Hoạt động lãnh đạo

16:30 | 08/06/2017

VNR tham dự triển lãm quốc tế “Công nghệ đường sắt” lần thứ 27 tại Đức

Từ ngày 27/5 đến 04/6/2017, Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh dẫn đầu đoàn công tác của Tổng công ty ĐSVN tham dự Triển lãm quốc tế về công nghệ đường sắt (IAF) lần thứ 27 tại CHLB Đức và làm việc với Công ty Plasser & Theurer tại Linz, Áo.

IAF là triển lãm quốc tế lớn nhất thế giới chuyên về công nghệ đường sắt được tổ chức 02 năm một lần tại Münster, CHLB Đức. Năm nay, hơn 200 tập đoàn và công ty hàng đầu thế giới về xây dựng, bảo dưỡng đường sắt từ 18 quốc gia đã tham dự sự kiện IAF lần thứ 27 để giới thiệu và trưng bày những sản phẩm, công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất trong lĩnh vực thi công và bảo dưỡng đường sắt tại 03 khu triển lãm trong nhà với diện tích hơn 15000m2 và 01 khu triển lãm ngoài trời với diện tích hơn 6000m2. Bên cạnh  triển lãm, IAF còn tổ chức các hội thảo, nơi lãnh đạo của nhiều đường sắt quốc gia và các tập đoàn công nghiệp đường sắt gặp gỡ, trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm và tìm khả năng hợp tác. Năm nay có khoảng 25.000 đại biểu từ các nước đã tham dự sự kiện quan trọng này.

  

Đoàn công tác của Tổng công ty ĐSVN tham dự triển lãm quốc tế “Công nghệ đường sắt” lần thứ 27 tại CHLB Đức

Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh và đoàn công tác đã tới thăm gian triển lãm và làm việc với các tập đoàn/công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp giải pháp, máy móc, thiết bị xây dựng, bảo dưỡng, khôi phục đường sắt như công ty Plasser & Theurer (Áo), Robel (Áo), Strail (Đức), Kirow (Đức), Linsinger (Áo), Matisa (Thụy Sĩ), Nencki (Thụy Sĩ), Railtech (Đức), Geismar (Pháp), SAZ (Czech)… Tại đây, đoàn đã được đại diện các tập đoàn/công ty giới thiệu về năng lực, sản phẩm của mình và bày tỏ mong muốn được hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong các dự án, kế hoạch phát triển trong tương lai, đặc biệt là các trang bị thiết bị cơ giới hóa công việc bảo dưỡng, thi công đường sắt.

Tại khu triển lãm ngoài trời, đoàn công tác đã tới thăm và nghe giới thiệu về tính năng, công nghệ mới nhất được áp dụng trên 18 chủng loại máy kiểm tra, bảo dưỡng, thi công đường sắt hiện đại nhất của công ty Plasser & Theurer như xe đo kiểm tra các thông số hình học của đường, máy sàng đá phá cốt, máy nâng, giật, chèn đường, máy ổn định nền đường, máy điều hòa balat…,  các máy móc thiết bị cầm tay của công ty Robel như máy cắt ray, máy xiết bu lông, máy chèn đá, máy mài ray… và các loại phương tiện thi công chạy được trên cả đường sắt và đường bộ của công ty SAZ (Czech)...

Sau khi tham dự triển lãm IAF, Chủ tịch Vũ Anh Minh đã tới thăm nhà máy của Công ty Plasser & Theurer tại Linz, Áo. Plasser & Theurer thành lập tại Áo năm 1953, là công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa công tác sửa chữa và bảo dưỡng đường sắt. Tính đến nay, công ty đã cung cấp 16.000 máy móc các loại cho 109 đường sắt trên thế giới, thị trường chính của công ty gồm Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Áo, Tây Ban Nha, Brazil và Úc. Công ty có các nhà máy chế tạo tại khắp các châu lục với trên 2000 bằng sáng chế và 12 chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Nhà máy ở Linz, Áo là cơ sở chế tạo lớn nhất của công ty với các nhà xưởng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới như công nghệ Hybrid, các công đoạn sản xuất đều được tự động hóa, có khả năng chế tạo tất cả các chủng loại máy móc. Công ty đã phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện xong 02 dự án sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Áo là “Dự án mua sắm máy móc, thiết bị để cơ giới hóa công tác sửa chữa đường sắt” và “Dự án mua sắm máy móc, thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa đường sắt”. Tất cả máy móc thuộc 02 dự án trên đang hoạt động hiệu quả tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam góp phần nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, tăng năng suất lao động.

Hiện tại, Công ty đang hợp tác chặt chẽ với Tổng công ty ĐSVN trong việc triển khai dự án thứ 03 là “Dự án mua máy kiểm tra chất lượng cầu đường và máy điều hòa đá ballast” bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Chính phủ Áo. Tại buổi làm việc với đoàn, lãnh đạo Công ty Plasser & Theurer thông báo hiện Chính phủ Áo sẵn sàng tiếp tục cung cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi để triển khai dự án tiếp theo nhằm cung cấp máy bảo dưỡng đường sắt cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Phía bạn đề xuất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nên xem xét mua thêm các máy nâng, giật, chèn đường với công nghệ mới hơn, năng suất cao hơn so với chủng loại máy móc đã mua giai đoạn 1999-2003 nhằm tăng hiệu quả làm việc trong điều kiện đường đơn của Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cám ơn các thông tin cập nhật của bạn và sẽ giao các đơn vị liên quan phối hợp với Plasser & Theurer nghiên cứu, đề xuất nội dung và hình thức hợp tác phù hợp, hiệu quả nhất báo cáo các cơ quan hữu quan của hai nước xem xét, chấp thuận.

Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh tìm hiểu thiết bị siết bulong cầm tay tại khu trưng bày ngoài trời

Ngoài chương trình làm việc với công ty Plasser & Theurer, đoàn đã tới thăm nhà máy chế tạo toa xe lớn nhất của công ty Siemens, có lịch sử hoạt động hơn 180 năm, diện tích trên 140.000m2 công xuất 450 đoàn tàu/năm tại Simmering, Vienna. Tại đây đoàn đã được đại diện công ty Siemens giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển, các chủng loại sản phẩm chất lượng cao của công ty cung cấp cho thị trường thế giới gồm tàu cao tốc, tàu tự động không người lái, toa xe khách chất lượng cao, tàu điện ngầm, tàu nhẹ… chế tạo từ các loại vật liệu nhôm, thép không gỉ, thép thường… đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng. Đoàn đã trực tiếp thăm quan nhà xưởng, quy trình chế tạo toa xe ứng dụng công nghệ tiên tiến, hoàn toàn tự động của nhà máy.

Tại đây, đại diện của công ty đến từ cơ sở chế tạo đầu máy ở Munich, Đức cũng đã giới thiệu về các sản phẩm đầu máy đa dạng của công ty với các chủng loại đầu máy điện, đầu máy diesel đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật của khách hàng cũng như năng lực của công ty trong lĩnh vực cung cấp thiết bị thông tin tín hiệu và nguồn tài chính ưu đãi cho các dự án đường sắt ở Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN cho biết 16 đầu máy diesel truyền động điện do Siemens cung cấp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thuộc dự án “Đoàn tàu tốc hành giai đoạn 1” thực hiện bằng nguồn vốn ODA từ Chính phủ Đức giai đoạn 2001-2010 đang hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao sức kéo, tiết kiệm nhiên liệu. Từ nay đến năm 2020, Tổng công ty ĐSVN có kế hoạch trang bị thêm 100 đầu máy mới trong đó dự kiến 50 đầu máy mua từ nước ngoài, 50 đầu máy lắp ráp trong nước cũng như trang bị thêm toa xe khách hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Ông Vũ Anh Minh đề nghị Siemens nghiên cứu đề xuất phương án hợp tác khả thi, hiệu quả với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như trở thành cổ đông chiến lược của 02 công ty xe lửa Dĩ An, Gia Lâm để chuyển giao công nghệ chế tạo, lắp ráp đầu máy, toa xe tại Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu cũng như đề xuất các phương án tài chính ưu đãi phù hợp nhằm hiện thực hóa các dự án hợp tác trong tương lai.

Trong thời gian công tác, đoàn đã tới thăm ga trung tâm Wien Hofbahnhof ở Vienna và ga trung tâm Linz Hauptbahnhof ở Linz, đi thực tế tàu tốc hành RailJet của Đường sắt Áo do Siemens chế tạo từ Vienna đến Linz và ngược lại để tìm hiểu thực tế công tác bán vé, phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga, trang thiết bị nội thất, vệ sinh toa xe trên tàu cũng như kinh nghiệm phát triển hoạt động kinh doanh tại ga đường sắt ở Áo.

Những thông tin cập nhập về tình hình hiện tại và xu hướng phát triển về công nghệ, thiết bị thi công, nâng cấp và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng, chế tạo đầu máy toa xe cũng như kinh nghiệm thực tế trong điều hành, kinh doanh vận tải đường sắt thu nhận được qua chuyến công tác của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rất hữu ích trong việc định hướng phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói chung và các chương trình dự án phát triển đường sắt trong thời gian tới nói riêng.

Ban Hợp tác quốc tế & Khoa học công nghệ