VNR tổng kết 10 năm triển khai Phong trào “Chính quy – Văn hóa – An toàn”
Sáng 9/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức Hội nghị tổng kết Phong trào “Chính quy – Văn hóa – An toàn” giai đoạn 2021 – 2022. Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hoàn – Phó Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho biết: Năm 2012, trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm những kết quả đạt được sau hơn 20 năm thực hiện thi đua “Xây dựng tổ, đơn vị quản lý Đường sắt Chính quy - Văn hóa - An toàn". Để phù hợp với Đề án tái cơ cấu VNR theo các giai đoạn từ năm 2012 đến nay, Tổng giám đốc Tổng công ty và Ban Thường vụ Công đoàn Đường sắt đã sửa đổi, ban hành các quyết định số 789/QĐ-ĐS ngày 22/6/2012 và 848/QĐ-ĐS ngày 04/7/2018 ban hành Quy định về Phong trào “Chính quy - Văn hóa - An toàn” nhằm mục đích "Động viên, ghi nhận các tập thể, đơn vị có thành tích sản xuất - kinh doanh tốt, giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành nghiêm nội quy, qui trình, qui phạm, bảo đảm an toàn trên tất cả các mặt; tổ chức hoạt động của đơn vị chính quy, khoa học, có văn hóa, môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân lao động”.
Ông Nguyễn Thanh Hoàn – Phó Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam báo cáo tại Hội nghị |
Qua 10 năm thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức do tác động của suy thoái toàn cầu, thiên tai bão lũ, đại dịch Covid-19; sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình vận tải và sự chuyển đổi mô hình tổ chức, tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa chuyên môn, Công đoàn các cấp, sự tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, công nhân viên chức lao động, Phong trào “Chính quy - Văn hóa - An toàn” đã thu được nhiều thành tích đáng khích lệ trên các mặt công tác.
Cụ thể, trong công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, hàng năm, Tổng giám đốc VNR và Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã phối hợp phát động các đợt thi đua lớn từ những ngày đầu của mỗi năm kế hoạch, tập trung vào các phong trào: Thi đua sản xuất giỏi, quản lý tốt; xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, thực hành tiết kiệm, cải tiến và nâng cao chất lượng phục vụ; phát triển ngành nghề kinh doanh, mở rộng thị trường; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp... Trong đó, đặc biệt coi trọng chỉ tiêu về xây dựng đơn vị “Chính quy - Văn hóa - An toàn”, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại thi đua khen thưởng năm của mỗi tập thể, cá nhân. Định kỳ hàng năm, duy trì công tác kiểm tra, đánh giá, xét công nhận, khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong Phong trào theo quy định.
Về kết quả sản xuất - kinh doanh, tổng doanh thu toàn ngành đạt 82.526 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân năm sau so với năm trước là 101,2%/năm; lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2012 - 2019 đạt 1.362 tỷ đồng tăng trưởng bình quân năm sau so với năm trước là 106,6%, riêng giai đoạn từ năm 2020 đến 2022 do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 nên kết quả sản xuất - kinh doanh đều bị lỗ, tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Tổng công ty thì số lỗ đã giảm dần so với năm trước hàng trăm tỷ đồng. Hàng năm, Tổng công ty đều hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động tăng trên 7%/năm. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tranh thủ được các nguồn lực, triển khai nhiều dự án chiến lược nhằm hiện đại hoá đường sắt Việt Nam trong tương lai. Thu hút nhiều đối tác đầu tư phương tiện tham gia vận tải đường sắt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự trên tầu, dưới ga, địa bàn, khu vực cơ bản được giữ vững; không có tai nạn chạy tàu đặc biệt nghiêm trọng.
Trong công tác xây dựng người công nhân đường sắt chính quy, có kỹ thuật, kỷ luật, văn hóa, xây dựng đội ngũ công nhân đường sắt có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có lối sống văn minh công nghiệp, giàu lý tưởng cách mạng là nhiệm vụ quan trọng được các đơn vị toàn ngành quan tâm bằng nhiều giải pháp hữu hiệu đã góp phần nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Toàn ngành đã công nhận và áp dụng 5.414 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 20 đề tài cấp nhà nước và cấp Bộ, 175 đề tài cấp Tổng công ty với tổng giá trị làm lợi gần 150 tỷ đồng, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật, khả năng ứng dụng cao, đảm bảo an toàn chạy tàu, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; rất nhiều công nghệ, sản phẩm đã được nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng hiệu quả vào thực tế.
Trong công tác phối hợp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, định kỳ hàng năm, Tổng giám đốc và Công đoàn Đường sắt Việt Nam phối hợp ban hành Kế hoạch liên tịch Phát động thi đua trong các đơn vị toàn ngành với những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, trong đó đặc biệt coi trọng nhiệm vụ đảm bảo an toàn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và xuyên suốt từ Tổng công ty đến các đơn vị trực thuộc, đồng thời đề ra các chỉ tiêu về đảm bảo an toàn chạy tàu, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại thi đua hàng năm của mỗi tập thể, cá nhân. Theo đó, hàng năm, các đơn vị đã tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn chạy tàu giữa người lao động với thủ trưởng đơn vị, giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo cấp trên trực tiếp. Định kỳ đều có kiểm điểm đánh giá những mặt đã làm được, những mặt chưa làm được và đề ra biện pháp khắc phục cụ thể.
Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR đánh giá: Phong trào “Chính quy - Văn hóa - An toàn” đã tạo động lực và sức mạnh để các đơn vị nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất – kinh doanh của đơn vị, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tạo sự gắn kết giữa các đơn vị, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của toàn ngành. Với kết quả đạt được nhiều tập thế, cá nhân điển hình tiên tiến được các cấp khen thưởng.
“Thông qua Phong trào “Chính quy – Văn hóa – An toàn”, cán bộ, công nhân viên chức lao động ngành đường sắt đã chú trọng quan tâm hơn đến việc đầu tư xây dựng công sở, trụ sở, các phân xưởng, phòng ban công ty, xí nghiệp, các nhà ga, đoàn tầu, các tổ sản xuất, cung cầu đường, đội, trạm, nơi làm việc của người lao động ngày một khang trang, sạch đẹp, góp phần quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh ngành đường sắt Việt Nam “Chính quy – Văn hóa – An toàn” trong mắt đối tác, hành khách đi tàu và chủ hàng” – ông Đặng Sỹ Mạnh ghi nhận và biểu dương.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, người lao động làm việc tại VNR được tạo điều kiện thuận lợi để học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ về mọi mặt; được đầu tư trang bị công cụ, dụng cụ làm việc ngày một hiện đại; điều kiện làm việc, sinh hoạt ngày được cải thiện. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện phấn đấu, rèn luyện tác phong làm việc chính quy, văn minh và lịch sự, nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ luật cho mỗi cán bộ, công nhân viên chức lao động toàn ngành.
Nhấn mạnh tác phong làm việc “Chính quy - Văn hóa - An toàn” là yêu cầu bức thiết đặt ra cho mỗi doanh nghiệp và từng chủ thể cá nhân người lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, phát huy những thành quả đã đạt được trong giai đoạn 2012 – 2022, trong thời gian tới, ông Đặng Sỹ Mạnh yêu cầu toàn Tổng công ty và các đơn vị thành viên cần bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước" để xây dựng đội ngũ công nhân ngành Đường sắt ngày càng lớn mạnh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần bổ sung, hoàn thiện Quy định về phong trào "Chính quy - Văn hóa - An toàn" cho phù hợp với mô hình tổ chức, yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn 2023 – 2028. Kiện toàn, thống nhất công tác chỉ đạo Phong trào từ Công ty mẹ đến các đơn vị cơ sở, nâng cao chất lượng Phong trào "Chính quy – Văn hóa – An toàn" thành một phong trào thi đua trọng tâm, xuyên suốt trong mỗi cơ quan, đơn vị, cán bộ, công nhân viên chức lao động ngành đường sắt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức thành hành động tự giác trong cán bộ, công nhân viên chức lao động ngành đường sắt, tạo nên một phong cách làm việc có kỷ luật, kỹ thuật, có văn hóa. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động. Duy trì công tác kiểm tra, tự kiểm tra định kỳ, sơ tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, khen thưởng, vinh danh xứng đáng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong Phong trào, tạo động lực phấn đấu cho mỗi tập thể, cá nhân.
Nhân dịp này, Hội nghị đã vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong Phong trào “Chính quy – Văn hóa – An toàn” giai đoạn 2012 – 2022.
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong Phong trào “Chính quy – Văn hóa – An toàn” giai đoạn 2012 – 2022 |
Ông Hoàng Gia Khánh – Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Tổng giám đốc VNR và ông Phan Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc VNR trao Bằng khen của Tổng công ty cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong Phong trào “Chính quy – Văn hóa – An toàn” giai đoạn 2012 – 2022 |
Ông Mai Thành Phương – Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam trao Bằng khen của Ban Chấp hành Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong Phong trào “Chính quy – Văn hóa – An toàn” giai đoạn 2012 – 2022 |