An toàn giao thông ĐS

18:01 | 16/10/2015

Tăng cường phối hợp với các địa phương đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ - đường sắt

Qua thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, tai nạn giao thông (TNGT) tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt (ĐS) chiếm khoảng 85% trong tổng số các vụ TNGTĐS. Phổ biến các vụ TNGTĐS là do người tham gia giao thông đường bộ vi phạm pháp luật về ATGT đường bộ, ĐS gây ra trong phạm vi HLATGT ĐS. Nhằm thực hiện Nghị quyết số 88/2011/NQ – CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT; tháng 8 năm 2013, Bộ GTVT đã ký Quy chế phối hợp với UBND 34 tỉnh, thành phố có ĐS đi qua trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại các điểm giao cắt cùng mức giữa ĐS với đường bộ.

Chủ động làm việc với các địa phương

Để đánh giá công tác thực hiện Quy chế phối hợp (QCPH) giữa Bộ GTVT với UBND các tỉnh, thành phố trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với ĐS. Trong quý 3 năm 2015, Tổng công ty ĐSVN đã thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Tổng công ty làm trưởng đoàn làm việc với 34 tỉnh (thành phố) có ĐS đi qua.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó TGĐ Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN cho biết, việc triển khai QCPH đã được ký kết giữa Bộ GTVT với UBND các tỉnh, thành phố là giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo TTATGT ĐS tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với ĐS; đó là cơ sở để các đơn vị quản lý ĐS với các địa phương tổ chức thực hiện cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác phối hợp đảm bảo trật tự ATGT ĐS tại các điểm có đường bộ giao cắt với ĐS; là giải pháp đồng bộ huy động cả hệ thống chính trị tham gia trong công tác đảm bảo trật tự ATGTĐS và được các cấp chính quyền địa phương cũng như người dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện QCPH tại các địa phương có ĐS đi qua đã gặp một số khó khăn: Mạng lưới giao thông ĐS với chiều dài trên 3000 km, trải dài trên cả nước đi qua 34 tỉnh thành phố (qua 147 quận, huyện, thị xã, thành phố và 654 xã, phường, thị trấn). Hệ thống giao cắt đồng mức giữa đường bộ với ĐS quá nhiều (5803 giao cắt), bình quân cứ 1km ĐS có 1,85 giao cắt. Các tuyến ĐS chạy qua các khu đô thị, khu dân cư có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều đoạn khu đoạn ĐS chạy song song và liền kề đường bộ. Đây là nguyên nhân chính làm phát sinh tình trạng vi phạm và lấn chiếm HLATGTĐS, mở lối đi trái phép qua ĐS. Các vụ TNGT tại các giao cắt giữa đường bộ với ĐS chủ yếu là do người tham gia giao thông đường bộ vi phạm trật tự ATGTĐS đường bộ gây ra trong phạm vi HLATGTĐS. Ngoài ra, một khó khăn trong việc triển khai thực hiện QCPH là nguồn kinh phí để triển khai các công trình, dự án đảm bảo ATGTĐS đã được Chính phủ phê duyệt còn hạn hẹp, chưa kịp thời, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ, khó khăn.

Những kết quả khả quan

Theo số liệu của Ban ATGTĐS (Tổng công ty ĐSVN); cùng với việc triển khai thực hiện QCPH với các địa phương, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức kết nối tín hiệu giao thông tại 14 ĐN giao cắt giữa ĐS với đường bộ; lắp đặt điện thoại báo giờ tàu tại 43 điểm do địa phương cảnh giới. Phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông tại các lối đi dân sinh đối với hộ dân và tập thể; tổ chức tuyên truyền Luật ĐS đối với người dân sống hai bên ĐS. Tổ chức cảnh giới tại các đường ngang có nguy cơ mất an toàn trong các dịp vận tải cao điểm (tết nguyên đán, tết dương lịch, nghỉ lễ 30/4&1/5, nghỉ lễ 2/9, vận tải hè từ 20/5-31/8). Hoàn thành 55,24 km hàng rào hộ lan (tôn lượn sóng ngăn cách giữa đường bộ với ĐS). Hoàn thành 51,92 km đường gom, 3 hầm chui dân sinh, 3 cầu vượt ĐS. Hoàn thành 3 cầu đường bộ (Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu)…

Sau hơn 2 năm thực hiện QCPH, các công ty QLĐS thuộc Tổng công ty ĐSVN đã chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các đường ngang (ĐN) và các lối đi dân sinh (tính đến tháng 9/2015) đã phối hợp rà xoát tại 625 ĐN có người gác, 332 ĐN phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động, 541 ĐN phòng vệ bằng biển báo và 4305 lối đi dân sinh. Không để phát sinh thêm ĐN và lối đi dân sinh mới...

Các đơn vị ĐS đã phối hợp với chính quyền, đoàn thanh niên các địa phương tổ chức 7 hội thi tuyên truyền măng non thiếu nhi bảo vệ ĐS, 99 buổi phổ biến giảng dạy về Luật ĐS, 103 buổi làm vệ sinh văn hóa mặt đường, 56 đợi tuyên truyền về hoạt động thiếu nhi bảo vệ ĐS. Phối hợp với địa phương giải tỏa các công trình vi phạm HLATGT ĐS tại 163 ĐN. Tổ chức cảnh giới, chốt gác tại 149 điểm có nguy cơ mất an toàn.

Được biết, để đảm bảo TTATGTĐS, đường bộ, kéo giảm tai nạn GT tại các giao cắt đồng mức giữa ĐS với đường bộ, Tổng công ty ĐSVN sẽ lập hồ sơ lý lịch của các ĐN và lối đi dân sinh còn tồn tại, đề xuất phương án giải quyết đối với từng ĐN và lối đi dân sinh, bàn giao hồ sơ cho địa phương cùng quản lý và theo dõi ngăn ngừa tối đa phát sinh; lập kế hoạch thực hiện các công việc còn lại về thu hẹp các lối đi dân sinh; cắm biển "Chú ý tàu hỏa"; sửa chữa mặt ĐN trong phạm vi quản lý đảm bảo êm thuận cho các phương tiện qua lại. Phối hợp với địa phương trong việc tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận tại các lối đi dân sinh là lối đi công cộng qua ĐS; thực hiện công tác giải tỏa các điểm vi phạm hành lang và phát quang tầm nhìn tại các giao cắt đảm bảo ATGTĐS. Tiếp tục phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về trật tự ATGT đường sắt (tổ chức hội thi về ATGT ĐS tại các trường học, các buổi nói chuyện về ATGT ĐS tại các khu dân cư...).

Lê Quang (tổng hợp)