Hoạt động lãnh đạo

09:32 | 07/02/2013

Nhịp cầu nối những bờ vui

Một ngày đầu năm 2013, tôi theo chân đoàn công tác của Đường sắt Việt Nam đi thị sát kiểm tra tiến độ thi công cầu đường bộ Thị Cầu – một trong ba cây cầu đường bộ nằm trong dự án Xây dựng mới 3 cầu theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ.

Ngắm nhìn những trụ cầu đang sừng sững đứng chân trên dòng sông Cầu thơ mộng, ít ai biết rằng, nếu không có những cây cầu mới mọc lên, khu vực này sẽ còn là một trong những điểm nóng về an toàn giao thông.

 

Cầu Thị Cầu vốn được xây dựng từ năm 1901. Sau khi bị đánh sập trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cầu đã được khôi phục và tu sửa nhiều lần. Cầu gồm 1 làn giữa dành chung cho tàu hỏa và ô tô, hai làn dành do xe máy và các phương tiện thô sơ. Đây là một trong hai cây cầu lớn bắc qua sông Cầu, nối hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nên số lượng phương tiện lưu thông mỗi ngày qua cầu là rất lớn. Tại đây mỗi ngày đêm có khoảng 12 đến 15 chuyến tàu (cả tàu chở khách lẫn chở hàng) và 1.200-1400 lượt xe cơ giới đi qua. Vì lưu lượng xe qua lại rất lớn, lòng đường cầu hẹp nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là những lúc tàu đi qua cầu. Nhiều chủ phương tiện ý thức rất kém nên thường xuyên vi phạm, nhiều khi lái xe còn văng tục, xô xát cả với nhân viên gác chắn 2 đầu cầu. Vào những ngày cao điểm, lực lượng CSGT cũng phải túc trực ngay tại hai bên đường dẫn vào cầu nhưng hiệu quả chưa cao.

 

ThiCongT12013

Khẩn trương thi công cầu Thị Cầu.


Nhân viên gác chắn đầu cầu phía Bắc Ninh cho biết, thường xuyên xảy ra tình trạng đèn, biển báo và gác chắn báo hiệu tàu sắp tới, nhưng xe máy vẫn cố vượt lên cầu. Đã từng xảy ra vụ ách tắc kéo dài cả 2 km vì không ai chịu nhường đường khi qua cầu. Tình trạng tương tự đã từng xảy ra cả với 9 cây cầu chung đường bộ - đường sắt trên địa bàn cả nước, nhưng ĐSVN tưởng như phải bó tay vì... thiếu vốn đầu tư.

 

Sau vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Ghềnh (cây cầu bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng đã hơn 100 năm, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt) do đoàn tàu khách SE2 đâm phải 6 ôtô làm 2 người chết, 15 người bị thương, Đường sắt Việt Nam đã khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải xin phép lập dự án đầu tư xây dựng 9 cầu mới để xóa bỏ tình trạng đi chung giữa đường sắt và đường bộ. 

 

Ngày 6-9-2011, tại văn bản số 1550/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thực hiện đầu tư xây dựng theo lệnh khẩn cấp đối với 3 cây cầu chung là cầu Thị Cầu, cầu Đồng Nai và cầu Tam Bạc với tổng mức đầu tư  hơn 1 ngàn 496 tỷ đồng. Trong đó cầu Tam Bạc và cầu Thị Cầu có tổng mức đầu tư  hơn 917 tỷ 547 triệu đồng, cầu Đồng Nai có tổng mức đầu tư hơn 578 tỷ đồng 644 triệu đồng. 

 

Ngày 26-12, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức khởi công, động thổ xây dựng mới 3 cầu: Tam Bạc, Đồng Nai, Thị Cầu theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo thiết kế, cầu đường bộ Tam Bạc được xây dựng mới cách cầu cũ 16 m với chiều dài 197,7m, rộng 12m, có đường 2 đầu cầu dài 328m, rộng 12m, vận tốc thiết kế  50km/h. Cầu đường bộ Thị Cầu xây dựng mới dài 572,1m, rộng 16m, đường 2 đầu cầu có chiều dài tổng cộng là 669m, rộng 1m, vận tốc thiết kế  60km/h. Cầu đường bộ Đồng Nai xây dựng mới dài 493,1m, rộng 18m, đường 2 đầu cầu phần có tường chắn có chiều dài tổng cộng là 173m, rộng 18m.

 

Mới hơn 1 năm kể từ ngày chính thức khởi công, dáng hình những cây cầu mới đang dần dần hiện hữu, như những khuông nhạc nối những bờ vui. Tại công trường xây dựng cầu Thị Cầu, hơn 200 CBCNV của 2 nhà thầu chính: Công ty CP Tổng công ty Công trình ĐS và Công ty QLĐS Thanh Hóa đang khẩn trương dốc hết sức mình để công trình kịp khánh thành đúng dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2013) và Quốc tế Lao động 1-5. Quyền Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc ĐSVN sau khi thị sát công trình, yêu cầu anh em báo cáo tiến độ thi công, giải quyết những “nút thắt” đang gây trở ngại cho tiến độ đã khẳng định dứt khoát: Công trình phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và an toàn.

 

CauDBDongNai-2013

 Trên công trường thi công cầu đường bộ Đồng Nai.


Trên công trình xây dựng mới các cầu đường bộ Tam Bạc (Hải Phòng), Đồng Nai (Biên Hòa), không khí thi công cũng vô cùng khẩn trương. Với hầu hết các công trình, khó khăn lớn nhất trên công trường vẫn là công tác giải phóng mặt bằng do  còn một số hộ dân chưa chấp nhận đền bù, do công tác cấp đất của địa phương những năm trước có sự chồng chéo sai lệch quá lớn. Để bù vào khoảng thời gian bị chậm trễ do giải phóng mặt bằng, các đơn vị thi công đã và đang tập trung tối đa nhân lực, thiết bị để thực hiện các hạng mục công trình. Công ty CP Tổng công ty công trình ĐS thậm chí còn bố trí cho anh em ăn tết “dã chiến” trên công trường vào 2 ngày tết, mùng 1 và mùng 2 để mùng 3 bắt tay ngay vào thi công. Dù mặt bằng chật hẹp, khó khăn về GPMB, về địa chất phức tạp, nhưng có lẽ đây là một công trường được tổ chức thi công khoa học và khá bài bản nên an toàn mọi mặt được giữ vững. Lán trại công trường cũng được bố trí khang trang, công nhân được bố trí nơi ăn ngủ đầy đủ điện nước sạch tới tận chân công trường. Để động viên tinh thần người lao động, các cấp lãnh đạo ngành ĐS và các đơn vị đã đến thăm, tặng quà công nhân lao động trên công trường.

 

Ông Đoàn Kim Khen - Giám đốc Ban quản lý dự án ĐS khu vực 1, đơn vị quản lý dự án cho biết: Ngoài những cây cầu đường bộ được xây dựng mới, những cây cầu chung cũ đều được “thay da đổi thịt” bằng cách bóc dỡ mặt cầu đi chung, làm lại mặt cầu cho riêng đường sắt. Cầu được gia cố và sơn lại, cải tạo đường sắt và tổ chức lại giao thông 2 đầu cầu, xây dựng hầm chui  hoặc làm đường gom tại một số vị trí để đóng hoàn toàn đường bộ không cho phương tiện cơ giới đi vào cầu chung, trừ người đi bộ đi riêng biệt 2 bên cánh gà, xây dựng hệ thống hàng rào ngăn cách đường sắt và đường bộ trong phạm vi đường đầu cầu. 

 

Chẳng còn bao lâu nữa, trên những dòng sông Cầu, sông Tam Bạc, sông Đồng Nai sắp xuất hiện những cây cầu đường bộ mới mẻ hiện đại, chắc chắn, đẹp đẽ bên cạnh những cây cầu dành riêng cho đường sắt. Tầm quan trọng lớn lao của những cây cầu bây giờ không còn dừng lại ở việc đảm bảo an toàn cho những đoàn tàu hỏa, người và các phương tiện giao thông qua sông mà nó còn có ý nghĩa dân sinh rất lớn là góp phần làm thay đổi diện mạo của các thành phố Bắc Ninh, Hải Phòng, Biên Hòa, đem lại niềm vui cho cư dân dọc 2 bờ sông.

 

Những cây cầu ấy, chính là những minh chứng cụ thể và sống động cho trái tim, khối óc của người thợ đường sắt đã và đang cống hiến hết sức mình, góp phần làm đẹp cho Tổ quốc hôm nay.