Tổng công ty ĐSVN họp bàn các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông ĐS
Ngày 7/2, Tổng giám đốc Vũ Tá Tùng đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp bàn về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang không có người gác và lối đi dân sinh.
Hiện nay trên mạng lưới đường sắt có gần 5.800 đường ngang, trong đó có 1500 đường ngang hợp pháp (có cần chắn, cảnh báo tự động, người gác, biển báo) và 4300 đường ngang là lối đi dân sinh (chiếm tỷ lệ 74%). Trung bình trên 1km đường sắt có 1,85 đường ngang giao cắt.
Qua theo dõi, phân tích các vụ tai nạn giao thông ĐS trong những năm gần đây cho thấy, trên 80% số vụ tai nạn trên xảy ra trên các đường ngang không có người gác và lối đi dân sinh. Với thực trạng trên, Tổng công ty ĐSVN đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để kéo giảm và hạn chế sự cố, tai nạn GTĐS như: xây hầm chui, cầu vượt, hàng rào, đường gom, thu hẹp, xóa bỏ đường ngang, lắp đặt cần chắn, dàn chắn bán tự động, tổ chức cảnh giới ở các vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn…
Công nhân lắp đặt hệ thống cần chắn tự động đảm bảo an toàn giao thông ở các đường ngang
Năm 2016, Tổng công ty ĐSVN đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo ATGT ĐS nên tình hình TTATGT ĐS đã giảm ở cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương). Tuy nhiên, từ thời điểm sau Tết Nguyên đán 2017, tình hình tai nạn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí, nhiều vụ nghiêm trọng đã xảy ra, làm thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân các vụ tai nạn được xác định là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông qua đường ngang chưa nghiêm túc thực hiện các quy định, phớt lờ cảnh báo, cảnh giới, thậm chí biết tàu đang đi đến nhưng vẫn cố tình vượt qua mà không lường hết hậu quả.
Tổng giám đốc Vũ Tá Tùng cho rằng đối với doanh nghiệp làm vận tải thì an toàn chính là giá trị cốt lõi. Vì vậy, Tổng giám đốc yêu cầu các ban chuyên môn xác định nguyên nhân, khẩn trương đưa ra các giải pháp để ngăn chặn và kéo giảm tai nạn giao thông ĐS.
Quang cảnh buổi làm việc
Về giải pháp cấp bách, Tổng giám đốc giao Ban ATGTĐS và Ban Quản lý CSHT phối hợp rà soát các điểm giao cắt là điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn để có kế hoạch cảnh giới, đề xuất xây gờ giảm tốc; kiểm tra hoạt động của các đường ngang đã lắp cần chắn, dàn chắn tự động để điều chỉnh nhân lực gác chắn sang làm công tác cảnh giới; nhanh chóng triển khai lắp đặt thiết bị cảnh báo, dàn chắn, cần chắn tự động cho các đường ngang đã được phê duyệt trong năm 2016. Tiến hành thu hẹp toàn bộ các lối đi dân sinh dưới 3m, chỉ để xe máy đi qua, đồng thời cắm các biển báo hiệu, biện hạn chế phương tiện cơ giới… Trong quý I, tiếp tục xây dựng kế hoạch làm việc với Ban ATGT, Sở GTVT các địa phương có tai nạn giao thông ĐS tăng cao, phân chia nhiệm vụ và trách nhiệm của các bên, tăng cường công tác cảnh giới tại các đường ngang rộng trên 3m, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại các ĐN có mật độ giao thông cao.
Về lâu dài, giao Ban Quản lý CSHT và Ban CBĐT xây dựng phương án nâng cấp, cải tạo sửa chữa ĐN theo lộ trình giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, ưu tiên các đường ngang nằm trong khu đông dân cư, có mật độ người và phương tiện qua lại lớn, các đường ngang khuất tầm nhìn hoặc trong khu đoạn ĐS cong, các đường ngang có mật độc chạy tàu lớn, tốc độ chạy tàu cao, các vị trí đã xảy ra tai nạn hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí TW và địa phương, tuyên truyền về ATGTĐS; mở các video clip, phát thanh tại các nhà ga, trên các đoàn tàu, tổ chức các đợt tuyên truyền cao điểm tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, tại các nơi diễn ra lễ hội, du lịch... để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.