Hoạt động lãnh đạo

12:38 | 03/02/2012

Các công trình, dự án tiêu biểu

* Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên – Lào Cai

Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên – Lào Cai thuộc Hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2742/QĐ-BGTVT ngày 10-9-2007. Theo đó, tuyến ĐS của dự án trải dài trên 285 km, bắt đầu từ Ga Yên Viên (Km 10+500) đến cầu Hồ Kiều (Km 296+050) là biên giới với Trung Quốc tại Lào Cai (Dự án gồm cả 10km tuyến vận chuyển quặng apatít từ Ga Phố Lu đến Ga Xuân Giao). Đây là tuyến đường đơn khổ 1m, không điện khí hóa, được xây dựng từ thập kỷ đầu của thế kỷ 20 nên chất lượng đường kém, đặc biệt là thiếu đá ballast, ray mòn và cũ, năng lực đường không đảm bảo ở các ga chính, đường tránh quá ngắn không đủ cho toàn bộ chiều dài của cả đoàn tàu; các cầu bị hư hỏng do chiến tranh, do ăn mòn bởi các điều kiện khí tượng thủy văn, độ mỏi của thép… dẫn đến phải hạn chế tốc độ… Trong khi đó, đặc điểm của tuyến là có các đường cong bán kính nhỏ, độ dốc lớn… dẫn đến công tác vận hành, đảm bảo an toàn chạy tàu trên tuyến rất khó khăn. Vì vậy, dự án được lập nhằm loại bỏ những hạn chế về năng lực bằng cách nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện khả năng vận chuyển hành khách, hàng hóa và cải thiện an toàn với mục tiêu cụ thể: đáp ứng khoảng 5 triệu hành khách/năm và khoảng 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm; tăng khối lượng hàng hóa quá cảnh trên hành lang giao thông Côn Minh – Hải Phòng; tăng mức độ an toàn chạy tàu trên tuyến; rút ngắn thời gian chạy tàu, đặc biệt là tàu khách (khoảng 70 phút).

        Dự án sử dụng vốn vay đồng tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân khố Pháp (DGT). Tổng mức đầu tư dự án gần 160 triệu USD. Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu cung cấp ray, ghi.

        Hợp đồng Gói thầu xây lắp số 2 (CP2) – gói thầu xây lắp đầu tiên, lớn nhất của Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên – Lào Cai đã được ký kết giữa ĐSVN và Liên danh nhà thầu Namkwang – Sampyo vào ngày 15-11-2011 tại Khách sạn Daewoo (Hà Nội). Phạm vi gói thầu bao gồm cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến ĐS từ km 144+750 đến km 230+000 thuộc địa phận tỉnh Yên Bái, cải tạo, nâng cấp các hạng mục chính: tuyến, ga, cầu, cống; gia cố bảo vệ mái dốc taluy; thông tin, tín hiệu, điện; kiến trúc, điện nước.

*Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGTĐS theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lộ trình thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGTĐS theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ĐSVN chia làm 3 giai đoạn với những công việc cụ thể.

Giai đoạn 1 đã hoàn thành với giá trị sản lượng đạt trên 102 tỷ đồng, trong đó tập trung cải tạo, nâng cấp 260 đường ngang, chuyển đổi 10 đường dân sinh đặc biệt nguy hiểm thành đường ngang chính thức, xây dựng hầm chui...

Đặc biệt đã hoàn thành công tác thống kê, rà soát các vị trí vi phạm hành lang ATGTĐS tại 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai và TP.HCM. Đã triển khai các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGTĐS tới hành khách đi tàu, các hộ dân sinh sống dọc hai bên đường sắt và tại các khu vực phức tạp, tập trung đông dân cư.

Trong giai đoạn II (2009 - 2010), ĐSVN triển khai 2 tiểu dự án. Khối lượng thực hiện của Tiểu dự án 1 gồm: xây dựng 42 đường ngang, 72 km hàng rào ngăn cách giữa ĐS và đường bộ, 9 hầm chui dân sinh với tổng mức đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt năm 2009 là 377,6 tỷ đồng. Hiện ĐSVN đang triển khai thi công các gói thầu xây lắp. Với Tiểu dự án 2, khối lượng công việc được lập rất lớn: xây dựng 85 đường ngang mới; xây dựng 3 cầu vượt ĐS; xây dựng 3 hầm chui; lập 94 km đường gom, rào cách ly; xây dựng 307,229 km rào bảo vệ hành lang an toàn ĐS; đền bù, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn ĐS tại 30 tỉnh, thành phố (trừ 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai và Hồ Chí Minh đã thực hiện ở giai đoạn I). Thực hiện công tác cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn ĐS, ĐSVN đã làm việc với các tỉnh, thành phố để phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn ĐS.

ĐSVN cũng đã trình Bộ GTVT phê duyệt dự án thành phần của 4 thành phố nói trên. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện ở bước 1 khoảng gần 4.000 tỷ đồng, ở bước 2 là khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Việc đền bù, giải tỏa hành lang ATGT sẽ giao về chính quyền các tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư.

Thuộc Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGTĐS theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Dự án xây dựng hệ thống đảm bảo ATGTĐS giữa ĐS và đường bộ theo Quyết định số 3313/QĐ-BGTVT ngày 31-10-2008 của Bộ GTVT, đã xây dựng được 53 km hàng rào hộ lan ngăn cách giữa ĐS và đường bộ quốc lộ trên toàn quốc trong 2 năm 2009-2010 với tổng mức đầu tư 177 tỷ đồng. Dự án đã cơ bản hoàn thành, còn 425 lối đi do dân tự mở không thể đóng kín được hàng rào nên ĐSVN đang triển khai xây dựng đường gom hàng rào cách ly để đóng hoàn toàn các lối đi này.

*Dự án Hiện đại hóa hệ thống TTTH đoạn Vinh – Sài Gòn, tuyến ĐS Thống Nhất, giai đoạn 1.

Dự án Hiện đại hóa hệ thống TTTH đoạn Vinh – Sài Gòn, tuyến ĐS Thống Nhất, giai đoạn 1 được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 4086/QĐ-BGTVT ngày 31-12-2004, sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Chính phủ Trung Quốc theo hiệp định vay cấp Chính phủ. Dự án được điều chỉnh năm 2010, theo đó tổng mức đầu tư toàn dự án là 3.059,7 tỷ VND, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sau phân kỳ là: 2.423,6 tỷ VND.

Mục tiêu của dự án là thay thế hệ thống TTTH cũ, công nghệ truyền dẫn analoge sang hệ thống thông tin kỹ thuật số, nâng cấp hệ htoongs kết cấu hạ tầng kỹ thuật ĐS, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu, bảo đảm an toàn, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao tính cạnh tranh của vận tải ĐS.

          Phạm vi công việc dự án gồm:

+Hệ thống thông tin: Đầu tư hệ thống truyền dẫn cáp quang 24 sợi G652/G655; thiết bị SDH STM4/16 – STM1, chuyển mạch số, hệ thông tin điều độ kỹ thuật số; các giao diện ứng dụng kèm theo: truyền số liệu, truyền hình hội nghị…

+ Hệ thống tín hiệu: Hệ thống tín hiệu điều khiển tập trung, liên khóa rowle, đóng đường bán tự động kết hợp thiết bị đếm trục, máy quay ghi điện động, hệ htoongs điều độ giám sát chạy tàu và giám sát đo kiểm vi tính…

+ Công trình đồng bộ: nhà trạm, nguồn điện cung cấp cho các thiết bị; trạm duy tu, bảo dưỡng, công trình phục vụ htieets bị…

+ Yếu tố môi trường: công trình nằm trong phạm vi hành lang ĐS và phạm vi các ga dọc tuyến ĐS đoạn Vinh – Sài Gòn.

* Dự án Hiện đại hóa TTTH ĐS các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội

Dự án Hiện đại hóa TTTH ĐS các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội (Dự án 3 tuyến và 1 khu đầu mối) được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3003/QĐ-BGTVT ngày 9-10-2003 và là dự án ODA sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định vay cấp Chính phủ năm 2005. Mục tiêu của dự án là thay thế hệ thống TTTH cũ sang hệ thống thông tin kỹ thuật số, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ĐS, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu, bảo đảm an toàn, nâng cao tính cạnh tranh của vận tải ĐS; qua đó nâng cao trình độ CBCNV ĐS trong việc tiếp cận công nghệ mới. Công ty CPHH Viễn thông Trung Hưng (ZTE) đã được Chính phủ Việt Nam chỉ định là Tổng thầu cho Gói thầu số 1 – gói thầu EPC. Đây là gói thầu chính của dự án bao gồm toàn bộ công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán xây dựng công trình; cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng các công trình đồng bộ và lắp đặt thiết bị cho tất cả các hạng mục của dự án; đào tạo, hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, khai thác hệ thống. Hợp đồng gói thầu này đã được ký kết năm 2005 giữa RPMU và nhà thầu ZTE với giá hợp đồng tạm tính do chưa đủ cơ sở xác định giá hợp đồng chính thức tại thời điểm ký kết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, do một số nguyên nhân khách quan dẫn đến phải điều chỉnh dự án cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và ngày 14-10-2010, Bộ GTVT đã có Quyết định số 2990/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án điều chỉnh. Theo đó, để phù hợp với hạn mức vốn vay tín dụng ưu đãi là 530 triệu Nhân dân tệ, dự án được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn: Giai đoạn I bao gồm các hạng mục cấp thiết cần thực hiện trước; Giai đoạn II bao gồm các hạng mục còn lại sẽ được triển khai sau khi xác định được nguồn vốn đầu tư và được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện. Trên cơ sở dự án điều chỉnh được Bộ GTVT phê duyệt, ĐSVN đã có các quyết định phê duyệt Thiết kế kỹ thuật và Dự toán xây dựng công trình của gói thầu số 1 – gói thầu EPC. Kết thúc quá trình thương thảo, các nội dung Phụ lục hợp đồng đã được RPMU và Tổng thầu ZTE hoàn thiện, thống nhất với giá trị hợp đồng bao gồm: 363.784.163 Nhân dân tệ (phần vốn vay) và 163.608.235.969 VNĐ (phần vốn đối ứng).