Hoạt động lãnh đạo

23:59 | 31/12/2015

Nhìn lại một năm đổi mới Đường sắt

2015 được coi là năm đổi mới triệt để của ngành Đường sắt khi Tổng công ty ĐSVN thực hiện đồng thời CPH và thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp. 

“Năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với ngành ĐS trước sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện vận tải đường bộ và hàng không giá rẻ; nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ĐS hạn hẹp... Mặc dù vậy, Tổng công ty ĐSVN (VNR) vẫn quyết tâm thực hiện mọi biện pháp để nâng cao quản trị doanh nghiệp, ổn định và phát triển các doanh nghiệp sau CPH, đồng thời đảm bảo hiệu quả vận tải ĐS”, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty VNR cho biết.

Cổ phần hóa 24 doanh nghiệp

“Đến cuối tháng 12/2015, hầu hết các doanh nghiệp tiến hành CPH theo kế hoạch năm 2015 đã IPO thành công. Đây là thành công nổi bật của Tổng công ty Đường sắt VN khi mà công tác CPH một năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Phương án CPH các công ty cũng chỉ trình và được Bộ GTVT phê duyệt cách đó hơn một tháng”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV VNR chia sẻ.

Để chuẩn bị cho phương án CPH, đặc biệt là các công ty vận tải nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài Nhà nước, tăng chất lượng dịch vụ đường sắt, đầu quý II/2014, VNR khẩn trương sắp xếp lại các đơn vị vận tải, sức kéo với việc sáp nhập Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt và Liên hiệp Sức kéo đường sắt vào hai công ty vận tải hành khách Hà Nội, Sài Gòn. Đến cuối năm 2014, VNR lại rốt ráo tách chức năng khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt tại các nhà ga khỏi chức năng kinh doanh vận tải của các công ty vận tải để từ 1/1/2015, hai công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn chính thức hoạt động theo mô hình công ty THNN MTV, chuẩn bị cho công tác CPH tiếp theo theo quy định pháp luật.

2015 được coi là năm đổi mới triệt để của ngành Đường sắt

 

Hàng loạt vấn đề đã nảy sinh trong công tác định giá tài sản, xây dựng phương án CPH, giải quyết chế độ chính sách cho hơn 2.000 lao động dôi dư,… phải điều chỉnh và xin ý kiến Chính phủ, các Bộ, ngành như: CPH có bao gồm sức kéo hay không vì đây là khối tài sản lớn, nhiều dự án đầu tư sức kéo hình thành từ vốn ODA sẽ gặp vướng mắc khi chuyển đổi chủ thể tài sản; Xác định nhóm tài sản, giá trị đất đai do ĐS quản lý như thế nào để sau CPH không ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển ĐS…

Ông Thành cho rằng, những khó khăn vướng mắc đó đã được Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ngành có liên quan quan tâm, giải quyết  kịp thời nên công tác CPH của Đường sắt mới đạt được tiến độ như vậy. Tuy nhiên, trước đó VNR phải chuẩn bị các “kịch bản” khác nhau để chủ động tiến hành ngay khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch Trần Ngọc Thành phát biểu tại Đại hội Cổ đông lần thứ nhất Công ty CP Đường sắt Hà Lạng

“Ngay khi Bộ GTVT chấp thuận cho VNR được giữ lại các tài sản là đầu máy và toàn bộ nhà xưởng, Tổng công ty chuyển giao 5 xí nghiệp đầu máy từ hai công ty vận tải về và thành lập 5 chi nhánh sức kéo trực thuộc Tổng công ty, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2015. Hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn nhanh chóng hoàn thành phương án CPH để trình các cấp thẩm định, phê duyệt”, ông Thành nêu ví dụ. 

Với công tác thoái vốn cũng vậy. Theo Quyết định 198 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch VNR sẽ thoái vốn Nhà nước tại 13 công ty CP. Tuy nhiên, coi đây là cơ hội tái cơ cấu một cách toàn diện, quyết liệt để sau này ổn định, tập trung phát triển lĩnh vực vận tải sắt, VNR quyết định tiến hành thực hiện thoái hết phần vốn góp của Tổng công ty tại 27 công ty cổ phần. Đến thời điểm 30/11/2015, VNR đã thoái hết toàn bộ phần vốn tại 7/27 công ty; đã thực hiện thoái vốn theo kế hoạch nhưng chưa bán hết vốn tại 4/27 công ty. Tổng số tiền thu về sau khi thực hiện thoái vốn của các công ty đã thực hiện đạt trên 192 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với mệnh giá.

Theo kế hoạch và phương án thoái vốn của VNR đã trình Bộ GTVT, dự kiến trong quý I/2016 sẽ hoàn thành việc thoái vốn tại 19 công ty cổ phần còn lại.

Chất lượng dịch vụ cải thiện rõ rệt

Mặc dù là ngành dịch vụ nhưng trước kia, ngành Đường sắt được biết như là một thành cổ vững chắc của sự trì trệ, lạc hậu và tiêu biểu cho cơ chế “xin – cho”. Đến năm 2015, người dân chứng kiến sự mở cửa thông thoáng của VNR với việc tích cực triển khai các dự án xã hội hóa nhằm thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, cơ sở hạ tầng đường sắt. Trước đây, cũng đã có hợp tác khai thác vận tải nhưng mang tính nhỏ lẻ như: nhà đầu tư đóng mới hoặc cải tạo toa xe để khai thác vận tải trên đường sắt VN với giá ưu đãi; các công ty dịch vụ vận tải đầu tư cải tạo kho bãi để hưởng ưu đãi trong khai thác, kinh doanh cơ sở hạ tầng...

Lễ Ký kết hợp đồng thực hiện Dự án xã hội hóa Trung tâm Logistics ĐS - Ga Yên Viên

Phải đến năm 2015, nhiều dự án xã hội hóa mới được xây dựng quy mô hơn, lâu dài hơn. Trong đó, đánh dấu bước thành công trong xã hội hóa đầu tư đường sắt chính là VNR đã ký hợp đồng và khởi công công trình bãi hàng Ga Yên Viên - công trình VNR thí điểm cho Công ty CP giao nhận và vận chuyển Indo Trần (ITL) thuê có điều kiện kết cấu hạ tầng đường sắt để nhà đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics đường sắt. VNR cũng đã mời tham gia thuê có điều kiện bãi hàng Ga Đồng Đăng và đang thực hiện các thủ tục để mời các nhà đầu tư tham gia 17 hạng mục công trình khác như: bãi hàng Ga Yên Viên (đường 15, 16), bãi hàng ga Đông Anh, Sóng Thần...

Đợt bán vé tàu tết Bính Thân năm 2016 diễn ra suôn sẻ

Cũng trong năm 2015, công tác nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tiếp tục được đẩy mạnh. VNR đầu tư các công trình phục vụ khách hàng như sửa chữa, cải tạo và đầu tư xây dựng mới hệ thống mái che, ke ga; hoàn thành dự án lắp đặt thiết bị vệ sinh tự hoại lên các toa xe khách; cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác các toa xe khách hiện đại, chạy tàu nhanh, chất lượng cao trên các tuyến, điển hình là tàu SE3/4 đã được giới truyền thông gắn danh “đoàn tàu 5 sao”... Bên cạnh đó, VNR cũng tập trung đầu tư giải quyết các nút thắt về hạ tầng như cải tạo, nâng cao tải trọng cầu yếu tuyến phía Tây... để tăng năng lực vận tải; mặt khác chủ động tìm đến khách hàng, điều chỉnh giá cước hàng hóa linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của thị trường vận tải, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá vé tàu...

Đặc biệt, chưa đầy một năm sau khi đưa Hệ thống vé tàu điện tử vào hoạt động với việc bán vé tàu qua mạng internet – đánh dấu bước đột phá nâng cao chất lượng phục vụ trong năm 2014, đến tháng 9/2015, VNR chính thức triển khai bán vé tàu điện tử. Cùng đó, VNR tiếp tục hợp tác với VNPost, VIB mở rộng các điểm mua vé đến tận các bưu cục xã, các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng nâng tổng số hơn 9.000 điểm bán vé, thu tiền hộ. Ngoài ra, tăng các hình thức thanh toán điện tử như qua smartlink, bằng thẻ visa, ATM... Với hình thức bán vé này, hành khách không cần ra ga vẫn có thể mua vé, in “Thẻ lên tàu hỏa” ở bất cứ đâu. Vé tàu điện tử đã tạo điều kiện thuận tối đa cho hành khách, đồng thời giảm áp lực hành khách đổ về ga, hạn chế đến mức thấp nhất nạn “cò” vé. Đợt bán vé tàu tết Bính Thân năm 2016 diễn ra suôn sẻ, gần hết phương án vé đã được bán mà hành khách không phải vất vả ra ga.

Theo GTVT