Đường sắt thiệt hại hàng chục tỷ đồng do thiên tai
Ngày 27/5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão (PCLB), ứng phó sự cố thiên tai, cứu nạn trong hoạt động đường sắt năm 2018.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó TGĐ phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Đường sắtcho rằng, dù bão lũ năm 2018 diễn biến phức tạp, bất thường nhưng công tác cứu chữa khá nhanh, thông đường sớm, tránh kéo dài thời gian ách tắc. Các đơn vị đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai ở các cấp; Xây dựng phương án, kế hoạch, theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ); Chủ động tổ chức kiểm tra và gia cố các công trình xung yếu; Chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư dự phòng đảm bảo cho việc tổ chức ứng cứu kịp thời. Đặc biệt, công tác thường trực được thực hiện nghiêm túc, nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin, số liệu nhanh và chính xác; Đồng thời, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong công tác phòng chống, cứu chữa nên có sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả cao...
Thiên tai, bão lũ năm 2018 ảnh hưởng tới hoạt động SXKD và gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho ngành ĐS
Trước đó, báo cáo công tác PCLB của Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2018 có 9 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta, trong đó 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, gây mưa lớn trên diện rộng, gây thiệt hại lớn đến kết cấu hạ tầng đường sắt trên các tuyến. Đặc biệt có nhiều vị trí phải dừng tàu để cứu chữa và chuyển tải hành khách trong nhiều ngày.
Điển hình, mưa lớn kéo dài ngày và đêm 9/7/2018 đã khiến nhiều tảng đá rơi từ trên núi cao tràn lấp 3 đoạn đường sắt trong ga Lạc Sơn, làm hư hỏng 200m đường, phải phong tỏa dừng tàu để cứu chữa. Cơn bão số 9 ngày 24/11/2018 khiến nước dâng cao chảy siết, làm xói lở chân khay và tứ nón phía hạ lưu cầu Km1304+093 đường sắt Bắc - Nam; Một số đoạn đường sắt trôi nền đường, nền đá; Một số vị trí đất đá trên núi cao tràn xuống lấp đường sắt... phải phong tỏa khu gian để sửa chữa.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt VN trao giấy khen cho 10 tập thể và 5 cá nhân có nhiều thành tích trong công tác PCLB năm 2018
Đường sắt đã phải huy động nhân lực, máy móc tổng lực thi công khấn trương để nhanh chóng thông đường. Tổng kinh phí cứu chữa bước 1 các điểm kết cấu đường sắt do thiên tai năm 2018 hơn 27 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều chi phí phát sinh trong công tác vận tải khi tàu phải dừng chạy tàu, chuyển tải hành khách, phục vụ hành khách khi chờ thông đường…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao công tác PCLB của ngành Đường sắt trong năm 2018. Mặc dù hậu quả do bão lũ nặng nề, nhưng với tinh thần chủ động, trách nhiệm, quyết liệt, CBCNV đường sắt đã nhanh chóng khắc phục, thông đường sớm, góp phần giảm thiệt hại cho GTVT đường sắt.
Cho rằng công tác PCLB đối với ngành Đường sắt rất quan trọng vì chỉ một sự cố xảy ra cũng gây tắc đường, Thứ trưởng Đông yêu cầu thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt VN cần chủ động, chuyên nghiệp, đồng bộ và an toàn, hiệu quả hơn trong công tác này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị ngành Đường sắt chủ động, chuyên nghiệp, đồng bộ và an toàn, hiệu quả hơn trong công tác phòng chống lụt bão
"Cần chủ động nắm bắt diễn biến bất thường của thời tiết, dự kiến phương án cứu chữa. Các đơn vị phải thể hiện được sự chuyên nghiệp trong cứu chữa nhanh bước 1 về hạ tầng, có sự liên thông với bước 2 để đảm bảo tính ổn định, hiệu quả lâu dài", Thứ trưởng Đông chỉ đạo và yêu cầu, cần đồng bộ hơn trong điều hành, nghiên cứu các giải pháp, sử dụng các nguồn lực, nguồn kinh phí… để tiết kiệm hơn, rút ngắn được thời gian phải phong tỏa.
“Phải coi toàn bộ hạ tầng đường sắt là “điểm đen” trong PCLB vì thiên tai diễn biến bất thường, không biết có thể gây hậu quả như thế nào. Vì vậy, ngoài theo dõi, giám sát chặt chẽ các điểm xung yếu, cần xây dựng kế hoạch tổng thể để đưa kinh phí duy tu vào thực hiện kiên cố hóa kết cấu hạ tầng đường sắt”, Thứ trưởng Đông nói.