Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 43 thành công tốt đẹp
Sáng ngày 17/10/2023, tại Khách sạn Makati Shangri-La, Manila, Phillippines, Đường sắt quốc gia Phillippine (PNR) đã long trọng tổ chức Lễ Khai mạc Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 43. Tham dự Hội nghị có 72 đại biểu chính thức và 13 quan sát viên đến từ đường sắt 08 nước ASEAN gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippine, Thái Lan và Việt Nam do các Tổng Giám đốc và người được uỷ quyền dẫn đầu.
Đoàn đại biểu của Tổng công ty ĐSVN do Phó Tổng giám đốc Hoàng Năng Khang dẫn đầu đã tham dự Hội nghị. Ngoài ra, còn có đại biểu và quan sát viên từ các tập đoàn, công ty chuyên về đường sắt như Sumitomo, Megaworld & Northwin Properties, PT Len Railway System, Chu Châu Trung Xa, Thiết kế Kỹ thuật Trung Quốc (chi nhánh Phillipine), Jinyi Holdings Group, Petron, Systra… cũng tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ngài Jeremy S. Regino, Tổng Giám đốc Đường sắt Quốc gia Phillipine (PNR) nhấn mạnh “Đường sắt là thành phần quan trọng trong phát triển giao thông bền vững, đóng vai trò quyết định đến tăng trưởng và phát triển của mỗi quốc gia” và tin tưởng rằng tại Hội nghị, các nhà điều hành đường sắt của các nước ASEAN sẽ cùng nhau thảo luận về các thách thức và cơ hội mà ngành đường sắt đang gặp phải, đồng thời đưa ra được các giải pháp ứng phó giúp vận tải đường sắt phát triển bền vững, hiệu quả, dễ tiếp cận, an toàn, thân thiện với môi trường với giá cả cạnh tranh, phù hợp với chủ đề Hội nghị năm nay là “Các giải pháp bền vững cho phát triển giao thông đường sắt” và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tổng giám đốc ĐS các nước Asean
Tiếp đó, Bà Atty. Celeste D. Lauta, Phó Tổng Giám đốc PNR, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị, đã phát biểu, khẳng định Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự trở lại của PNR với cộng đồng đường sắt ASEAN sau 27 năm (PNR đăng cai tổ chức Hội nghị lần gần đây nhất vào năm 1996), đặc biệt trong bối cảnh những thách thức toàn cầu chưa từng có do đại dịch và xung đột chính trị gây ra. Trưởng Ban tổ chức Hội nghị tin tưởng rằng tập trung phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển mạng lưới giao thông công cộng, ngành đường sắt trong khối ASEAN có thể đồng thời cải thiện chất lượng không khí, sức khỏe cộng đồng, giảm phát thải khí nhà kính, khẳng định vai trò không thể thiếu được trong phát triển bền vững hướng tới mục tiêu chung phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Ngay sau Lễ khai mạc, ba Nhóm công tác gồm Nhóm Tổng Giám đốc, Nhóm công tác kỹ thuật, Nhóm công tác Vận hành & Marketing đã có phiên họp chính thức. Các Nhóm công tác đã trình bày và thảo luận trên 49 chủ đề, trong đó Tổng công ty ĐSVN tham gia 9 báo cáo về (1) kế hoạch hành động triển khai chuyển đối năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê-tan trong ngành giao thông vận tải; (2) các giải pháp thúc đầy liên vận quốc tế bằng đường sắt; (3) dự án hợp tác phát triển nâng cao năng lực an toàn đường sắt tại Việt Nam; (4) phát triển du lịch đường sắt kết nối đô thị và di sản vùng miền; (5) vai trò của công tác giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt với tổ chức chạy tàu và kinh doanh vận tải; (6) giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các lối đi tự mở qua đường sắt; (7) hợp tác đầu tư phương tiện hướng tới tăng trưởng xanh tại Việt Nam; (8) xây dựng hệ thống mạng truyển dẫn thiết bị thông tin số hóa phục vụ điều hành, chỉ huy chạy tàu vận tải trên hệ thống đường sắt quốc gia; và (9) xây dựng hệ thống thu thập thông tin và phân tích thông số vận hành của đầu máy D19E. Các báo cáo của Tổng công ty ĐSVN đã được Hội nghị đánh giá cao và nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận.
Trong thời gian tham dự Hội nghị, ngoài việc tham gia tích cực vào các hoạt động chính, đoàn đại biểu Tổng công ty ĐSVN đã đến thăm công trường xây dựng nhà ga Balagtas thuộc gói thầu thứ 2, dự án đường sắt đô thị Bắc – Nam do Bộ GTVT phối hợp với PNR thực hiện. Đây là dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 147 km kết nối Metro Manila đến sân bay quốc tế Clark ở tỉnh Pampanga và thành phố Calamba ở Laguna. Dự án này được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với tổng giá trị đầu tư khoảng 873,62 tỷ Peso. Dự án xây dựng 36 nhà ga, chia thành hai khu vực: tuyến chính phía Bắc và tuyến chính phía Nam. Tuyến chính phía Bắc sẽ kết nối từ ga Tutuban tại Manila đến ga Malolos tại Bulacan. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt này có khả năng vận chuyển tới 800.000 hành khách mỗi ngày, giảm thời gian hành trình Malolos tới Tutuban từ 2 giờ xuống còn 35 phút, góp phần giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí ở vùng đô thị thủ đô Manila.
Hội nghị đã thống nhất Hội nghị Tổng Giám đốc đường sắt ASEAN lần thứ 44 sẽ được tổ chức tại Indonesia năm 2024. Hội nghị đã được đường sắt nước chủ nhà tổ chức chu đáo, trang trọng trong bầu không khí hữu nghị, thắm tình đoàn kết và mang đậm phong cách truyền thống ASEAN. Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 43 đã bế mạc vào ngày 19/10/2023.