Khách Mỹ thích ngủ đêm trên tàu Hà Nội - Lào Cai
Alezanda Karplus sinh ra ở New York, Mỹ, và định cư tại Singapore được 14 năm. Cô đi du lịch nhiều nơi nhưng mới ngồi tàu hai lần ở Ấn Độ và Mỹ. Hai con của Karplus, 5 và 8 tuổi, chưa từng đi tàu đêm. Alexandra Karplus đã dành hai đêm ngủ trên tàu và nhận xét đó là "giấc ngủ ngon nhất" trong chuyến du lịch Việt Nam 7 ngày.
Khi chồng Karplus nảy ra ý tưởng đến Việt Nam du lịch và bắt tàu đêm Hà Nội - Sa Pa, nữ du khách đồng ý ngay lập tức. "Tôi rất hào hứng thử một điều gì đó khác biệt", cô nói. Cả gia đình lập tức đặt vé máy bay chặng Singapore - Hà Nội với giá 131 USD một người và đến Việt Nam vào tuần cuối cùng của tháng 10, thời điểm hai con họ được nghỉ học.
Sự chuyển động lắc lư của con tàu khiến gia đình 4 người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Karplus ngủ ngon lành suốt đêm và tỉnh dậy khi chuông báo thức kêu lúc 5h30. Tàu bắt đầu có nhân viên đẩy xe đi bán cà phê, đồ ăn cho khách. Khoảng 6h, tàu đến ga Lào Cai. Từ đây, họ lên một chiếc xe trung chuyển cùng 12 người khác để đến Sa Pa.
Một khoang trên đoàn tàu được trang trí theo phong cách miền núi
Có hai cách di chuyển từ Hà Nội lên Sa Pa: bằng tàu và ôtô. Karplus chọn đi tàu dù thời gian lâu hơn 4 tiếng nhưng được cô đánh giá an toàn hơn. "Có nhiều vụ tai nạn ôtô xảy ra trong những năm qua", cô nói. Gia đình Karplus ngủ 4 đêm tại khách sạn và homestay tại Sa Pa. Cô nói họ có những trải nghiệm khó quên nhưng "vẫn thấy ngủ trên tàu thoải mái hơn". Karplus cũng nói thêm hai đêm ngủ trên tàu là hai đêm cô ngủ ngon nhất trong chuyến du lịch tới Việt Nam.
Trong chuyến đi lần này, phố đường tàu ở Hà Nội và khung cảnh tại thị xã Sa Pa đều bị Karplus trừ điểm. Cô thất vọng vì đến Sa Pa chỉ có những biển quảng cáo khổng lồ, tòa nhà bê tông và rất nhiều người bán hàng cố gắng mời mọc họ mua đồ lưu niệm. Bản Cát Cát nổi tiếng cũng không được cô đánh giá cao vì "giống như một công viên giải trí nhiều hơn".
Cô cũng không đánh giá cao phố đường tàu và nhận định đây không phải nơi an toàn để khám phá cùng trẻ nhỏ. "Đồ uống được phục vụ tại các cửa hàng nhếch nhác nằm cách đường ray nửa mét", cô nói.
Khi tàu chuẩn bị đi qua, khu phố đường tàu trở nên sôi động hơn, theo quan sát của Karplus. Một người phụ nữ lớn tuổi từ một trong những quán cạnh đó chạy xuống đường ray, la hét yêu cầu mọi người giữ khoảng cách. Người phụ nữ ấy thậm chí còn nhặt giúp du khách gần đó chiếc kính râm họ làm rơi chỉ vài giây trước khi tàu chạy qua.
Chứng kiến khung cảnh này, nữ du khách Mỹ "hiểu lý do chính quyền Việt Nam lại cố gắng ngăn cảnh khách du lịch đến tham quan". Nếu cô biết trước những rủi ro của chuyến đi Karplus đã không ghé thăm. Tuy nhiên, hai đứa con của cô lại rất thích khung cảnh hỗn loạn nơi này.