Hoạt động lãnh đạo

06:25 | 20/08/2015

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra hiện trường dự án xã hội hóa ga Yên Viên

Sáng 20/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi kiểm tra hiện trường và nghe báo cáo dự án xã hội hoá bãi hàng ga Yên Viên. Tại hiện trường, Bộ trưởng đã nghe các bên liên quan báo cáo hiện trạng ga, phương án, chi phí đầu tư và hiệu quả sau khi dự án hoàn thành.

Theo báo cáo của nhà đầu tư ITL (Indo Tran Logistic), giai đoạn 1: “Xây dựng mới bãi hàng” sẽ được triển khai từ tháng 10/2015 – 6/2016 với tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ đồng, trong đó bao gồm bãi hàng, nhà điều hành, đường nhánh mới, hệ thống cẩu chuyên dụng RTG, cẩu nâng container và phần mềm quản lý. Giai đoạn 2 sẽ lập báo cáo khả thi đầu tư khu vực Yên Viên Bắc, cụ thể là xây dựng các phân khu hàng hóa, kho bãi, khu vực tác nghiệp vận hành đường sắt và xếp dỡ hàng hóa, thời gian dự kiến từ tháng 7/2016 - 12/2016.



Vị trí địa lý ga Yên Viên 

Sau khi thị sát hiện trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng công ty ĐSVN cùng nhà đầu tư nhanh chóng triển khai nâng cấp ga Yên Viên để xứng tầm là ga trọng điểm, đầu mối kết nối ĐS và các phương thức vận tải khác với các khu công nghiệp, nhà máy lớn.

Theo ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN: “Việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa ga Yên Viên là nhiệm vụ quan trọng, nằm trong chiến lược phát triển GTVT Đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của việc nâng cấp ga Yên Viên nhằm tổ chức, điều tiết xếp dỡ hàng hóa tại các ga; nâng cao hiệu quả khai thác ĐS, qua đó phát triển vận tải hàng hóa”. Chủ tịch Trần Ngọc Thành cũng cho biết thêm, dự án xã hội hóa ga Đồng Đăng sẽ được triển khai trong tháng 9/2015 với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ.

Phối cảnh thiết kế 3D ga Yên Viên

Về dự án xã hội hóa Yên Viên, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Trần Ngọc Thành cho biết: "Bãi hàng ga Yên Viên có diện tích khoảng 18.984m2. Bên thuê sẽ đầu tư toàn bộ các hạng mục để kinh doanh, khai thác đáp ưng năng lực xếp dỡ từ 1,2 - 1,8 triệu tấn; tổng mức đầu tư là 122,5 tỷ đồng".

“Tổng công ty ĐSVN quyết định điều chuyển toàn bộ tàu container và xếp dỡ từ ga Giáp Bát về ga Yên Viên nhằm giảm ùn tắc. Để làm được điều này phải tổ chức điều tiết lại toàn bộ các ga hàng hóa như Giáp Bát, Hà Đông… tập trung về ga Yên Viên”, ông Thành nói.

Bộ trưởng kiểm tra hiện trường khu vực Yên Viên Nam

Trong bối cảnh đất nước đang tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, ngành GTVT đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải với mục tiêu nâng cao hiệu quả SXKD, năng lực của từng loại hình vận tải, đa dạng kết nối giữa các phương thức vận tải, tạo ra trung tâm logistics nhằm tăng sức cạnh tranh, đồng thời giảm thời gian và chi phí vận tải. Bộ trưởng hoan nghênh tinh thần chủ động của Tổng công ty ĐSVN đối với việc xã hội hóa đầu tư công. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành ĐS khẩn trương khôi phục lại kết nối tuyến ĐS hiện có với các cảng biển lớn.

Bộ trưởng kiểm tra hiện trường khu vực Yên Viên Bắc

Theo Bộ trưởng, ngành ĐS vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng. Do vậy, cần phải đưa Nghị quyết của Đại hội vào thực tế. Việc hiện đại hóa đường sắt hiện có cũng như chuẩn bị đầu tư cho đường sắt tốc độ cao chỉ có thể bằng còn đường xã hội hóa đường sắt.

“Ngành ĐS phải coi con đường hiện đại hóa là nhiệm vụ sống còn. Muốn vậy, ngành ĐS phải quyết liệt hơn nữa, phải thay đổi tư duy và cụ thể hóa bằng hành động: tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa; điều chỉnh công tác quản lý, tổ chức sản xuất; nâng cao năng suất lao động nhằm tăng thu nhập cho CBCNV” – Bộ trưởng nói.

Nhà đầu tư báo cáo phương án xã hội hóa đầu tư ga Yên Viên

Ông Bùi Quang Liên, Giám đốc ITL cho biết mục đích của dự án nhằm tăng năng lực xếp lên 3 – 5 lần, giảm thời gian tác nghiệp trên các tuyến ĐS: tuyến ĐS phía Bắc (Yên Viên đi Lào Cai, Hải Phòng, Cái Lân), tuyến Bắc Nam (Yên Viên - Đà Nẵng - Sóng Thần) và tuyến Liên vận quốc tế (Yên Viên - Đồng Đăng - Bằng Tường, Yên Viên - Lào Cai - Côn Minh), qua đó tăng sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng ĐS, giảm tải cho đường bộ. Ông Liên kỳ vọng khi dự án hoàn thành, ga Yên Viên sẽ trở thành cánh tay nối dài của Cảng Hải Phòng và Cảng CICT, cảng Cái Lân cũng như  tăng cường kết nối ga đầu mối với các địa phương khác trên cả nước.

Trang Nhung