Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện QĐ số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng CP về lập lại trật tự HLATGT đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020
Sáng ngày 10-8, tại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định 994 giai đoạn 2014-2017, ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, dù nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các hạng mục theo Quyết định 994 là 26.358 tỷ đồng, nhưng mới được cấp cho hạng mục nâng cấp, sửa chữa đường ngang 280 tỷ đồng. Trong đó, năm 2015 được cấp 170 tỷ để thực hiện xây dựng 63 đường ngang. Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt VN đã rà soát, cắt giảm khối lượng không cần thiết và làm được 133 đường ngang, đưa công trình vào sử dụng đem lại hiệu quả cao, đảm bảo ATGT cho người và các phương tiện giao thông qua giao cắt đường bộ - đường sắt. Năm 2016 đã thực hiện rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt xong 127 đường ngang; chuyển tiếp thực hiện thi công 93 đường ngang trong năm 2017, kinh phí 110 tỷ.
Các đường ngang sau khi được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp theo kế hoạch 994 đều đảm bảo độ êm thuận, cung cấp đầy đủ các tín hiệu báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, việc áp dụng lắp động cơ và cần chắn tự động tại các đường ngang đường sắt năm 2015, sau một thời gian sử dụng đã phát huy hiệu quả đảm bảo ATGT. Riêng 41 đường ngang cảnh báo tự động đã lắp cần chắn tự động kể từ khi đưa vào sử dụng từ tháng 1/2016 đến nay không xảy ra vụ tai nạn nào.
Quang cảnh hội nghị
Ghi nhận kết quả đạt được của Tổng công ty Đường sắt VN, Cục Đường sắt, các cấp ngành triển khai thực hiện Kế hoạch bảm đảm ATGT đường sắt theo Quyết định 994, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, việc quản lý hành lang ATGT đường sắt có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cấp cơ sở đã có giải pháp gì để giải quyết thực trạng lối đi tự mở qua đường sắt? Thực hiện như thế nào, có hiệu quả chưa?
“Cần rà soát lại xem có cách nào để quản lý hành lang, đường ngang, lối đi tự mở mà không cần nhiều tiền không? Ví dụ như tuyên truyền ATGT, với việc phát động chương trình nào đó mà cả hệ thống chính trị vào cuộc, hiệu quả sẽ cao”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo hội nghị
Để việc triển khai Quyết định 994 có hiệu quả thiết thực thời gian tới, Thứ trưởng Thọ cho rằng, có 8 nội dung theo kế hoạch 994 nhưng có những hạng mục công việc khi xây dựng kế hoạch chưa sát với tình hình thực tế nên hiệu quả chưa cao. Có những công việc trực tiếp liên quan đến ATGT, tăng cường quản lý Nhà nước thì chưa thể hiện.
Vì vậy, Thứ trưởng Thọ yêu cầu rà soát, lựa chọn thứ tự ưu tiên những công việc cụ thể phải làm, trong đó đảm bảo hành lang ATGT đường sắt là một trong những giải pháp cần thực hiện ngay. Cần nhân rộng một số giải pháp tích cực, hiệu quả. Tùy từng điều kiện cụ thể ở từng địa phương để có giải pháp linh hoạt như mô hình tự quản... Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an... “Khó khăn nhất là nhu cầu vốn, đừng trông chờ ở ngân sách, phải vận dụng linh hoạt từ nguồn của địa phương, từ sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính, tổ chức quốc tế cho công trình, dự án ATGT” Thứ trưởng nói.
Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN, qua thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của Cục cho thấy, trong công tác phối hợp đảm bảo ATGT đường sắt, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, sâu sát. Một số địa phương còn để tình trạng vi phạm hành lang ATGT phức tạp, chưa quyết liệt xử lý như: huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam), quận Thủ Đức (TP. HCM). Công tác làm hàng rào, đường gom còn chậm do không có vốn.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, tới đây nên tập trung vốn xử lý dứt điểm hạng mục công việc xây 250m hàng rào, đường gom ngăn cách đường bộ - đường sắt để cơ bản đóng hoàn toàn các lối đi dân sinh. Mặt khác, phần việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương thì địa phương phải tìm cách thực hiện. “Không có tiền để làm hàng rào, đường gom thì địa phương phải tổ chức cảnh giới. Cái gì cũng đẩy về đường sắt và Trung ương là không công bằng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Vũ Anh Minh Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN phát biểu
Còn Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh khẳng định: “Chúng tôi xác định, trách nhiệm trước tiên trong đảm bảo an toàn đường sắt là của đường sắt, là nhiệm vụ trọng tâm nhất”. Vì vậy, ông Minh cho biết, Tổng công ty Đường sắt VN phân định rõ trách nhiệm và xây dựng giải pháp đối với từng đường ngang, lối đi tự mở; gắn trách nhiệm với từng đơn vị của địa phương, cũng như của Tổng công ty. Đặc biệt ưu tiên giải pháp giảm TNGT đường sắt.