07:49 | 22/12/2015

Ấn Độ và Nhật Bản ký Biên bản ghi nhớ về Đường sắt cao tốc

Biên bản ghi nhớ về khả năng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Mumbai - Ahmedabad sử dụng công nghệ cũng như hợp tác kỹ thuật của Nhật Bản trong lĩnh vực đường sắt đã được chính phủ hai nước Ấn Độ và Nhật Bản ký ngày 11-12/12/2015 trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Biên bản ghi nhớ cho hợp tác trong tuyến đường sắt cao tốc được đề xuất có chiều dài 508 km từ Mumbai đến Ahmedabad được ký kết vào ngày 12/12/2015. Nhật Bản sẽ cung cấp khoản vay trị giá hơn 790 tỷ Rupi trong vòng 50 năm với thời gian ân hạn 15 năm và lãi suất 0,1%. Bộ Đường sắt Ấn Độ cho biết Chính phủ nước này đã nhất trí sử dụng công nghệ Shinkansen cho tuyến đường sắt này cùng với việc chuyển giao công nghệ để hỗ trợ chính phủ Ấn Độ trong việc đưa ra quyết định. Nhật Bản cũng sẽ cung cấp chương trình đào tạo cán bộ.

Công tác xây dựng sẽ chỉ bắt đầu sau khi chính phủ chính thức phê duyệt dự án. Nghiên cứu khả thi cho dự án do Đường sắt Ấn Độ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đồng tài trợ đã hoàn thành trong tháng 7/2015. Theo dự kiến, dự án sẽ được thực hiện trong 7 năm với chi phí 976,36 tỷ Rupi.

Tháng 9/2015, Bộ Đường sắt Ấn Độ đã ký hợp đồng cho 3 dự án đường sắt cao tốc: tuyến Delhi - Mumbai (Viện Thiết kế và Khảo sát Đường sắt với Lahmeyer International); tuyến Mumbai - Chennai (Systra với Rites và Ernst & Young); và tuyến Kolkata - Delhi (Ineco với Typsa và Technocrats). Nghiên cứu cho tuyến Delhi - Nagpur sẽ được thực hiện thông qua thỏa thuận liên chính phủ với Trung Quốc.

Ngày 11/12/2015, Bộ Đường sắt Ấn Độ đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác với Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản. Biên bản ghi nhớ này gồm cả các vấn đề về an toàn, đầu máy toa xe, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhà ga và nắm bắt giá trị đất đai, vệ sinh môi trường, thông tin tín hiệu, điện khí hoá, các công việc về đường và xây dựng dân dụng, hệ thống kiểm soát đoàn tàu và giảm nhẹ thiên tai.

Biên bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật được ký giữa Tổ chức Nghiên cứu Tiêu chuẩn & Thiết kế Ấn Độ và Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Đường sắt Nhật Bản bao gồm các lĩnh vực an toàn, bảo dưỡng, nâng cao tính bền vững và năng lực.