Hoạt động lãnh đạo

12:25 | 18/05/2021

Ngành ĐS trước thách thức của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại nước ta đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khiến ngành đường sắt Việt Nam vốn đã chịu những thiệt hại hết sức nặng nề nay càng thêm khó khăn. 

Sau 3 đợt bùng phát trước, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với tất các chuyên ngành vận tải hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, sản lượng vận tải ngành đường sắt trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (kéo dài 4 ngày) đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi hành khách đi tàu tăng trở lại.

Tuy nhiên, ngày 27/4, Việt Nam phát hiện một bệnh nhân mắc COVID-19, mở đầu cho đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với những diễn biến hết sức phức tạp. Mọi kế hoạch vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp cao điểm du lịch hè 2021 đều phải thay đổi, thậm chí là hủy bỏ.

Ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, vận tải đường sắt là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch bệnh COVID-19.

Trong năm 2020, dịch bệnh bùng phát vào đúng đợt cao điểm vận tải hè, vận tải Tết và đến bây giờ dịch bệnh vẫn đang diễn phức tạp khiến doanh thu của ngành đường sắt sụt giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của cán bộ, công nhân viên, người lao động.

“Để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh gây ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chuyển hướng đầu tư cho việc kinh doanh tàu hàng và giảm các đoàn tàu khách, các đoàn tàu chạy suốt từ Hà Nội đến Sài Gòn, tăng cường các tàu khách khu đoạn, tàu liên vận chở hàng qua Trung Quốc, Nga, các nước châu Âu và đặc biệt là áp dụng cơ chế chạy tàu linh hoạt.

Tùy theo nhu cầu của hành khách đi lại, nhu cầu hàng hóa, nhu cầu thị trường để đưa ra kế hoạch chạy tàu theo từng ngày (trước đây là theo tháng, theo quý và theo các đợt cao điểm)…”, Tổng Giám đốc VNR cho biết thêm.

Bên cạnh đó ngành đường sắt cũng đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, các đoàn tàu thường xuyên được phun sát khuẩn, các toa hành khách riêng biệt nên tàu hỏa được xem là phương tiện di chuyển an toàn. Qua các đợt bùng phát dịch, Tổng công ty đã cơ bản đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên và hành khách đi tàu, chuyên chở các chuyên gia nước ngoài, các chuyến tàu phục vụ an ninh quốc phòng,...

Tuy nhiên với đặc thù rất dễ bị tổn thương do dịch bệnh COVID-19 và hiện đơn vị có gần 26 nghìn cán bộ, công nhân viên, người lao động; vận tải đường sắt đi qua 34 tỉnh thành, thường xuyên tiếp xúc với nhiều hành khách. Vì vậy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho nhân viên ngành đường sắt để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Năm 2021 dự báo dịch bệnh COVID-19 còn có những diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, Bộ GTVT đã quyết liệt triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cũng như phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân; vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Thông tin từ ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở kiến nghị của các cơ quan, đơn vị trong ngành và theo chức năng nhiệm vụ, Bộ GTVT đã tổng hợp các giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ngành Đường sắt, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định:

Cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ về thực hiện niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 3 năm so với thời gian thực hiện quy định tại Điều 19 của Nghị định.

Bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư nhà nước để các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt thuộc danh mục được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Sớm phê duyệt 2 Đề án “Quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư” để triển khai Nghị định số 46/2018/NĐ-CP và Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để làm cơ sở cho Tổng công ty triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Theo Công Luận