VNR và KTZ sẽ hợp tác chặt chẽ trong 6 lĩnh vực
Ngày 21/8, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Đặng Sỹ Mạnh đã có buổi làm việc với Chủ tịch Công ty Cổ phần đường sắt Quốc gia Kazakhstan (KTZ) là Ngài Sauranbaev Nurlan Ermekovich.
Hàng hóa vận chuyển giữa Việt Nam và Kazakhstan chủ yếu sử dụng phương thức đường biển - giữa cảng biển Việt Nam và cảng biển Liên Vân Cảng của Trung Quốc, giữa Liên Vân Cảng và Kazakhstan đi bằng đường sắt. Đây là phương thức vận tải có giá thành thấp do tận dụng được đường biển và hành lang Đông Tây của đường sắt Trung Quốc.
Quang cảnh buổi lam việc
Từ năm 2019 duy trì thường xuyên 1 tuần chạy hai đoàn tàu chở container (mỗi đoàn từ 12-14 container) từ Việt Nam sang Trung Quốc và nối đi tiếp trong các đoàn tàu chạy suốt trong liên vận Trung Quốc – Châu Âu quá cảnh Kazakhstan đến các nước thuộc EU.
Khối lượng hàng hóa đi bằng đường sắt trong năm 2020 từ ga Yên Viên (Việt Nam) tới Trung Quốc rồi nhập vào các đoàn tàu Trung Quốc-Châu Âu, quá cảnh Kazakhstan đạt 1674 TEU, con số này trong năm 2021 đạt 3486 TEU, năm 2022 đạt 2676 TEU, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1390 TEU.
Giữa Việt Nam và Kazakhstan chưa tổ chức vận chuyển được hàng hóa đi bằng đường sắt theo các đoàn tàu chạy suốt mà chủ yếu là các cụm toa xe được nối vào các đoàn tàu Trung Quốc – châu Âu. Nguyên nhân chủ yếu do giá cước đường sắt còn cao, chưa có khối lượng hàng hóa đủ lớn để tổ chức được các đoàn tàu container chạy suốt và các chủ hàng chưa có luồng hàng hai chiều để tận dụng chiều chạy rỗng. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải đường sắt Việt Nam và Kazakhstan cần tăng cường trao đổi thông tin, tận dụng cơ hội gặp gỡ, trao đổi, ký kết các thỏa thuận hợp tác, tích cực tìm kiếm nguồn hàng vận chuyển giữa hai nước để có thể làm việc trực tiếp không qua các đại lý trung gian của Trung Quốc.
VNR và KTZ sẽ hợp tác chặt chẽ trong 6 lĩnh vực
Kết thục buổi làm việc, hai bên thống nhất sẽ hợp tác trong 06 lĩnh gồm: Tăng cường chuyên chở hàng hóa đi qua đường sắt Việt Nam và đường sắt Kazakhstan, cảng cạn của khu vực kinh tế mở “Khorgos – Cổng phương Đông”, Nâng cao năng lực chuyên chở hàng hóa và container đi bằng đường sắt qua cửa khẩu Đồng Đăng (CHXHCN Việt Nam) - Bằng Tường (CHND Trung Hoa), Phối hợp trong lĩnh vực logistics, sử dụng các khả năng của cơ sở hạ tầng của TCT ĐSVN và KTZ, Hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics, kho bãi hàng tại Việt Nam và Kazakhstan, Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt và logistics và Hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ hướng tới chuyển đổi xanh, sử dụng nhiên liệu xanh.