16:06 | 27/10/2020

ĐS Đức: Tham vọng tăng trưởng không lay chuyển dù đại dịch Covid-19

Theo báo cáo của Phóng viên Timon Heinrici, vận tải hành khách giảm 44% và hàng hóa giảm 13% trong nửa đầu năm 2020, đại dịch coronavirus khiến lợi nhuận của Đường sắt Quốc gia Đức (DB) giảm gần 4 tỷ Euro. Tuy nhiên, chính phủ đã cam kết những khoản tiền khổng lồ để cố gắng xoay chuyển tình hình của tập đoàn đường sắt do nhà nước sở hữu.

Ngày 30/7/2020 tại Berlin, trong báo cáo kết quả nửa năm hoạt động của Tập đoàn Đường sắt quốc gia Đức (DB), Tiến sĩ Richard Lutz - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc DB nêu rõ “Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn chí mạng vào tăng trưởng thành công mà DB đang có khiến DB phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất”. Tuy nhiên, trong khi virus là một "phép thử đầy áp lực" với DB, nó cũng đã "cho thấy đường sắt đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với Đức và Châu Âu", ông nhấn mạnh. “Chúng tôi là một phần không thể thiếu trong vận hành xã hội. Ngay cả trong những thời điểm vô cùng khó khăn, chúng tôi vẫn tiếp tục vận chuyển hành khách và hàng hóa”.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của vận tải hàng hóa bằng đường sắt ở cấp độ Châu Âu, DB Cargo (Công ty vận tải và logistics quốc tế thuộc DB) đã in lên một trong những đầu máy Vectron đa hệ thống Loại 193 khẩu hiệu "Tôi là xương sống của nền kinh tế".

Đại dịch đã chứng kiến DB báo cáo mức thâm hụt đầu tiên kể từ năm 2015 với khoản lỗ sau thuế là 3,7 tỷ Euro trong nửa đầu năm 2020 so với lợi nhuận 277 triệu Euro của cùng kỳ năm 2019. Doanh thu giảm 11,8%, đạt 19,4 tỷ Euro, trong khi EBIT (Lợi nhuận trước lãi vay và thuế) giảm hơn 2,5 tỷ Euro, dẫn đến khoản lỗ kinh doanh là 1,78 tỷ Euro. Khoản lỗ này phải tính thêm 1,4 tỷ Euro giảm phí cho khoản lỗ trong tương lai tại doanh nghiệp vận tải công cộng quốc tế Arriva. DB ước tính doanh thu cả năm 2020 có thể giảm từ 44,4 tỷ Euro trong năm 2019 xuống còn 38,5 tỷ Euro với EBIT giảm từ 1,8 tỷ Euro xuống - 3,5 tỷ Euro.

Virus corona đã ảnh hưởng đến tất cả các đơn vị kinh doanh của DB, ngoại trừ tại Logistics Schenker (công ty chuyên quản lý chuỗi cung ứng và các giải pháp logistics). EBIT sụt giảm nghiêm trọng nhất được ghi nhận tại DB Fernverkehr (đơn vị vận tải đường dài) với doanh thu giảm 944 triệu Euro; EBIT của DB Regio (đơn vị vận tải khu vực và tàu nội đô) giảm 783 triệu Euro, Arriva (đơn vị vận tải hành khách khu vực ngoài lãnh thổ Đức) giảm 254 triệu Euro và DB Cargo (đơn vị vận tải và logistics quốc tế ) giảm 220 triệu Euro.

Thực hiện những hạn chế đi lại do chính phủ đưa ra, sản lượng hành khách địa phương và đường dài đã giảm gần 40% xuống còn 780 triệu lượt hành khách và hành khách-km giảm 44% xuống còn 27 tỷ.

Kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt của DB Cargo ghi nhận mức sản lượng giảm 16% xuống còn 103 triệu tấn mặc dù quãng đường vận chuyển trung bình dài hơn có số tấn-km giảm 13% xuống còn 38 tỷ. Kinh doanh đa phương thức cũng lỗ lớn và các luồng hàng như thép, quặng, than đá, xe cơ giới và hóa chất cũng bị sụt giảm nghiêm trọng. Phần kinh doanh này chỉ được bù đắp một phần nhờ vận chuyển bổ sung các mặt hàng thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, những dịch chuyển đặc biệt như vận chuyển mì ống từ Italia đến miền nam nước Đức chỉ trong thời gian ngắn đã giúp cải thiện hình ảnh trước công chúng của DB Cargo. Tỷ lệ tàu đúng giờ tăng từ 73,8% lên 79,1% trong khi số lượng “các đoàn tàu bất động” không thể khởi hành do thiếu đầu máy hoặc tài xế giảm từ 67 xuống 25 chuyến mỗi ngày. Tuy nhiên, DB Cargo dự đoán rằng sụt giảm liên tục về nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt có thể sẽ kéo dài trong vài năm tới.

Mặc dù nhu cầu giảm, hoạt động chạy tàu nói chung chỉ giảm nhẹ. Giám đốc đơn vị kết cấu hạ tầng DB Netz thông tin về mức giảm 6% xuống còn 513 triệu đoàn tàu-km. Trong số này, các các đơn vị vận tải ngoài DB đã tăng thị phần của họ 3%, lên 185 triệu đoàn tàu-km.

Ngoài đường sắt, DB Schenker cũng bị tác động bởi đại dịch. Số lượng các chuyến hàng được vận chuyển bằng đường bộ giảm 4% xuống còn 52.000 chuyến, xuất khẩu hàng hóa bằng hàng không giảm 14% xuống còn 495.000 tấn và xuất khẩu bằng hàng hải giảm 11% xuống còn 992.000 TEU. Tuy nhiên, DB Schenker được hưởng lợi từ việc tăng 136% EBIT đối với đơn vị vận tải hàng không lên 158 triệu Euro. Đơn vị điều hành cho rằng điều này là do xu hướng tích cực trong doanh thu bởi tác động của giá cả. EBIT cũng được cải thiện đối với hoạt động kinh doanh hàng hải, tăng 43% lên 30 triệu Euro.

Chế độ tăng cường vệ sinh của DB để giải quyết lo ngại liên quan đến Covid-19 dẫn đến tăng chi phí, góp phần tác động nghiêm trọng đến kết quả tài chính của đường sắt

Tăng vốn góp lần thứ hai

Trong nỗ lực bù đắp thiệt hại tồi tệ nhất do virus corona gây ra, chính phủ đã quyết định tăng vốn góp vào DB lên 5 tỷ Euro trong năm nay. Quyết định này đã được thông qua về mặt pháp lý như một phần bổ sung vào ngân sách liên bang năm 2020. Tuy nhiên, DB hy vọng khoản lỗ trung hạn tối thiểu của tập đoàn sẽ là 11 tỷ Euro trong giai đoạn 2020-24 và lên tới 13,5 tỷ Euro trong trường hợp xấu nhất do vận tải thua lỗ và chi phí bổ sung để tăng cường chế độ vệ sinh và khử trùng.

Hội đồng quản trị DB tin rằng tập đoàn có thể tiết kiệm 4 tỷ Euro nhờ tăng cường hiệu suất làm việc mặc dù họ khẳng định rằng số lượng nhân viên cần cho vận hành sẽ không bị cắt giảm. Bất kỳ khoản lỗ nào khác vượt quá số vốn được cấp thêm và tiết kiệm chi phí sẽ phải được bù đắp bằng khoản nợ mới. Vì vậy, chính phủ đã đồng ý tăng hạn mức nợ của DB từ 25 tỷ Euro lên 30 tỷ Euro.

Việc cấp thêm vốn này không dành cho một mục tiêu cụ thể, không giống như gói hỗ trợ chung đã được phê duyệt năm 2019 là một phần của chương trình giảm thiểu biến đổi khí hậu quốc gia. Khi cam kết giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính của Đức vào năm 2030 so với năm 1990, chính phủ đã đồng ý cấp cho DB một tỷ Euro mỗi năm trong 11 năm, kể từ 2020 đến 2030. Sau áp lực mạnh mẽ từ các đối thủ kinh doanh vận tải lo lắng về viện trợ nhà nước không công bằng, chính phủ đã đồng ý rằng khoản tiền này nên được chi cho việc nâng cấp kết cấu hạ tầng để mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Thông báo về đợt tăng vốn mới nhất trị giá 5 tỷ Euro vào ngày 26 tháng 5 đã được đơn vị có tên gọi “Liên minh vì Đường sắt của chúng tôi” gồm Bộ Giao thông vận tải & Kết cấu hạ tầng Kỹ thuật số Liên bang, DB, Liên đoàn đường sắt EVG và Hội đồng Công xưởng Đường sắt (đại diện cho người lao động) thực hiện.

Ông Andreas Scheuer - Bộ trưởng Giao thông Liên bang, Ông Richard Lutz - Tổng Giám đốc DB, Ông Klaus Dieter Hommel - Phó Chủ tịch EVG và ông Jens Schwarz - Chủ tịch Hội đồng Công xưởng nhấn mạnh rằng tất cả đều nhằm giúp DB thoát khỏi hậu quả của đại dịch trong 5 năm tới. Những người tham gia cho biết họ cũng sẽ có đóng góp của riêng mình: các thành viên Hội đồng quản trị của DB AG và các công ty con cùng với các giám đốc điều hành cấp cao sẽ giảm tiền thù lao trong năm 2020 của họ với tổng giá trị tới vài trăm triệu Euro .

Kết quả kinh doanh trong nửa năm 2020 của DB AG đã được trình bày tại hội nghị trực tuyến ngày 30/7/2020 do Tổng Giám đốc - Tiến sĩ Richard Lutz (phải) và Giám đốc tài chính mới - Tiến sĩ Levin Holle (trái) điều hành.

Các công đoàn đã ký kết một thỏa thuận thương lượng tập thể không liên quan đến việc cắt giảm các chuyên gia hàng đầu và các giải pháp này sẽ được Hội đồng Công xưởng hỗ trợ. Tuy nhiên, công đoàn đại diện cho các tài xế lái máy (GDL) không tham gia liên minh vì họ cho rằng việc tiết kiệm chi phí nhân sự theo kế hoạch trị giá khoảng 2 tỷ Euro chỉ có thể đạt được bằng cách cắt giảm lương, làm việc dài hơn hoặc đặt gánh nặng lớn hơn cho nhân viên. Ông Claus Weselsky, Chủ tịch GDL, cho biết bất kỳ đợt sa thải nào cũng nên tập trung vào tăng cường quản trị của DB.

Phản ứng về cạnh tranh

Lần tăng vốn góp mới nhất đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các đối thủ cạnh tranh của DB, những đơn vị sẽ không được hưởng lợi theo cách tương tự từ gói biến đổi khí hậu.

MOFAIR - Hiệp hội các đơn vị vận tải độc lập của Đức chỉ ra rằng “Trong khi DB đang được hỗ trợ bằng việc tăng vốn góp lên 5 tỷ Euro (5 tỷ Euro từ con số bình thường trở thành con số khổng lồ) ngay cả khi không có thông tin rõ ràng về thiệt hại mà các công ty thuộc DB phải gánh chịu do virus corona thì nhiều đơn vị khác không nhận được hỗ trợ”. "Điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào cạnh tranh trên đường sắt, từ đó sẽ khó phục hồi."

Giả thiết rằng tất cả đơn vị tham gia thị trường có thể được hưởng lợi từ hỗ trợ của nhà nước, Hiệp hội đề xuất cách tiếp cận đúng đắn là thành lập một quỹ cứu trợ virus corona cho tất cả các công ty vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và kết cấu hạ tầng. Các khoản thanh toán sẽ chỉ được thực hiện nếu đơn vị nộp đơn có thể chứng minh bất kỳ thiệt hại nào do đại dịch gây ra.

MOFAIR cho rằng: “Hỗ trợ trong các lĩnh vực độc quyền về kết cấu hạ tầng là hợp lý và cấp bách”, lưu ý rằng điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các đơn vị vận tải đường sắt và tiếp đó là khách hàng của họ. "Việc tăng thêm vốn góp, phần vốn chỉ mang lại lợi ích cho Tập đoàn Đường sắt Đức hợp nhất, chắc chắn phải bị từ chối vì đây là sự biến tướng của cạnh tranh".

Đáp lại những lời chỉ trích, ông Lutz chỉ ra rằng việc tăng vốn của DB thể hiện việc chính phủ liên bang đứng về phía công ty với tư cách là chủ sở hữu 100%. Ông không có ý định chống lại các công ty đường sắt cạnh tranh đang tìm cách huy động vốn góp từ các chủ sở hữu của họ theo cách tương tự. Ông Levin Holle, Giám đốc tài chính mới của DB nói thêm rằng dựa trên kinh nghiệm trước đây, ông mong muốn khoản viện trợ sẽ được Cơ quan Cạnh tranh của Liên minh Châu Âu phê duyệt.

Ông Lutz giải thích thời hạn 5 năm của 'liên minh' là để đảm bảo rằng cổ phần của tập đoàn trong khoản tiết kiệm trị giá 4 tỷ Euro từ việc tăng cường hiệu suất có thể được phân bổ tốt hơn trong những năm qua, thay vì 'đạp phanh' và tạm dừng tuyển dụng vào các vị trí còn thiếu. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thuê", lưu ý rằng chỉ trong nửa đầu năm 2020, tập đoàn đã tuyển dụng 19.000 nhân viên. Ông Lutz nói thêm rằng DB cũng đã triển khai các khoản đầu tư theo kế hoạch của tập đoàn.

Kiểm toán viên cảnh báo về những rủi ro tài chính

Trong khi đó, Văn phòng Kiểm toán Liên bang lại một lần nữa nêu những quan ngại về các hoạt động quốc tế của DB và đề xuất chính phủ liên bang nên hạn chế để DB tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi trong ngân quỹ của tập đoàn. Nếu không, có nguy cơ là chính phủ với tư cách là chủ sở hữu duy nhất cũng có thể phải chịu trách nhiệm về những rủi ro phát sinh từ các giao dịch không phải của Đức.

Trước đây, Bundesrechnungshof (Văn phòng chính phủ liên bang) đã chỉ trích Arriva và Schenker nhưng trong báo cáo với Hạ viện về những yêu cầu tài chính liên quan đến virus corona của DB, cơ quan này đã nhấn mạnh nhiều hoạt động khác mà họ cảm thấy không thể hiện hỗ trợ của liên bang. Báo cáo chỉ ra rằng theo hiến pháp, chính phủ không phải chịu trách nhiệm về các hoạt động đó, giống như cách thức hiện nay là các Bang chịu trách nhiệm về dịch vụ vận chuyển hành khách đường sắt địa phương. Do đó, báo cáo đề xuất rằng các hoạt động này không nên được tài trợ từ việc tăng vốn 5 tỷ Euro.

Lưu ý rằng việc tăng vốn sẽ hỗ trợ tất cả các hoạt động - gồm cả những hoạt động mà DB đang cạnh tranh với các nhà cung cấp khác - các kiểm toán viên đã cảnh báo rằng "viện trợ đơn phương như vậy mà không có giải pháp trong toàn ngành sẽ làm giảm cạnh tranh". Không giống như Holle, các kiểm toán viên cảm thấy thực sự có rủi ro rằng Ủy ban Châu Âu có thể "coi việc tăng vốn theo kế hoạch có vấn đề từ góc độ viện trợ nhà nước".

Các kiểm toán viên yêu cầu rằng không nên cấp trước khoản viện trợ liên bang mà chỉ nên cấp khi DB đã sử dụng hết quỹ của tập đoàn, dựa trên các yêu cầu về thanh khoản. Chính phủ cũng nên đảm bảo rằng không sử dụng khoản hỗ trợ vốn để bù đắp cho "những phát triển không mong muốn" mà DB đã gặp phải trước khi bắt đầu đại dịch. Cơ quan Kiểm toán Liên bang (BRH) nhấn mạnh "Theo quan điểm về thâm hụt kinh tế của tập đoàn và những phát triển không mong muốn, không được tiếp tục triển khai các công việc trước đó".

Chiến lược Starke Schiene 

 

Là một phần của chương trình Starke Schiene, ngày 15/7/2020, DB thông báo rằng họ đã đặt hàng 30 đoàn tàu cao tốcICE 3 mớicủa Siemens đ giao hàng trong giai đoạn 2022-2026

Bất chấp lời kêu gọi thay đổi hướng đi này, theo ông Lutz, câu trả lời của DB đối với “phép thử đầy áp lực' do đại dịch là tiếp tục triển khai chương trình 'Đường sắt Vững mạnh' đã được khởi động từ năm 2019.

Được trình bày trước Ban Giám sát vào ngày 18/6/2019, chiến lược Starke Schiene là nội dung tiếp theo kế hoạch 'DB 2020' của năm 2012 và chiến lược Zukunft Bahn (DB 2020+) của năm 2016, Hội đồng quản trị đã công bố một nỗ lực khác để giải quyết các vấn đề cố hữu của đường sắt và định hướng của tập đoàn với các kỳ vọng chính trị.

Chất lượng ngày càng giảm của cả hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa của DB là nguồn gốc của bất bình ngày càng tăng trong công chúng và gây áp lực cho những người đưa ra quyết định trong thập kỷ qua.

Có lẽ mức điểm thấp nhất được ghi nhận vào năm 2013 khi thiếu hụt nhân viên được đào tạo về điều khiển tín hiệu ở Mainz đồng nghĩa với việc không thể vận hành các chuyến tàu để phục vụ 210.000 cư dân của thành phố trong nhiều ngày liên tục. Ngay cả trên mạng lưới ICE (tàu cao tốc) hàng đầu, chậm tàu đã gia tăng trong những năm qua đến mức các chuyến tàu thường xuyên phải quay đầu trước khi đến ga cuối để bắt đầu lại hành trình khiến hành khách phải tiếp tục hành trình trên các chuyến tàu địa phương. Thực trạng này đã bị chế giễu là 'quay vòng Pofalla' theo tên của thành viên Hội đồng quản trị hiện phụ trách kết cấu hạ tầng.

Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, khoản lỗ của DB Cargo đã tăng trung bình 16% một năm kể từ năm 2014. Mặc dù đã có đợt xóa nợ đặc biệt vào năm 2015 khiến toàn bộ tập đoàn rơi vào tình trạng thâm hụt, DB vẫn phải bù lỗ 488 triệu Euro cho DB Cargo trong năm 2019.

Có thời điểm, số lượng “các đoàn tàu bất động” do chờ đầu máy hoặc tài xế đã đến ba con số mỗi ngày, trong khi khối lượng vận chuyển tiếp tục giảm. Đồng thời, khối lượng và mức độ dịch vụ bị thu hẹp. Mặc dù tổng khối lượng của thị trường vận tải hàng hóa đã tăng gần gấp đôi kể từ khi cải tổ đường sắt năm 1994, mục tiêu vận chuyển nhiều hàng hóa hơn bằng sắt chỉ có thể đạt được khi các đơn vị vận tải cạnh tranh đảm bảo rằng đường sắt có thể tăng nhẹ thị phần của mình.

Không có gì ngạc nhiên khi khoản nợ của DB nhanh chóng đạt đến giới hạn trên 24 tỷ Euro do quốc hội quy định.

Starke Schiene là nhân tố chính trong kế hoạch của liên minh dân chủ - xã hội bảo thủ để đường sắt đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc đáp ứng nhu cầu vận tải vào năm 2030. Quy hoạch Tổng quan mới nhất dự kiến tăng gấp đôi con số 4,6 tỷ lượt hành khách được vận chuyển trong năm 2017 và tăng thị phần vận tải hàng hóa đường sắt từ 19% lên 25%, tương đương với mức tăng từ 132 lên 209 tỷ tấn-km.

Chiến lược của DB được xây dựng dựa trên ba mục tiêu: đường sắt phải trở nên mạnh mẽ hơn, quyền lực hơnhiện đại hơn. Có năm “nhân tố triển khai” cho mỗi mục tiêu này cùng với mục tiêu khí hậu nhằm đảm bảo 100% điện sử dụng là từ các nguồn tái tạo.

Đóng góp vào “sự mạnh mẽ” là mở rộng kết cấu hạ tầng, số hóa tín hiệu và công nghệ điều khiển đoàn tàu, quản lý năng lực tốt hơn, tăng cường đội tàu cùng với việc tăng cường năng lực sản xuất của nhà xưởng và tăng cường nhân sự.

‘Sức mạnh’ nhằm đạt được mức hiệu suất cao. Điều này cần được cải thiện, cùng với những vấn đề khác, bởi một tổ chức vững mạnh và 'trách nhiệm trong tập đoàn', cũng như 'các quy trình ổn định'. Về điều này, DB đang bổ sung thêm 15 sáng kiến khác từ lực lượng lao động, trong đó bốn sáng kiến đã được xác định để giải quyết vấn đề an toàn và duy trì kiến thức chuyên môn.

'Tính hiện đại' bao gồm biểu đồ chạy tàu quốc gia thường xuyên Deutschlandtakt, tăng cường các hành lang xuyên Châu Âu và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số nhiều hơn.

Số hóa mạnh mẽ hơn được kỳ vọng sẽ mở đường cho tự động hóa hơn nữa và thay đổi sự kết hợp các kỹ năng cần có từ các nhân viên đường sắt trong tương lai

Nguồn vốn chưa từng có

Chiến lược Starke Schiene nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ liên bang, chính phủ đang thực hiện nỗ lực 'chưa từng có' để thúc đẩy đường sắt phát triển bằng cách cấp một khoản tiền khổng lồ cho lĩnh vực này. Thỏa thuận tài chính và dịch vụ LuFV 10 năm giữa DB và Bộ Giao thông Vận tải đạt được vào tháng 7/2019 quy định cách thức nhà nước sẽ chi trả cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng trong khi DB sẽ chịu chi phí bảo trì và sửa chữa. Chính phủ liên bang sẽ cấp 62 tỷ Euro trong giai đoạn 2020-2029 với mức trung bình hàng năm là 6,2 tỷ Euro, gần như gấp đôi so với 3,5 tỷ Euro của kế hoạch 5 năm trước đó.

Khoản vốn này phải được tính thêm vào khoản đầu tư 11 tỷ Euro vốn cổ phần từ gói biến đổi khí hậu và ít nhất 1,5 tỷ Euro mỗi năm để mở rộng mạng lưới; con số cuối cùng này dự kiến sẽ tăng theo thời gian. Trong khi đó, các Bang sẽ nhận được 14,6 tỷ Euro trong giai đoạn 2020-2029 để bảo đảm việc mở rộng và bảo trì các tuyến đường sắt ở cấp địa phương, tăng từ 3,4 tỷ Euro cho giai đoạn 2015-2019.

Các quỹ địa phương hóa do chính phủ liên bang phân bổ cho các cơ quan vận tải của các Bang để mua sắm và hỗ trợ các dịch vụ đường bộ và đường sắt địa phương hiện đang ở mức 8,2 tỷ Euro mỗi năm và tăng 1,8% hàng năm, tổng cộng khoảng 90 tỷ Euro cho giai đoạn 2020-2029. Hơn một nửa trong số tiền này sẽ được đầu tư vào lĩnh vực đường sắt, lĩnh vực được hưởng lợi khoảng 5,5 tỷ Euro mỗi năm.

Và để thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, chính phủ liên bang đã phân bổ 1,75 tỷ Euro để tài trợ một nửa phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trong giai đoạn 2019-2023.

Nói chung, con số này lên tới ít nhất 160 tỷ Euro vào năm 2030. Ngoài ra sẽ có thêm tài trợ cho việc triển khai Hệ thống Kiểm soát Đoàn tàu Châu Âu ETCS và các sáng kiến nghiên cứu đường sắt, cũng như tài trợ 'bồi thường' bổ sung cho việc mở rộng đường sắt ở các khu vực có than không còn được khai thác nữa.

Một tuyến đường sắt mạnh mẽ hơn

Mặc cho sự hào phóng của chính phủ thì dường như có rất ít triển vọng về việc mức nợ của DB sẽ giảm trong những năm tới, bất chấp những lo ngại lặp đi lặp lại của các chính trị gia và cơ quan quản lý. Họ lưu ý rằng sau khi thống nhất và cải tổ, ‘Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Đức’ mới đã bắt đầu hoạt động như một công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc sở hữu nhà nước vào năm 1994 và không có bất cứ khoản nợ nào vào thời điểm đó.

Theo tính toán của ông Lutz, kể từ năm 1994 đã có khoảng 200 tỷ Euro được đầu tư vào hệ thống đường sắt của Đức, trung bình 8 tỷ Euro mỗi năm. Ông ước tính các khoản đầu tư của DB trung bình là 3 tỷ Euro và nhà nước đầu tư 5 tỷ Euro vào kết cấu hạ tầng. Các khoản nợ phát sinh do DB không thể thanh toán toàn bộ 75 tỷ Euro cổ phần của tập đoàn trong 25 năm qua và phải huy động khoảng 20 tỷ Euro trên thị trường. Tuy nhiên, ông Lutz khẳng định rằng số tiền được chi tiêu hợp lý.

Vào tháng 7/2020, ông Lutz đã chỉ ra rằng sẽ phải đầu tư vào đường sắt nhiều hơn nữa trong những năm tới để đáp ứng mức giao thông dự kiến theo các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của chính phủ. Ông giải thích: “Việc này sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD, nhưng nếu không làm ngay bây giờ, chúng ta sẽ không có kết cấu hạ tầng, phương tiện hoặc đội ngũ nhân viên mà chúng ta sẽ cần để chuyển sang sử dụng giao thông đường sắt nhiều hơn vào năm 2030-40”. "Đây chính xác là thách thức mà chúng tôi phải đối mặt trong những năm tới".

Với việc bổ sung 11 tỷ Euro tài trợ biến đổi khí hậu cho kết cấu hạ tầng và khoản tăng vốn góp 5 tỷ Euro mới nhất, ông Lutz tin tưởng rằng triển vọng của đường sắt đang được cải thiện để bắt kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường vận tải nói chung. Thông báo vào ngày 15/7/2020 rằng DB sẽ đầu tư thêm 30 đoàn tàu cao tốc loại ICE3 từ năm 2022, ông Lutz nói "chúng tôi tin rằng việc này sẽ thành công". Cùng với các đoàn tàu ICE4, ECx và IC2 đã được đặt hàng, khoản đầu tư này sẽ tăng đội tàu phục vụ đường dài thêm 20% và là "một bước quan trọng hướng tới một đường sắt mạnh mẽ hơn".


Ông Lutz kết luận ‘Đường sắt là loại hình vận tải thân thiện với môi trường và chúng tôi đang nỗ lực mỗi ngày để đưa nhiều khách hàng hơn đến với đường sắt”.

Ban HTQT&KHCN dịch từ

Tạp chí Railway Gazette International, số tháng 9/2020