Tháo nút thắt cổ phần hóa đường sắt
Ngày 17/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về công tác tái cơ cấu, thoái vốn và CPH các doanh nghiệp. Tại cuộc họp, nhiều vướng mắc đã được Bộ trưởng tháo gỡ, cho ý kiến thực hiện.
Theo kế hoạch năm 2015, Bộ GTVT sẽ hoàn thành CPH 28 doanh nghiệp, trong đó có nhiều Tổng công ty lớn như: Đường sắt, Cảng hàng không, Hàng hải… Đây được coi là chặng "nước rút" để các doanh nghiệp này cán đích, CPH đúng tiến độ.
Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, theo kế hoạch năm nay, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ tiến hành CPH 24 đơn vị. Đến nay đã có 21 đơn vị được phê duyệt giá trị doanh nghiệp.
Khó khăn nhất hiện nay đối với đường sắt trong việc thực hiện CPH là còn vướng các quy định trong việc chuyển đổi chủ thể tài sản là các đầu kéo được hình thành từ nguồn vốn vay ODA của Đức, Pháp, Áo sang cho các đơn vị thành viên để định giá tài sản khi CPH đối với hai công ty vận tải đường sắt và Công ty Xe lửa Gia Lâm. Lý do là trước đó Tổng công ty đứng tên hợp đồng vay để mua sắm trang thiết bị (đầu máy) và giao cho các đơn vị thành viên quản lý, sử dụng.
Để CPH các đơn vị thành viên phải xác định được giá trị doanh nghiệp, trong khi Tổng công ty lại đang là chủ thể hợp đồng. Vướng mắc nằm ở chỗ việc chuyển giao chủ thể phần vốn vay cho các đơn vị thành viên (doanh nghiệp chuyển sang cổ phần) này chưa được kiểm toán đồng ý nên vẫn phải chờ ý kiến Bộ Tài chính và Chính phủ. Đây là nút thắt quyết định sự thành công của CPH đường sắt.
“Theo quy định, nếu đến thời hạn 30/9/2015 mà không ra được báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp thì phải làm lại từ đầu. Nếu như vậy sẽ phải chuyển kế hoạch sang năm 2016 vì nếu kiểm toán không ra được báo cáo kiểm toán, không thể xác định được giá trị doanh nghiệp”, Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành cho biết.
Cho biết ý kiến về vấn đề này, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính cho rằng, hiện toàn bộ tài sản đầu máy hình thành từ vốn vay, chủ vay; Tổng công ty và các đơn vị thành viên chỉ giữ hộ. Nay nếu tách ra, chuyển về các công ty cổ phần thì phải nghiên cứu nội dung ràng buộc của hợp đồng vay và quan trọng là bên cho vay có đồng ý hay không. Đây có thể là một điểm vướng khi tiến hành CPH. Vì thế, ông Quốc đề nghị vẫn giữ các đầu kéo là tài sản của Tổng công ty chứ không phải của đơn vị thành viên.
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, để đẩy nhanh tiến độ CPH, Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận, đồng ý tách tài sản hiện nay để lại Tổng công ty vì lý do không chuyển được tài sản gắn với chủ sở hữu. Tiếp sau đó, các công ty cổ phần có thể nghiên cứu ký hợp đồng thuê hay mua lại nếu bên cho vay đồng ý.
Theo GTVT