hay xuống tàu ra ga, có nhân viên nhà ga hướng dẫn, kiểm soát an toàn. Ảnh: Biển Ngọc
Nếu chỉ nhìn hình ảnh người qua lại, chụp ảnh trên đường sắt trong ga, có thể có người đặt câu hỏi tại sao lại để diễn ra như vậy. Nhưng thực tế không chỉ ga Long Biên, tại các ga chưa có cầu vượt đường bộ trong ga đều có nhân viên đường sắt hướng dẫn, nhắc nhở người qua lại đường sắt tại các vị trí quy định để ra, vào ga mỗi khi có tàu đón, tiễn khách.
Tại ga Long Biên trước nay vẫn có 3 cổng đón, tiễn khách, trong đó có cổng lối lên xuống phía phố Trần Nhật Duật giáp phố Gầm Cầu. Do vậy, khách đi qua đường sắt để vào ga lên tàu, hoặc ra ga là hoạt động bình thường, tất nhiên theo hướng dẫn, kiểm soát của nhân viên đường sắt.
Cũng theo ông Thương, hoạt động khách ra vào khu vực đường sắt chỉ được diễn ra mỗi khi có tàu đón khách, hoặc tàu về tiễn khách. Còn khi tàu chuẩn bị khởi hành, các cửa ra vào ga phải được đóng, đảm bảo không có ai đứng trong phạm vi giới hạn ATGT đường sắt. Nhân viên bảo vệ, nhân viên chạy tàu phải quan sát, nhắc nhở khách ra khỏi phạm vi giới hạn.
“Cổng lối lên xuống thang đá đã đóng, bên hành lang ga chính dây mềm ngăn ngừa khách đi vào khu vực đường sắt đã được chăng, hành khách đứng ở vị trí an toàn, đồng thời tại các vị trí này đều có nhân viên đứng quan sát, cảnh giới, tuyệt đối không có người qua lại đường sắt, người đứng gần tàu.
Tất cả các vị trí phải quan sát trên dưới, trong ngoài, trước sau. Chỉ khi tất cả các khâu, các vị trí đều đảm bảo an toàn, trực ban chạy tàu ga mới làm tín hiệu cho tàu chạy. Tức là nằm trong khu vực ga, tất cả các vấn đề về an toàn phải tuân theo quy trình chặt chẽ, kiểm soát, làm chủ được”, ông Thương nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về khoảng cách giữa công trình phòng đợi và đường sắt liệu có vi phạm khoảng cách an toàn, ông Thương cho biết: Công trình phòng đợi mới (công trình nhà cấp 4 trước đây) nằm trong phạm vi công trình kiến trúc nhà ga. Các công trình nhà ga như nhà làm việc... không theo quy định về hành lang như ngoài khu gian, mà khi xây dựng đều được tính toán, thiết kế sao cho khổ tiếp giáp của đầu máy, toa xe không bị ảnh hưởng, đảm bảo an toàn.
Theo Báo Giao thông