Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thị sát hiện trạng ga Yên Viên
Sáng 23/8, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã kiểm tra hiện trạng và chỉ đạo nâng cao hiệu quả khai thác của ga Yên Viên. Cùng đi có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN...
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Cảnh - Trưởng ban CBĐT Tổng công ty ĐSVN đã báo cáo Bộ trưởng và đoàn công tác về quy hoạch khu ga Yên Viên. Ông Cảnh cho biết: “Theo Quy hoạch chi tiết ĐS khu đầu mối Hà Nội đã được Bộ GTVT phê duyệt thì khu vực được quy hoạch bao gồm ga Yên Viên Bắc và ga Yên Viên Nam với chức năng là ga lập tàu khách chính và lập tàu hàng bổ trợ cho các tuyến ĐS phía Bắc sông Hồng. Với diện tích khoảng 30ha, khu vực Bắc Yên Viên sẽ là ga hỗ trợ cho ga đầu mối và Ga Yên Viên đi theo 5 hướng là Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Yên Viên – Hà Nội đi về phía Nam.
Bộ trưởng nghe báo cáo quy hoạch ga Yên Viên
Ga Yên Viên là ga hàng hóa đầu mối rất quan trọng của ngành ĐS ở khu vực phía Bắc, gồm các tác nghiệp chính là: đón gửi, giải thể lập tàu, tổ chức xếp dỡ hàng hóa đi/đến các tuyến gồm tuyến từ Yên Viên đi Hải Phòng, Cái Lân, Đồng Đăng, Lào Cai. Với vị trí trung tâm, ga Yên Viên dễ dàng kết nối các khu công nghiệp lớn và các cảng biển phía Bắc như Cảng Hải Phòng, Cái Lân… Tuy nhiên, luồng hàng hóa xếp dỡ tại ga đều là những mặt hàng có sản lượng thấp như sắt, thép, phân bón, xi măng…; chỉ chiếm từ 3,5% - 4,4% sản lượng xếp dỡ hàng hóa toàn ngành, chưa tương xứng tiềm năng vị trí và địa lý của một ga đầu mối. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng xuống cấp của bãi hàng, hệ thống kho bãi và sự lạc hậu của phương tiện xếp dỡ.
Để khắc phục tình trạng đó, năm 2015, Tổng công ty ĐSVN đã đề xuất với Bộ GTVT cho phép triển khai thực hiện việc hợp tác đầu tư khai thác KCHTĐS thông qua hình thức cho thuê KCHTĐS có điều kiện. Được sự cho phép của Bộ GTVT, cuối năm 2015, Tổng công ty ĐSVN và Công ty ITL (Nhà đầu tư) đã triển khai 2 dự án là Dự án xây dựng Trung tâm logistics tại bãi hàng Yên Viên Nam và Dự án cho thuê bãi hàng đường 15-16 và hệ thống kho ga Yên Viên. Đến nay, 2 dự án đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động.
Bộ trưởng thị sát hiện trạng ga Yên Viên
Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN cho biết, việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa ga Yên Viên là nhiệm vụ quan trọng, nằm trong chiến lược phát triển GTVT Đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, nhằm tổ chức, điều tiết xếp dỡ hàng hóa tại các ga; nâng cao hiệu quả khai thác ĐS, qua đó phát triển vận tải hàng hóa. Ngoài ra, ngành đường sắt đã làm việc với các đối tác, mở rộng hình thức hợp tác khác như: Làm đường nhánh vào nhà máy xi măng của Tập đoàn Công Thanh (Thanh Hóa); Kết nối với cảng cạn ICD ở Lạc Đạo để khai thác tuyến Hà Nội - Hải Phòng…
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng vận tải ĐS hiện đang rất khó khăn, tỷ trọng vận tải ngày càng thấp do sự cạnh tranh khốc liệc của các loại hình vận tải khác, vì vậy Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của của Bộ cần quan tâm để cân đối tỷ lệ vận tải, đưa Ngành ĐS phát triển đúng định hướng, giảm tải cho vận tải đường bộ, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông và TT ATGT.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu Tổng công ty ĐSVN sớm đưa ra định hướng khai thác và quy hoạch tổng thể ga Yên Viên trong tương lai (quỹ đất, hạ tầng, khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác…); quan tâm đến các đề xuất của các địa phương về nhu cầu vận chuyển bằng ĐS, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc và liên vận quốc tế; chủ động triển khai công tác tiếp thị chào mời, có các chính sách phù hợp, thu hút các nhà đầu tư, khách hàng nhằm khai thác tối đa CSHT hiện có.