11:05 | 04/01/2019

Quy định về thủ tục giấy tờ và quy cách của hành lý ký gửi

Điều 12 của Thông tư 09/2018/TT-BGTVT, quy định gửi hành lý ký gửi như sau:

1.1 Khi gửi hành lý ký gửi, người gửi phải ghi đúng, ghi đủ nội dung của tờ khai gửi hàng theo mẫu quy định.

Nội dung của tờ khai gửi hàng như sau: Tờ khai gửi hàng do người gửi ghi và thể hiện đầy đủ các nội dung: họ tên, số CMND, CCCD, địa chỉ, số điện thoại, số fax (nếu có) của người gửi hành lý ký gửi, người nhận hành lý ký gửi; ga đi, ga đến; loại hàng; số lượng bao, kiện; trọng lượng thực tế và trọng lượng tính cước của mỗi bao, kiện; số lượng các loại giấy tờ (bản chính, bản sao) đi kèm theo lô hàng, tên và số hiệu, ký hiệu của giấy tờ đó; cam đoan của người khai; trên tờ khai phải có chữ ký, ghi rõ họ tên của người kê khai.

1.2 Hành khách, người gửi phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hàng hóa trong hành lý ký gửi:

Tính hợp pháp của hàng hóa được căn cứ theo các loại giấy tờ có giá trị pháp lý như: hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tờ khai gửi hàng, giấy phép lưu thông (đối với các loại hàng Nhà nước bắt buộc phải có giấy phép lưu thông).

Hành khách, người gửi phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hàng hóa và các hóa đơn, giấy tờ đã kê khai; đồng thời phải cung cấp các hóa đơn, giấy tờ khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng.

QUY CÁCH ĐÓNG GÓI HÀNH LÝ KÝ GỬI

Điều 13: Quy định về vận tải hành lý của Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định như sau:

a)   Yêu cầu về đóng gói hành lý ký gửi:

-     Tùy theo tính chất của hàng hóa; hành khách, người gửi phải bao bọc, đóng gói đúng quy cách để đảm bảo không bị hư hỏng, đổ vỡ, rơi vãi, xô lệch hoặc gây ảnh hưởng đến các hàng hóa khác trong quá trình xếp, dỡ và vận chuyển.

-     Để việc giao nhận được thuận lợi, tránh nhầm lẫn, ngoài các quy định trên đây, mỗi bao, kiện hành lý ký gửi còn phải buộc thẻ hành lý. Nội dung ghi trên thẻ hành lý thực hiện theo quy định hiện hành.

*    Trọng lượng, kích thước mỗi kiện hàng:

-     Kích thước: dài không quá 2,5m; rộng không quá 0,5m; thể tích không quá 0,5m3; trọng lượng không quá 75kg.

-     Trọng lượng tính cước tối thiểu của hành lý ký gửi là 5 (năm) kg/kiện; phần lẻ từ 0,5kg trở lên quy tròn thành 1 kg; từ 6kg trở lên tính theo trọng lượng thực tế (đã quy tròn).

-     Đối với hàng cồng kềnh cứ 1m3 tính cước 300kg.

-     Xe đạp tính cước 50kg/chiếc.

-     Xe đạp điện các loại, xe máy các loại có dung tích xi lanh nhỏ hơn 50 cmtính  cước 100kg/chiếc.

-     Xe máy điện và xe máy các loại có dung tích xi lanh từ 50cmđến dưới 125cmtính cước 150kg/chiếc.

-     Xe máy các loại có dung tích xi lanh từ 125cm3 đến dưới 250cm3 tính cước 250kg/chiếc.

-     Xe máy các loại có dung tích từ 250cm3 trở lên: tính cước bằng 450kg/chiếc.

-     Tủ lạnh nguyên chiếc có dung tích nhỏ hơn 150 lít tính cước 150kg/chiếc.

-     Tủ lạnh nguyên chiếc có dung tích từ 150 lít trở lên tính cước 300kg/chiếc.

-     Máy khâu có bàn, có lắp chân đứng tính cước 100kg/chiếc.

-     Đối với xe đạp các loại, xe máy các loại (nguyên chiếc và tháo rời), máy khâu, tủ lạnh các loại nếu đóng thành hòm kiện chắc chắn có thể xếp chồng lên nhau với các loại hàng hóa khác được thì 1mtính cước 250kg.

b) Việc ghi các thông tin bên ngoài bao gói của hành lý ký gửi do hành khách hoặc người gửi thực hiện và phải đảm bảo chính xác, rõ ràng bằng chất liệu khó phai (riêng số hiệu vé hành lý ký gửi do nhân viên hành lý của đơn vị vận tải ghi). Các thông tin ghi bên ngoài bao gói (của người gửi và người nhận) gồm:

  • Họ tên, số giấy tờ tùy thân: ghi đầy đủ họ, tên đệm (nếu có), tên; số CMND, CCCD;
  • Địa chỉ: ghi đầy đủ các nội dung Ngõ, Hẻm, Số nhà, Đường phố, Phường, Quận, Thành phố hoặc Thôn, Xóm, Xã, Huyện, Tỉnh.
  • Số điện thoại: ghi đầy đủ số điện thoại cố định và di động (nếu có).
  • Số hiệu vé hành lý ký gửi: phải ghi đầy đủ ký hiệu và số hiệu.
  • Đối với các loại hàng hóa trong khi xếp dỡ, bảo quản và chuyên chở cần phải lưu ý thận trọng hoặc bảo quản đặc biệt cần phải ghi trực tiếp lên bao gói (hoặc dán nhãn) biểu thị ký hiệu, biểu trưng đặc tính của hàng hóa thể hiện: chiều để bao gói, kỵ ướt, kỵ nắng, dễ vỡ, … kèm theo cụm từ: “Chú ý ! Không xếp lộn ngược hoặc Hàng kỵ ướt” …

c) Những loại hàng hóa không bắt buộc phải đóng bao gói gồm:      

  • Xe máy, xe máy điện, xe đạp, xe đạp điện, xe đẩy trẻ em, xe chuyên dùng cho người khuyết tật.

+    Đối với tàu Khu đoạn mà phương thức giao nhận hành lý ký gửi được thực hiện trực tiếp giữa hành khách với hành lý viên trên tàu (không qua kho), thì hàng hóa  có tên nêu ở trên đây là loại hành lý ký gửi không bắt buộc phải đóng thành bao, gói, hòm, kiện.

+    Đối với tàu Thống Nhất và các tàu Khu đoạn thực hiện phương thức giao nhận hành lý ký gửi qua kho hành lý ở ga (trạm), xe máy, xe máy điện bắt buộc phải đóng vào thùng, kiện theo các quy định hiện hành để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển. Nếu người gửi hành lý ký gửi không đồng ý thực hiện việc đóng gói thì từ chối vận chuyển.

-     Những loại hàng hóa không cần bao bọc mà không bị hư hỏng, hao hụt hoặc không làm ảnh hưởng đến các loại hàng hóa khác khi được xếp trong cùng toa xe.