Vé tàu Tết 2016: Hãy nói không với “cò”!
Việc ngành đường sắt triển khai bán vé tàu điện tử nhằm đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách kể cả về thời gian và tiền bạc, đặc biệt đã phần nào dẹp nạn “cò” vé vào các dịp lễ tết. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng lợi dụng sự cả tin của khách để các đối tượng “cò” vé lừa đảo.
Liệu có thật “trong hết, ngoài còn”?
Trước cổng ga Sài Gòn luôn có hơn chục “cò” vé đứng đợi sẵn. Chỉ cần thấy khách đi qua cổng, lập tức các “cò” vây đến chèo kéo, “hỏi thăm” nhiệt tình. Trong vai hành khách đi mua vé, vừa vào cổng, một người đàn ông đội nón lưỡi trai đen tiến đến mời chào và nói: “Em cứ vào trong quầy bán vé mà mua, chắc chắn lại quay ra đây tìm bọn anh thôi vì trong ấy báo hết vé tết rồi. Bây giờ vào đó chỉ mua được vé ngày thường thôi”.
Đúng như lời “cò”, chúng tôi vào quầy bán vé trong ga hỏi vé tàu tết chặng Sài Gòn - Thanh Hóa ngày 26 Tết thì nhân viên nói đã hết vé, còn ghế phụ nhưng rất ít. Lùi thời gian lại các ngày 23 - 24 - 25 tết thì kết quả cũng tương tự.
Hành khách mua vé tại ga Sài Gòn
Nhưng khi ra đến cổng ga, một phụ nữ ngoài 50 tuổi giới thiệu tên Đặng mời chúng tôi ra quán nước để thương lượng. Sau khi biết tôi muốn mua 2 vé về Thanh Hóa ngày 26 Tết, “cò” phán: “Giá vé đã niêm yết trên bảng giá trong ga em chắc cũng đã thấy, ở ngoài này chị chỉ lấy chênh lệch 250.000 đồng/vé. Nếu em thấy tin tưởng thì đưa chứng minh thư và 250.000 đồng, vé có sẵn ở chỗ chị rồi, mua là có liền, không phải đợi ngày lấy. Nếu muốn đúng tên theo chứng minh thư thì thêm 100.000 đồng để chị sang tên”.
Khi chúng tôi hỏi hiện vé tàu bán trên mạng cũng như bán tại ga đều đã hết, vậy vé của chị bán lấy từ đâu ra? Đặng tiết lộ: “Lượng vé bọn tôi bán là do trước đó chủ vé người ta dùng chứng minh thư của nhiều người đặt mua vé. Giờ chủ vé chỉ việc ôm vé ngồi ở nhà bán lại kiếm tiền chênh. Bọn chị chỉ là “cò” đi kiếm khách, mỗi vé được vài chục ngàn”.
Cùng đó, tại ga Hà Nội, khi chúng tôi nói cần một cặp vé tàu giường nằm về Vinh vào ngày cận tết âm lịch. Một nhân viên nữ tại quầy gõ máy tính kiểm tra vé và ngày trên hệ thống, một lúc sau chúng tôi nhận được câu trả lời là vé tàu giường nằm về Vinh vào ngày 4 - 5 và 6.2.2016 (tức vào ngày 26 - 27 và ngày 28/12/2015 âm lịch) đã hết, chỉ còn lại vé ngồi cứng, ngồi mềm. Nhưng khi ra ngoài cửa ga, chúng tôi lại được các “cò” vé ân cần an ủi: Chưa cần phải mua sớm vậy đâu, gần giáp tết sẽ có tàu tăng cường mua cũng dễ thôi (!).
Lạ hơn, khi ra khỏi cửa ga đi một đoạn, hỏi thăm mấy người đàn ông ngồi trên mấy chiếc xe máy sát lề đường Lê Duẩn, đối diện cửa ga, những người này khẳng định vẫn có thể lấy được vé, bao nhiêu vé cũng có, giá 1,2 triệu đồng/cặp.
Mua vé của “cò”, hành khách có thể bị hủy vé
Phó TGĐ Cty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn Đinh Văn Sang cho biết: Trường hợp mua vé rồi không đi nữa muốn trả lại vé thì cái vé đấy sẽ vào kho chờ của ngành đường sắt. Sau đó, nửa ngày đến một ngày mới đưa ra lại hệ thống mạng bán vé của ngành đường sắt. Lúc này thì tất cả mọi người đều có thể đặt mua được chứ không chỉ riêng “cò”. Nhà ga sẽ không giải quyết chuyển đổi tên, CMND người này sang người khác, nhằm tránh tiếp tay cho “cò” mua vé với tên người này rồi bán cho người khác để thu tiền chênh lệch.
Cùng đó Giám đốc Cty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội – bà Phùng Thị Lý Hà cũng khẳng định: “Hiện tượng “cò” vé là lừa đảo vì việc kiểm soát vé rất chặt, tên tuổi đăng ký mua vé phải trùng với chứng minh thư. Từ năm trước chúng tôi đã quản lý nghiêm và trên 600 khách hàng do khai báo không đúng đã phải chịu thiệt thòi 30% để đổi lại tên trên vé. Nhưng năm nay thì nếu khách hàng không có tên trong vé đúng chứng minh thư và cũng không có kèm đầy đủ những thông tin liên quan thì sẽ bị huỷ vé”.
Được biết, đây là năm thứ 2 ngành đường sắt phối hợp với FPT và VNPT triển khai bán vé tàu tết qua mạng với nhiều phương thức bán vé khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là bán trên trang web của ngành đường sắt vì hành khách có thể tìm hiểu được là có bao nhiêu đoàn tàu chạy và còn bao nhiêu ghế trống để lựa chọn. Theo đại diện ga Hà Nội, hiện ngành đường sắt ưu tiên các tuyến chạy dài như Sài Gòn - Vinh - Hà Nội. Còn tàu địa phương đã lập kế hoạch bán vé tàu tết chạy khu đoạn như Hà Nội - Vinh - Đồng Hới, Hà Nội - Lào Cai và từ 26.1 sẽ thiết lập tàu Nghệ An 1 phục vụ khách đi Vinh để phục vụ khách để tránh tình trạng “sốt” vé tàu tết đẩy khách rơi vào tình trạng rủi ro do phải mua vé chợ đen.
Theo Lao Động