19:05 | 25/08/2022

Dịch vụ du lịch với điểm đến ngẫu nhiên bùng nổ tại Nhật Bản

Những chuyến đi ngẫu nhiên, trong đó các điểm đến được xác định bằng cách tung xúc xắc hoặc do thuật toán lựa chọn đang trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Các nhà khai thác đường sắt đang sử dụng chiến lược này nhằm phục hồi nhu cầu đi lại vốn đã sụt giảm do cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19.


Hồi tháng 7, công ty Đường sắt Tây Nhật Bản, còn được gọi là JR West, đã giới thiệu một ứng dụng đặt vé tàu có tên gọi “Saikoro Kippu”. Điểm đến sẽ được quyết định bằng cách ấn xúc xắc ảo. Loại vé này được sử dụng tại 7 ga đi qua các tỉnh Wakayama và Okayama. Với giá 5.000 yên, loại vé này cho phép người dùng thực hiện chuyến đi với mức giảm giá từ 45% đến 83% so với mọi khi, tùy thuộc vào điểm đến.

Trong khi đó, công ty Đường sắt Đông Nhật Bản có kế hoạch giới thiệu gói vé khứ hồi tương tự “Dokokani Byun” vào tháng 12. Trong gói này, khách hàng có thể mua vé tàu trị giá 6.000 yên bằng điểm thưởng của JR East. Người dùng sau khi nhập ngày đi và địa điểm xuất phát sẽ được giới thiệu 4 nhà ga ứng cử viên ngẫu nhiên trong số 47 ga trên các tuyến Tohoku, Hokuriku và Shinkansen. Nếu như khách hàng thích cả 4 nhà ga này, họ sẽ đăng ký nhận vé và công ty đường sắt sẽ chọn ngẫu nhiên 1 trong 4 nhà ga làm đích đến.

Mô hình chuyến đi với điểm đến ngẫu nhiên này thu hút được sự chú ý của mọi người sau khi hãng hàng không giá rẻ Peach Aviation ra mắt dịch vụ Tabikuji vào mùa Hè năm ngoái. Khi sử dụng dịch vụ đó, hành khách mua vé máy bay mà không biết điểm đến.

Masami Morishita, Giáo sư Đại học Toyo chuyên nghiên cứu các xu hướng của ngành du lịch, cho biết nhiều người muốn đi du lịch nhưng lại thấy rắc rối khi quyết định đi đâu. “Các chuyến đi ngẫu nhiên thu hút một bộ phận người dân vì chúng thu hẹp các lựa chọn ở một mức độ nào đó”, Giáo sư Morishita lý giải.

Theo ông Morishita, dịch vụ du lịch ngẫu nhiên được hy vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch vì chúng tạo cơ hội cho du khách đến thăm những nơi thú vị mà họ có thể chưa từng nghe đến.