
Ngành Đường sắt siết chặt phòng chống thiên tai trước mùa bão lũ 2025
Chiều ngày 16/7/2025, Tổng công ty ĐSVN tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó sự cố, cứu nạn đường sắt năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 nhằm rút kinh nghiệm và chuẩn bị kế hoạch bảo đảm an toàn vận hành trong mùa mưa bão sắp tới.
Năm 2024, ngành Đường sắt phải đối mặt với bốn cơn bão lớn, trong đó bão Yagi để lại hậu quả nặng nề tại nhiều tuyến đường trọng yếu. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, sạt lở và nhiều điểm có nguy cơ mất an toàn, nhưng nhờ công tác chuẩn bị sớm, đồng bộ và sát thực tế, ngành đã hạn chế tối đa thiệt hại, nỗ lực khắc phục nhanh sự cố để khôi phục hoạt động khai thác vận tải.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh nhấn mạnh: “Chính nhờ sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài ngành, công tác phòng chống thiên tai năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận”.
Việc xây dựng và phổ biến Sổ tay ứng phó sự cố tới từng đầu mối đơn vị đã phát huy tác dụng nhất định trong hoạt động ứng phó, cứu nạn khi xảy ra sự cố. Cùng với đó, ngành đường sắt đang từng bước áp dụng công nghệ số vào công tác phòng chống thiên tai, nổi bật là việc lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm xung yếu, chủ động chiếu sáng tại các hầm đường sắt nhằm nâng cao mức độ an toàn trong công tác khai thác, công bố hotline 0369118118 hoạt động 24/7, là cầu nối thông tin kịp thời trong các tình huống khẩn cấp.
Không chỉ dừng lại ở việc ứng phó, ngành còn hướng tới việc nâng cao năng lực nội tại. Công tác đào tạo nhân lực được chú trọng, trang thiết bị kỹ thuật được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong vận hành và sẵn sàng cho các dự án đường sắt tốc độ cao trong tương lai gần. Việc giữ vững tốc độ và tải trọng khai thác là một trong những mục tiêu được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tính ổn định và an toàn.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, dự báo thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, Chủ tịch Đặng Sỹ Mạnh chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát lại toàn bộ điểm xung yếu, xây dựng kế hoạch ứng phó theo cấp độ, đồng thời chủ động phối hợp với các địa phương, đặc biệt là sau khi cả nước thực hiện sát nhập các tỉnh thành từ ngày 1/7.
Một điểm nhấn quan trọng trong định hướng thời gian tới là việc tiếp tục cập nhật, đồng bộ hóa hệ thống quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật, cải tiến quy trình xử lý sự cố và tăng cường đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại nhằm thay thế sức người.
Cũng tại hội nghị, tư lệnh ngành Đường sắt thông tin thêm về tốc độ tăng trưởng tích cực của ngành. Chỉ số tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2025 đạt 9,2%, nhiều sản phẩm vận tải mới được ra mắt như tàu Hoa Phượng Đỏ, tàu dịp 30/4, tàu Xuân… mang đến trải nghiệm mới qua đó thu hút lượng khách tăng rõ rệt. Ở lĩnh vực vận tải hàng hóa, đặc biệt là tàu hàng liên vận quốc tế, ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, tạo đà phát triển cho hoạt động logistics đường sắt trong thời gian tới.
Ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết ngành đường sắt cần thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ chiến lược đó là Khai thác, vận hành hiệu quả mạng lưới đường sắt hiện hữu; đồng thời Chuẩn bị tốt cho tương lai với các tuyến đường sắt mới, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Hải PHòng- Hà Nội – Lào Cai. Ngành ĐS đang khẩn trương lập đề án tái cơ cấu theo mô hình tập đoàn, tăng vốn điều lệ, xây dựng khu công nghiệp đường sắt, trở thành trung tâm công nghệ, đóng vai trò là hạt nhân trong hệ sinh thái phát triển ngành.
Chủ tịch VNR kêu gọi “Với tinh thần Phát huy truyền thống – Nỗ lực tự cường – Hợp tác hiệu quả – Tinh gọn đột phá – Kiến tạo tương lai, ngành Đường sắt sẵn sàng cho những nhiệm vụ lớn với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao nhất, hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn, vận hành hiệu quả, tăng trưởng bền vững.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Tổng Giám đốc Hoàng Gia Khánh yêu cầu toàn bộ hội nghị tiếp thu và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chủ tịch Đặng Sỹ Mạnh. Tổng giám đốc thẳng thắn nhìn nhận “Năm thiên tai khắc nghiệt vừa qua là bài kiểm tra năng lực ứng phó sự cố của các đơn vị đường sắt. Mặc dù các đơn vị đã cố gắng hạn chế, giảm thiểu thiệt hại nhưng công tác đảm bảo an toàn vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ một điểm tắc nghẽn cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của toàn hệ thống.”
Do đó, Tổng giám đốc yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng phương án ứng phó bão cho 6 tháng cuối năm. Các điểm xung yếu cần được rà soát thường xuyên, lập danh mục theo dõi, tổ chức diễn tập và phân công lực lượng trực chiến ngay khi có cảnh báo thời tiết nguy hiểm, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các địa phương sở tại. Tổng Giám đốc Hoàng Gia Khánh nhấn mạnh dù khó khăn thách thức bao nhiêu, vẫn phải quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.