
VNR đối thoại “Đảng với công nhân - Công nhân với Đảng” thẳng thắn, cởi mở, cầu thị
Ngày 19/5, tại Hội trường công ty CP xe lửa Gia Lâm, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức Hội nghị đối thoại “Đảng với công nhân - Công nhân với Đảng” giữa lãnh đạo Tổng công ty với công nhân lái tàu, sửa chữa đầu máy; công nhân khám, sửa chữa, cứu viện toa xe. Hội nghị thu hút 188 công nhân, người lao động đại diện cho các đơn vị và công ty thành viên của VNR trên cả nước tham gia. Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch HĐTV VNR, đồng chí Đặng Sỹ Mạnh, chủ trì cuộc đối thoại.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đặng Sỹ Mạnh gợi nhắc lại những giai đoạn khó khăn chưa từng có của ĐSVN, thậm chí là đứng trước nguy cơ đóng cửa do thiếu hụt dòng tiền trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, bằng quyết tâm và sự nỗ lực kiên cường, ĐSVN đã vượt qua khó khăn, thể hiện được vai trò và sức sống bền bỉ, xứng đáng với lịch sử 144 năm của ngành. ĐSVN đang hướng đến thời kỳ mới với nhiều dấu mốc quan trọng. Quốc hội vừa thông qua nhiều dự án lớn mang tính lịch sử như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 67 tỉ USD; dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trị giá hơn 8,3 tỉ USD. Đồng chí Đặng Sỹ Mạnh nhắc nhở về những nhiệm vụ và thách thức lớn lao phía trước, đồng thời đề nghị cán bộ công nhân viên toàn ngành cần triển khai các hoạt động cấp bách, tái cơ cấu toàn diện để đưa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trở thành Tập đoàn để tiếp nhận vận hành đường sắt tốc độ cao; tổ hợp vận hành đảm nhiệm chức năng khai thác, vận hành, bảo trì, sửa chữa cho cả đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng để tiếp nhận chuyển giao công nghệ đường sắt tiên tiến.
Tại phiên đối thoại, các đại biểu đại diện cho công nhân lái tàu, sửa chữa đầu máy; công nhân khám, sửa chữa, cứu viện toa xe đã chia sẻ, bày tỏ những tâm tư, thắc mắc, và được Chủ tịch ngành đường sắt trả lời, giải đáp trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở. Theo đó, các ý kiến tập trung vào 02 nhóm nội dung chính gồm: Nâng cấp cơ sở vật chất tại các Chi nhánh ĐMTX, KCHT phục vụ tác nghiệp tại các đơn vị, và tiền lương, cơ chế chính sách đối với Người lao động theo quy định hiện nay của TCT và pháp luật.
Trong phần phát biểu của đại diện lãnh đạo TCT, Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ, đồng chí Nguyễn Tất Thương cho biết trong những năm vừa qua, thu nhập bình quân của người lao động trong toàn TCT tăng dần đều qua các năm, các chế độ chính sách cũng ngày một tốt hơn theo hướng khuyến khích người lao động yêu nghề, yên tâm công tác và nỗ lực cống hiến. Riêng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động ĐSVN là 12,9 triệu VND/người/tháng, so với thu nhập bình quân của người lao động trên cả nước là 7,7 triệu VND/người/tháng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, trong cơ cấu thu nhập của người lao động vẫn có tới 97% đến từ lương điều hành (tức phần lương nhận từ nguồn kinh phí Nhà nước), và chỉ 3% thu nhập đến từ lương dịch vụ (là phần lương nhận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng của đơn vị). Ông khuyến khích lãnh đạo và người lao động các đơn vị của tổng công ty cần đổi mới tư duy và hành động để thay đổi cơ cấu lương này, từ đó có nguồn thu nhập tăng bền vững.
Chia sẻ với người lao động, Chủ tịch Công đoàn ĐSVN, đồng chí Mai Thành Phương cho biết trong bối cảnh VNR vẫn còn nhiều khó khăn, và phải làm nhiều việc cùng lúc, phần lớn ý kiến của người lao động lại đều liên quan đến đầu tư máy móc, trang thiết bị làm việc mới, nâng lương, tăng thưởng, cải thiện chế độ phúc lợi, vì vậy lãnh đạo TCT phải xem xét thực hiện từng phần việc theo từng giai đoạn, theo thứ tự ưu tiên và mức độ cấp thiết. Ông kêu gọi người lao động chia sẻ và kiên nhẫn nhìn theo tầm nhìn dài hạn, để thấy được những nỗ lực của Ban lãnh đạo Tổng công ty nhằm cải thiện cuộc sống và điều kiện làm việc cho người lao động trong suốt những năm vừa qua.
Kết luận phiên đối thoại, đồng chí Đặng Sỹ Mạnh đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở, cầu thị, đóng góp vì cái chung của các đại biểu tham gia, đồng thời giao các phòng, ban, đơn vị liên quan, trong vòng 10 ngày, trả lời bằng văn bản cho các ý kiến còn chưa được trả lời, giải đáp tại Hội nghị.