Hoạt động lãnh đạo

13:46 | 18/04/2012

Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGTĐS theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Chậm vì thiếu vốn

Tiến độ

Thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự hành lang ATGTĐS (Kế hoạch 1856), các đơn vị liên quan đã hoàn thành giai đoạn I với kinh phí thực hiện 102,526 tỷ đồng, hiện đang tiến hành giai đoạn II. 

Giai đoạn II gồm nhiều dự án, hạng mục công việc, trong đó Dự án xây dựng hàng rào hộ lan ngăn cách giữa ĐS và ĐB theo Quyết định số 3313/QĐ-BGTVT ngày 31-10-2008 đã được ĐSVN tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai và cơ bản hoàn thành 45km/53,12km (được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư) ngay trong năm 2009, đạt 91,79% khối lượng. Tuy nhiên, phần khối lượng còn lại đến nay đã hơn 2 năm chưa thể hoàn thành do vướng 425 lối đi dân sinh trái phép qua ĐS. Để xóa bỏ các lối đi dân sinh này, đồng thời đóng kín hàng rào để hoàn thành dự án, ĐSVN đã đề nghị và đầu tháng 3-2010 được Bộ GTVT chấp thuận cho phép bổ sung vào dự án các hạng mục công trình: xây dựng 11,770 km đường gom, rào cách ly, 11,315 m rãnh dọc, 490 m hàng rào ngăn cách giữa ĐS - ĐB, phát sinh hạng mục giải phóng mặt bằng (GPMB) và kéo dài thời gian thực hiện dự án. Công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề kinh phí. ĐSVN đã triển khai và cơ bản hoàn thành công tác thỏa thuận với địa phương về khối lượng, khái toán kinh phí GPMB. Tuy nhiên, phần khối lượng bổ sung vào dự án không được bố trí vốn, vì vậy ĐSVN không có kinh phí giao các địa phương thực hiện công tác GPMB (khoảng 16,5 tỷ đồng) dẫn đến việc thi công một số đoạn đường gom, rào cách ly bị chậm lại. ĐSVN báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ngày 2-2-2012, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 552 đồng ý cho thanh toán vốn để triển khai hoàn thành dự án. Đây thực sự là tin vui đối với ĐSVN cũng như các đơn vị thực hiện dự án. Hiện ĐSVN đang khẩn trương tiếp tục triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2012.

 


Các hạng mục của giai đoạn II chia làm 2 tiểu dự án. Tiểu dự án 1 bao gồm các hạng mục: xây dựng 42 đường ngang, 93,967 km hàng rào ngăn cách giữa ĐS và ĐB, 9 hầm chui dân sinh với tổng mức đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt năm 2009 là 377,613 tỷ đồng, đến ngày 31-12-2011 đã hoàn thành được trên 70% khối lượng; dự kiến hoàn thành khối lượng còn lại trong năm 2012. Tiểu dự án 2 bao gồm các hạng mục: xây dựng 85 đường ngang, 3 cầu vượt ĐS, 3 hầm chui qua ĐS, 94 km đường gom và hàng rào cách ly, 235 km rào hành lang an toàn GTĐS và thống kê, đền bù, giải tỏa các vị trí vi phạm hành lang an toàn ĐS với tổng mức đầu tư ước tính là 39.752 tỷ đồng. Vì dự án này có tổng mức đầu tư lớn hơn 35 nghìn tỷ đồng nên ngày 30-9-2011, Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ GTVT đã có văn bản thẩm định đề nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, như vậy dự án đã dừng lại từ tháng 9-2011. 

 

 “Đói” vốn

 

Dự án xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn giao thông ĐB - ĐS theo Quyết định 3313, phần ĐSVN làm chủ đầu tư hiện cần được bố trí đủ kinh phí trái phiếu Chính phủ còn lại (51,9 tỷ đồng) để ĐSVN thực hiện các hạng mục bổ sung hoàn thành dự án trong năm 2012. Giai đoạn II đến hết năm 2011 mới được bố trí 97,5 tỷ đồng. Trong đó, Tiểu dự án 1 mặc dù đã hoàn thành được 78% khối lượng nhưng mới được bố trí 71,454 tỷ đồng (dự toán được phê duyệt 233,201 tỷ đồng), còn thiếu khoảng 161,747 tỷ đồng. Công tác đền bù giải tỏa hành lang ATGTĐS thuộc giai đoạn II, ĐSVN đã thực hiện xong công tác thống kê, rà soát và lập khái toán kinh phí. Theo đó, nếu thực hiện đền bù giải tỏa theo Nghị định 39/CP, kinh phí là 25.000 tỷ đồng, nếu theo Luật ĐS kinh phí là 55.000 tỷ đồng. Ngày 30-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương thực hiện đền bù giải tỏa HLATĐS (bước 1) theo phạm vi Nghị định 39/CP với kinh phí 25.000 tỷ đồng; nhưng do đang thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nên chưa được bố trí vốn.

 

Ngoài ra, việc thực hiện kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn khác mà một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ là các địa phương chưa tích cực thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định 1856. Theo Quyết định, UBND các tỉnh, TP có ĐS đi qua phải lập quy hoạch tổng thể các vị trí giao cắt giữa ĐB và ĐS, hệ thống đường gom và thỏa thuận với Bộ GTVT trước tháng 12-2009; tuy nhiên đến nay hầu hết các tỉnh, TP có ĐS đi qua vẫn chưa thực hiện công tác này nên các địa phương rất chậm trong việc xem xét, thống nhất thỏa thuận xây dựng công trình ĐS. Một số địa phương chưa tích cực phối hợp triển khai thực hiện các hạng mục công trình ĐS, nhất là việc thỏa thuận thống nhất khối lượng và khái toán kinh phí công tác đền bù giải tỏa HLATĐS và phê duyệt phương án cắm mốc giới hạn HLATGTĐS…

 

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch 1856, ĐSVN tích cực thực hiện nhiều giải pháp: động viên các nhà thầu có năng lực tài chính ứng vốn tập trung hoàn thành các công trình; tích cực làm việc với các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ. Không thể đợi vốn; ĐSVN đã chia tách các dự án, lập dự toán đầu tư các hạng mục công trình, phần việc cấp bách để chia nhỏ kinh phí đầu tư, từ đó có thể được các cấp chấp thuận đầu tư, bố trí vốn trước, nhanh, kịp thời. Những giải pháp tích cực của ĐSVN tuy chưa thể giải quyết dứt điểm tình hình “đói” vốn nhưng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, bộ ngành liên quan, Kế hoạch 1856 vẫn được duy trì thực hiện, từng bước từng bước vì mục tiêu an toàn giao thông – hạnh phúc của mọi người, mọi nhà.