Hoạt động lãnh đạo

22:00 | 17/08/2023

VNR và KTZ bàn kế hoạch thúc đẩy vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt

Chiều ngày 17/8/2023 tại Trụ sở Tổng công ty ĐSVN, Phó Tổng Giám đốc Hoàng Năng Khang đã có buổi tiếp đón và làm việc với đoàn công tác của Công ty Cổ phần đường sắt Quốc gia Kazakhstan (KTZ) do ngài Akhmetzhanov Anuar Muratovich - Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách Chiến lược KTZ làm trưởng đoàn. Về phía ĐSVN có đại diện các Ban KHKD, QTCN, KTKT và Công ty Ratraco.

Thay mặt lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN, Phó TGĐ Hoàng Năng Khang nhiệt liệt chào mừng và hoan nghênh đoàn công tác của Công ty Cổ phần đường sắt Quốc gia Kazakhstan đã tới thăm và làm việc với Tổng công ty. 

Tại buổi làm việc, Phó TGĐ đã đã trao đổi với phía bạn các thông tin về tình hình hiện tại của VNR, thuận lợi, khó khăn cũng như kế hoạch, nhu cầu và tiềm năng phát triển trong thời gian tới đặc biệt hợp tác trong lĩnh vực vận tải liên vận quốc tế (LVQT) bằng đường sắt. Ông Hoàng Năng Khang cho biết tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thông qua phương án nâng cao năng lực lực vận tải liên vận quốc tế đường sắt. 

Hiện đường sắt Việt Nam kết nối với hệ thống đường sắt quốc tế thông qua đường sắt Trung Quốc tại 02 ga biên giới là Lào Cai và Đồng Đăng. Từ năm 2019, duy trì thường xuyên 1 tuần chạy hai đoàn tàu chở container (mỗi đoàn từ 12-14 container) từ Việt Nam sang Trung Quốc và nối đi tiếp trong các đoàn tàu chạy suốt trong liên vận Trung Quốc – Châu Âu quá cảnh Kazakhstan đến các nước thuộc EU. 

Khối lượng hàng hóa đi bằng đường sắt trong năm 2020 từ ga Yên Viên (Việt Nam) tới Trung Quốc rồi nhập vào các đoàn tàu Trung Quốc-Châu Âu, quá cảnh Kazakhstan đạt 1674 TEU, con số này trong năm 2021 đạt 3486 TEU, năm 2022 đạt 2676 TEU, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1390 TEU.

Ông Akhmetzhanov Anuar Muratovich cho biết, Kazakhstan có vị trí như cửa ngõ để kết nối, trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đi Nga, các nước Trung Á và châu Âu với lưu lượng lớn. Nếu hàng đi bằng tuyến vận tải này, thời gian vận chuyển sẽ ngắn rất nhiều so với đi bằng đường biển hiện nay, giá thành vận tải sẽ cạnh tranh hơn.

Hiện hàng hóa vận chuyển giữa Việt Nam và Kazakhstan chủ yếu sử dụng phương thức đường biển - giữa cảng biển Việt Nam và cảng biển Liên Vân Cảng của Trung Quốc, sau đó từ Liên Vân Cảng vận chuyển tới Kazakhstan đi bằng đường sắt. Đây là phương thức vận tải có giá thành thấp do tận dụng được đường biển và hành lang Đông Tây của đường sắt Trung Quốc.

Giữa Việt Nam và Kazakhstan chưa tổ chức vận chuyển được hàng hóa đi bằng đường sắt theo các đoàn tàu chạy suốt mà chủ yếu là các cụm toa xe được nối vào các đoàn tàu Trung-Âu. Nguyên nhân chủ yếu do giá cước đường sắt còn cao, chưa có khối lượng hàng hóa đủ lớn để tổ chức được các đoàn tàu container chạy suốt và các chủ hàng chưa có luồng hàng hai chiều để tận dụng chiều chạy rỗng.

Do đó, ngài Phó Chủ tịch ĐS Kazakhstan hy vọng buổi làm việc này sẽ làm rõ hơn các vấn đề để VNR và KTZ có thể sớm ký biên bản ghi nhớ, hợp tác nhằm thúc đẩy vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa 2 nước Việt Nam và Kazakhstan.