An toàn giao thông ĐS

15:08 | 25/11/2021

Quy trình xử lý môi trường nghiêm ngặt trên tàu hỏa

Đường sắt đang siết chặt các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trên các đoàn tàu khách, nhất là các quy định về an toàn phòng dịch Covid-19.

Toa xe phải “sạch trong, sạch ngoài”

Đến ga Hà Nội vào buổi sáng, hành khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nhân viên đang cần mẫn vệ sinh toa xe khách để chuẩn bị đón khách chuyến tàu chiều. Bên ngoài, một tốp nhân viên phun nước, cọ rửa thùng xe; Bên trong tốp khác cặm cụi lau rửa vệ sinh nội thất, từ nhà vệ sinh đến thành vách, thậm chí từng chi tiết như tay nắm cửa.

quy trình xử lý môi trường nghiêm ngặt trên tàu hỏa

Nhân viên đường sắt phun khử khuẩn toa ghế ngồi sau khi tàu kết thúc hành trình

Ông Đào Việt Thắng, Trạm trưởng Trạm Tiếp viên đường sắt Hà Nội cho biết, đây là tác nghiệp bắt buộc để đảm bảo toa xe khi đưa ra vận dụng, đón khách đi tàu phải “sạch trong, sạch ngoài”, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đem lại sự an tâm, thoải mái cho hành khách khi đi tàu. Sau khi đội vệ sinh chuyên nghiệp hoàn thành công việc, trưởng tàu khách sẽ phải kiểm tra, nghiệm thu, đảm bảo chất lượng mới đồng ý bàn giao toa xe.

Không chỉ chất lượng vệ sinh toa xe, các trang thiết bị phục vụ hành khách cũng được kiểm tra, đảm bảo đầy đủ, hoạt động tốt trước khi tàu đón khách, xuất phát. Như điều hòa không khí, hệ thống thông gió để khi tàu chạy, trong toa xe thoáng khí; Thiết bị vệ sinh tự hoại hoạt động bình thường, các vật dụng như thùng rác, xà phòng, sáp thơm... được bố trí đầy đủ, đúng vị trí để tránh gây mùi hôi trong toa xe. Còn khi tàu chạy trên đường, theo Trưởng tàu khách Nguyễn Trường Thọ, các nhân viên trên tàu sẽ phải thực hiện vệ sinh toa xe theo các quy định cụ thể như làm sạch buồng vệ sinh định kỳ;

Thu gom rác, lau bàn, lau sàn, phun xịt hương khử mùi sau khi phục vụ suất ăn chính cho hành khách; Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh các vị trí dễ bẩn, gây ra mùi hôi trong toa xe như khu vực rửa mặt, khu vực thùng rác đầu toa. Thường xuyên nhắc nhở hành khách vứt rác vào nơi quy định, không hút thuốc trong toa.

Bà Hàn Như Quỳnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế - Khoa học công nghệ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, mỗi đơn vị phục vụ trên tàu sẽ có quy định, xây dựng quy trình tác nghiệp riêng để đảm bảo môi trường trên toa xe khách.

Tuy nhiên, các quy trình đều phải thực hiện theo đúng quy định về quản lý và bảo vệ môi trường của Tổng công ty Đường sắt VN, trong đó có nhiều quy định cụ thể về đảm bảo môi trường trên toa xe khách. Các đơn vị xây dựng và đưa các tiêu chí đánh giá vệ sinh môi trường trong quy trình kiểm tra đoàn tàu.

Cụ thể, đối với chất thải rắn sinh hoạt, trên mỗi toa xe khách đều được bố trí các thùng lưu chứa rác tạm thời tại đầu toa xe, thùng rác nhỏ tại mỗi khoang hành khách và trong buồng vệ sinh để thu gom rác. Sau đó, nhân viên trên tàu thu gom, chứa trong các bao bì bọc kín, không để rơi vãi gây phát tán ra môi trường và đưa xuống các ga. Tại các ga, rác được chuyển giao cho các đơn vị xử lý môi trường địa phương theo quy định. 

Đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19

quy trình xử lý môi trường nghiêm ngặt trên tàu hỏa

Nhân viên vệ sinh, khử khuẩn các vị trí dễ lây lan dịch Covid-19 trên tàu

Thường xuyên đi tàu trong mùa dịch, kể cả phục vụ trên những chuyến tàu chuyên biệt đón người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê, Trưởng tàu Trần Văn Trí cho biết, với những chuyến tàu khách hiện nay, càng phải tăng cường thực hiện vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.

“Quy định của đơn vị đối với tàu bình thường là 3 giờ thực hiện vệ sinh toa xe một lần, nhưng với tàu khách hiện nay, chúng tôi thực hiện thường xuyên hơn do nguy cơ lây nhiễm dịch cao hơn. Phòng vệ sinh cứ 30 phút phải làm vệ sinh, khử khuẩn một lần, chậm lắm 1 giờ phải làm 1 lần. Rồi buồng rửa mặt, tiếp theo là dọc hành lang và các cửa phòng khách, các vị trí dễ tiếp xúc, dễ lây lan dịch như tay nắm cửa, mặt bàn... đều thường xuyên được lau khử khuẩn”, Trưởng tàu Trí nói.

Để hạn chế tiếp xúc, tổ tàu nhắc nhở hành khách vứt rác sinh hoạt vào nơi quy định để nhân viên thu gom. Rác sau khi thu gom, bọc kín cũng được xịt khử khuẩn trước khi đưa xuống ga đem đi xử lý theo quy định.

Ông Phạm Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm Tiếp viên đường sắt Sài Gòn cho biết, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng dịch Covid-19 trên tàu khách hiện nay được thực hiện nghiêm ngặt hơn.

Ngoài quy định 3 tiếng phun khử khuẩn trong toa xe một lần, nhân viên còn phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ toa xe để đảm bảo duy trì nhiệt độ quy định trong phòng dịch. Đồ vải như chăn, ga… sau khi khách dùng xong phải gom lại và phun khử khuẩn toàn bộ để tránh lây lan cho các bộ phận khác; Đồng thời phục vụ chăn, ga mới đối với hành khách mới lên tàu. Nhân viên cũng thường xuyên kiểm tra xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn tại đầu toa xe, nếu hết phải bố trí ngay để hành khách sử dụng...

“Kết thúc hành trình, toa tàu lại được phun, vệ sinh khử khuẩn. Với việc thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường phòng dịch Covid-19 trên tàu khách như vậy, hành khách yên tâm đi tàu, đảm bảo an toàn”, ông Bảy nói.

Ông Bảy cũng cho biết, cùng với làm vệ sinh toa xe, ngành Đường sắt còn quy định định kỳ phun chất khử mùi, quy định nhiệt độ điều hòa tối thiểu để đảm bảo chất lượng không khí, xử lý mùi tàu trong môi trường toa xe điều hòa đóng kín.

Ngoài ra, Trung tâm Y tế đường sắt sẽ có nhân viên đi kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc đảm bảo môi trường trên tàu, từ chất lượng không khí, vấn đề rác thải. Định kỳ hàng tháng phun khử trùng toa xe, phun thuốc khử côn trùng như gián, rệp và phun phòng dịch mùa.

Hiện nay, trên tàu cũng nghiêm cấm vận chuyển hàng hóa là đồ tươi sống dễ hư hỏng như các loại thịt, rau, củ, hoa, hay đồ có đặc tính gây mùi khó chịu như các loại mắm, sầu riêng... khi chưa được đóng gói cẩn thận, có bao bì, đảm bảo chắc chắn không gây ảnh hưởng đến hành khách, hành lý, hàng hóa khác.