Lắp cảnh báo tự động, TNGT “hạ nhiệt” ở các điểm giao cắt đường sắt - đường bộ
Cảnh báo từ xa...
Vào một buổi sáng cuối tháng 2/2021, xe cộ tấp nập qua lại đường ngang km1687+545 (gần ga Hố Nai, phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). Tiếng còi tàu rú lên từ xa cũng là lúc đèn tín hiệu tại điểm giao cắt này liên tục kêu “reng, reng” báo hiệu, Gác chắn tự động đóng lại.
Theo quan sát của PV, khi đèn tín hiệu vang lên từ xa, lập tức người điều khiển xe máy, ô tô tự giác giảm tốc độ nghiêm túc dừng chờ tàu trước thanh chắn. Tàu đi qua, các thanh chắn tự động mở chắn, giao thông lại trở về bình thường.
“Khu vực này sát bên Khu công nghiệp Hố Nai nên mật độ giao thông qua lại rất cao. Trước đây, cung đường sắt đoạn qua Biên Hòa và huyện Trảng Bom đã từng xảy ra tai nạn chết người tại các đường ngang. Từ khi lắp đèn tín hiệu cảnh báo và cần chắn tự động chưa thấy xảy ra tai nạn”, anh Nguyễn Văn Hải nói.
Xe cộ dừng, đỗ ngay ngắn trước điểm giao cắt có chắn tự động gần ga Hố Nai (thành phố Biên Hòa).
Ông Dương Ngọc Thắng - PGĐ Công ty CP Thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn cho biết, đến nay đoạn đường sắt từ Ninh Thuận đến TP.HCM đã có 85 vị trí đường ngang được lắp cảnh báo tự động. Hệ thống chuông đèn sẽ tự động cảnh báo trước khi tàu đến khoảng 60 giây. Chắn sẽ tự động đóng trước khi tàu đến đường ngang 40 giây và mở chắn cho xe cộ qua đường ngang khi tàu đi qua 10 giây.
Hình ảnh từ camera sẽ kết nối đường truyền dữ liệu và được theo dõi trực tiếp 24/24h tại Trung tâm giám sát được đặt tại trụ sở công ty. Các vị trí đường ngang được camera giám sát, trạng thái hoạt động của hệ thống cảnh báo. Đồng thời, theo dõi hiện trạng giao thông tại khu vực đường ngang để hỗ trợ công tác đảm bảo ATGT.
Khi phát hiện các sự cố đe dọa an toàn tàu chạy hoặc đèn tín hiệu, gác chắn gặp sự cố Trung tâm sẽ thông báo ngay cho các đơn vị tại các khu gian, nhà ga… để khắc phục đảm bảo an toàn tàu chạy.
Hệ thống cảnh báo và chắn tự động có camera sẽ kết nối dữ liệu với Trung tâm giám sát giao thông để theo dõi và xử lý kịp thời các sự cố tại đường ngang.
TNGT đường sắt giảm nhiệt
Ông Trương Phi Hùng - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện trên tuyến đường sắt có 28 vị trí đường ngang được lắp hệ thống cảnh báo đèn tín hiệu, chắn tự động từ cuối năm 2019. Qua khảo sát tại các vị trí đường ngang có cảnh báo tự động từ xa rất hiệu quả trong kéo giảm TNGT đường sắt.
Ông Hùng dẫn chứng năm 2019 xảy ra 2 vụ người đi đường tông vào đoàn tàu làm 2 người chết. Riêng năm 2020 trên địa bàn tỉnh không xảy ra TNGT gây chết người.
“Để đảm bảo an toàn tàu chạy và tính mạng người dân, chúng tôi đã lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị đường sắt tiếp tục xóa các lối đi tự mở. Song song đó, sẽ làm đường gom thuận lợi cho người dân đi lại”, ông Hùng nói.
Ban ATGT tỉnh Bình Thuận cho biết, ngành đường sắt đã lắp đặt cảnh báo tự động, cần chắn tự động tại 37/64 đường ngang đoạn qua địa bàn tỉnh. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt làm chết 2 người. So với năm 2019, giảm 1 vụ (-33,3%), giảm 3 người chết (-60%) và giảm 1 người bị thương (-100%).
Qua phân tích các vụ va chạm với tàu hỏa, hầu hết do lỗi chú ý quan sát của người lái xe khi qua đường ngang.
“Do vậy ngành đường sắt tiếp tục sớm triển khai tại các đường ngang còn lại; ưu tiên triển khai trước tại vị trí km1465+810 - điểm đen chưa được cải tạo, xóa bỏ”, Ban ATGT kiến nghị.
Một vị trí đường ngang có cảnh báo và chắn tự động trên tuyên đường sắt qua tỉnh Ninh Thuận.
Ông Lê Bá Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Thuận Hải cho biết đoạn tuyến Ninh Thuận - Bình Thuận thuộc đơn vị phụ trách đã lắp chắn tự động tại nhiều đường ngang. Số vụ tai nạn đã được kéo giảm rõ rệt, người dân ngụ ven tuyến đường sắt đã dần quen với hệ thống cảnh báo tự động, ý thức tốt hơn trước khi qua các điểm giao cắt đường sắt.
Ông Lê Văn Thái - Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác Đường sắt Sài Gòn cho rằng, việc nâng cấp đưa vào khai thác các đường ngang có gác chắn tự động, camera giám sát tại các điểm giao cắt đường sắt đã phát huy hiệu quả trong việc cảnh báo từ xa. Thông báo chuẩn xác thời điểm tàu chuẩn bị chạy qua, cảnh báo kịp thời (đèn, chuông) cho người và phương tiện qua lại.
“Đây là bước phát triển vượt bậc góp phần tiết kiệm, giảm bớt nhân viên ứng trực tại các điểm gác chắn từng bước thay đổi diện mạo và cải thiện hình ảnh đường sắt hiện đại và an toàn hơn”, ông Thái nói.
Theo Báo Giao thông