14:12 | 19/07/2021

Đảm bảo tiến độ ây dựng ĐS Lào - Trung Quốc bất chấp đại dịch

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các kỹ sư Trung Quốc và Lào đang nỗ lực hoàn thành việc xây dựng tuyến Đường sắt Lào - Trung Quốc để đưa vào khai thác trong tháng 12/2021 theo đúng kế hoạch đã đặt ra.

Ngày 25/6/2021, ông Tiêu Thiên Văn, Tổng Giám đốc LCRC, một công ty liên doanh về xây dựng và vận hành tuyến đường sắt hiện đại đầu tiên tại Lào có trụ sở đặt tại thủ đô Viên-Chăn, Lào cho biết: “Chúng tôi đang hoàn tất công việc xây dựng tuyến đường sắt này và chuẩn bị đưa vào vận hành vào ngày 2/12/2021”.

"Chúng tôi không thay đổi kế hoạch đã đặt ra và đang phấn đấu để đạt được mục tiêu. Chúng tôi đã hoàn thành hơn 90% các công việc kỹ thuật và chuẩn bị triển khai các công việc tiếp theo".

Tại đầu phía Nam của tuyến đường sắt này ở Viên-Chăn, Công ty TNHH Tập đoàn Công trình Viện 5 Đường sắt Trung Quốc (CREC-5) đã hoàn thành việc xây dựng kết cấu chính của cây cầu dài nhất dọc theo Đường sắt Lào - Trung Quốc, siêu cầu chính Phonethong với chiều dài 7.528,56 mét và 231 trụ cầu.

Ngày 15/6/2021, tại đầu cuối cùng phía Bắc của tuyến đường sắt, Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCEG) đã cất nóc nhà ga cửa khẩu Lào ở Boten. Chín tháng trước đó vào ngày 16/9/2020, một công ty của Trung Quốc đã cất nóc nhà ga đầu tiên ở Nateuy, cách 360 km về phía Bắc thủ đô Viên-Chăn của Lào.

Đến ngày 15/5/2021, việc xây dựng tất cả 67 tháp thông tin dọc tuyến Đường sắt Lào - Trung Quốc đã hoàn thành, trong khi đường ray trên tuyến Đường sắt Lào - Trung Quốc được kéo từ Viên-Chăn đến đầu phía Bắc của Boten.

Ngày 25/6/2021, ông Lôi Triều, Giám đốc Dự án, Công ty TNHH Tập đoàn Công trình Viện 2 Đường sắt Trung Quốc (CREC-2) cho Tân Hoa Xã biết "Chúng tôi sẽ lắp đặt tất cả đường ray vào giữa tháng 8 này".

Ông Lôi cũng cho biết nhóm CREC-2 đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt đối với đại dịch COVID-19 để việc triển khai xây dựng dự án không bị gián đoạn và không có trường hợp bị lây nhiễm. Công ty bắt đầu lắp đặt đường ray vào ngày 27/3/2020.

Theo ông Tiêu Thiên Văn, hầu hết các vị trí xây dựng đều nằm ở khu vực vùng miền núi khí hậu nhiệt đới, điều kiện địa lý phức tạp, điều kiện giao thông kém nên việc thi công gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt trong mùa mưa, máy móc thi công không thể hoạt động được trên công trường và đôi khi các đội kỹ thuật của Trung Quốc phải cõng vận chuyển một lượng lớn vật tư, thiết bị cần thiết.

Ông Bounthong Chitmany, Phó Chủ tịch nước Lào khi làm việc với ông Tiêu Thiên Văn tại Phủ Thủ tướng Lào hôm 15/6 đã cho biết thêm: “Việc xây dựng Đường sắt Lào - Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn to lớn”.

Ngày 10/6, khi thị sát xây dựng nhà ga Viên-Chăn, ông Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng Lào đã đánh giá cao việc Công ty xây dựng Trung Quốc thuê gần 700 lao động địa phương làm việc cho dự án, ông hy vọng tuyến đường sắt sẽ tạo nhiều việc làm hơn cho các địa phương trong nước.

Phó Thủ tướng Lào thay mặt Chính phủ Lào khen ngợi những tiến bộ và thành tựu của việc xây dựng tuyến Đường sắt Lào - Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và cho rằng tuyến đường sắt này là công trình mang tính bước ngoặt của tình đoàn kết hữu nghị giữa Lào và Trung Quốc. Việc hoàn thành tuyến đường sắt có ý nghĩa quan trọng với người dân Lào vì trùng với năm thứ 60 kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Lào.

Ông Sonexay cho biết hai bên phải hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy có hiệu quả các công việc còn lại, hoàn thành việc xây dựng tuyến và đưa vào vận hành đúng tiến độ, đáp ứng mong đợi của Đảng và nhân dân hai nước.

Anh Somphone Inleuangsy, 24 tuổi, đến từ Luang Namtha, một tỉnh miền núi phía Bắc Lào giáp Trung Quốc cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã mang đến nhiều khó khăn cho người dân Lào và vì vậy, tôi đặc biệt mong đợi tuyến đường sắt này sẽ được thông xe trong năm nay, đây là điều mà người dân Lào đã mơ ước từ lâu”. Anh hiện đang được đào tạo nghề tại đội Dự án CREC-2 ở ngoại ô phía bắc Viên-Chăn.

Cô Somphone nói với Tân Hoa xã "Người Trung Quốc thường có câu “muốn làm giàu trước tiên hãy xây dựng đường xá” và em hy vọng với việc xây dựng tuyến Đường sắt Lào - Trung Quốc thì kinh tế Lào sẽ sớm phát triển thịnh vượng. Em cũng hy vọng Lào sẽ trở thành một trung tâm vận chuyển ở Đông Nam Á để thúc đẩy sự phát triển trong khu vực. Là nữ giới, trong số hơn 600 học viên của Đường sắt Trung Quốc - Lào, em cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Em mong rằng sau khóa đào tạo em có thể chính thức trở thành nhân viên đường sắt, mong bố mẹ em sẽ có ngày nhìn thấy em lái tàu như thế nào. Em cũng hy vọng rằng với việc mở tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, nhiều bạn bè Trung Quốc có thể đến để cùng giúp đỡ Lào phát triển hơn".

Hiện tại, có tổng số 636 thanh niên Lào được đào tạo để vận hành tuyến Đường sắt Lào - Trung Quốc trong tương lai về lái tàu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng và thiết bị đường sắt.

Ông Valy Vetsaphong, cố vấn của Thủ tướng Lào kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào cho biết: "Trong hai năm qua, quan hệ hợp tác giữa Lào và Trung Quốc rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc Viên Chăn - Vang Viêng hiện đại đầu tiên của Lào đã được đưa vào khai thác thông qua hợp tác, và tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay".

"Điều này là do có sự phối hợp trong chính sách giữa hai nước và sự phù hợp giữa chiến lược của Lào nhằm chuyển đổi từ một quốc gia không giáp biển thành một trung tâm liên kết trên bộ và Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc."

Ông Valy cho Tân Hoa xã biết thêm: "Đường sắt Lào - Trung Quốc sẽ đặt nền móng mới cho việc kêu gọi đầu tư nước ngoài và Lào chắc chắn sẽ tận dụng lợi thế để tham gia vào chuỗi công nghiệp toàn cầu và khu vực. Nói cách khác, Đường sắt Lào - Trung Quốc sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân song phương mà đồng thời mang lại lợi ích cho các quốc gia được kết nối. Tôi tin rằng việc hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt Lào - Trung sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch của các nước láng giềng và toàn khu vực".

Tuyến đường sắt dài hơn 400 km sẽ chạy từ cửa khẩu Boten ở Bắc Lào giáp Trung Quốc đến Viên-Chăn với tốc độ khai thác 160 km/h.

Tuyến đường sắt điện khí hóa này phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa, áp dụng toàn bộ các tiêu chuẩn quản lý và kỹ thuật của Trung Quốc, khởi công xây dựng từ tháng 12/2016, dự kiến ​​hoàn thành và vận hành tháng 12/2021.

Theo THX