Tổng công ty ĐSVN đánh giá tổng kết công tác đảm bảo ATGTĐS 5 tháng đầu năm 2019
Sáng ngày 23/5/2019, Phó TGĐ Phụ trách Tổng công ty ĐSVN Đặng Sỹ Mạnh đã chủ trì Hội nghị đánh giá tổng kết công tác đảm bảo trật tự ATGTĐS, thực hiện chính quy văn hóa an toàn 5 tháng đầu năm và giải pháp 7 tháng cuối năm 2019 qua hệ thống truyền hình 7 khu vực.
Theo thống kê của Ban An ninh an toàn, tình hình trật tự ATGTĐS 5 tháng đầu năm 2019 đã được kiềm chế và giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: xảy ra 98 vụ, giảm 10 vụ (-9,3%); làm 39 người chết, giảm 09 người (-18,8%); bị thương 61 người, giảm 12 người (-16,4%). Sự cố chạy tàu 385 vụ, giảm 16 vụ (-4%).
Mặc dù có chuyển biến tích cực song phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tình hình ATGTĐS trong thời gian 5 tháng đầu năm 2019 vẫn diễn ra phức tạp. Tai nạn do nguyên nhân khách quan dù có giảm, nhưng thiệt hại về người và tài sản vẫn ở mức cao. Vẫn để xảy ra các vụ tai nạn, sự cố uy hiếp đến ATCT, vi phạm quy trình tác nghiệp do lỗi chủ quan do trật tự, kỷ cương về an toàn chạy tàu có phần bị buông lỏng.
Quang cảnh hội nghị
Công tác kiểm tra, giám sát về ATCT tại một số đơn vị thiếu thường xuyên, chưa hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát theo phân cấp tại các lĩnh vực, chuyên ngành kỹ thuật của Tổng công ty như hệ thống quản lý KCHT, đầu máy - toa xe chưa sâu sát. Công tác chỉ đạo của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu đơn vị thiếu quyết liệt; phát hiện, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời, có đơn vị chỉ dừng lại ở việc xử lý người lao động trực tiếp vi phạm mà chưa xem xét, xử lý trách nhiệm liên đới của cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là đối với những vụ việc có tính chất lặp lại; thiếu kiên quyết, triệt để trong triển khai thực hiện mệnh lệnh chỉ đạo của Tổng công ty. Một nguyên nhân nữa phải kể đến là chất lượng nhân lực lao động. Trong khi nhiều đơn vị vận tải dư thừa lao động, thì không ít đơn vị trong lĩnh vực: sửa chữa toa xe, tuần gác, duy tu cầu đường, nhà ga lại thiếu lao động, dẫn đến có trường hợp lên ban quá giờ, kéo ban, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản xuất và công tác đảm bảo ATCT. Hiện nay, nhiều đơn vị gặp khó khăn về nguồn tuyển lao động do thu nhập của lao động còn thấp.
Bên cạnh đó, chất lượng sửa chữa định kỳ, khám chữa ngoài vận dụng, chỉnh bị phương tiện vận tải; duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt còn nhiều tồn tại, là nguyên nhân làm cho tai nạn, sự cố uy hiếp ATCT gia tăng thời gian qua. Ngoài ra, việc ứng dụng các đề tài KHCN liên quan đến công tác ATGTĐS chưa được chú trọng, công tác phối hợp đảm bảo ATGTĐS giữa các đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế do thay đổi mô hình tổ chức cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến đến chất lượng sản xuất và công tác đảm bảo ATCT trong thời gian qua.
Radar phát hiện chướng ngại được lắp đặt tại đường ngang km 167+980 tuyến đường sắt Bắc - Nam
Tại hội nghị, các đơn vị đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc tại đơn vị mình, cùng phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp xử lý. Để siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đảm bảo ATGTĐS, thực hiện tốt công tác chính quy, văn hóa, an toàn, hạn chế thấp nhất tai nạn, sự cố do chủ quan gây ra, Phó TGĐ Phụ trách Đặng Sỹ Mạnh đã yêu cầu từ Tổng công ty đến các đơn vị chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ, trong đó sự tự giác, nêu gương của người lãnh đạo; tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn hoặc có tư tưởng “xả hơi” trong chỉ đạo, thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGTĐS.
Các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc tiếp tục thực hiện hướng dẫn của Tổng công ty về công tác “Chính quy – Văn hóa – An toàn”, đảm bảo phong trào được thực hiện thống nhất trong toàn ngành, góp phần nâng cao chất lượng phục khách hàng và đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị và của Tổng công ty; Tập trung thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường, kiểm tra đột xuất, kiểm tra qua hệ thống camera giám sát và qua điện thoại; Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công giám sát tập trung qua camera, nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo các nguy cơ gây mất an toàn tại các hệ, tránh để xảy ra các sự cố uy hiếp ATCT; đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện giám sát lẫn nhau giữa các chức danh trực tiếp làm công tác chạy tàu trong quá trình tác nghiệp, khuyến khích việc tự phát hiện các tồn tại, hạn chế của các đơn vị.
Các Ban chuyên môn liên quan và các đơn vị cần rà soát, xác định những trọng điểm để bố trí tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tại các lĩnh vực, hạng mục vừa qua xảy ra nhiều tai nạn, sự cố, như: các vị trí xung yếu, xóc lắc về cầu, đường; thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng, khám, chỉnh bị phương tiện vận tải, gắn trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm tra, trách nhiệm của đơn vị được kiểm tra với kết quả kiểm tra và xử lý sau kiểm tra; rà soát, bổ sung các văn bản, quy định, quy trình còn thiếu trong công tác quản lý kỹ thuật trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Nhanh chóng thực hiện ứng dụng một số đề tài KHCN vào thực tế nhằm hỗ trợ, đảm bảo ATGTĐS, hạn chế thiệt hại do tai nạn gây ra. Phân công lực lượng lao động trực tiếp làm công tác chạy tàu, bố trí đội hình lên ban đảm bảo hỗ trợ nhau trong quá trình làm việc, đảm bảo thời gian làm việc đúng quy định; Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sát hạch định kỳ đối với lực lượng trực tiếp làm công tác chạy tàu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, cải thiện về vật chất, tinh thần cho người lao động…