Hàn Quốc thông qua Kế hoạch đường sắt 10 năm trị giá 100 tỷ USD
Là một trong những quốc gia sở hữu mạng đường sắt hiện đại hàng đầu tại khu vực Châu Á, Hàn Quốc hiện sở hữu 4.129 km đường sắt, trong đó có 2.606 km đường đôi và 2.963 km đường điện khí hóa. Tháng 7 vừa qua, Bộ Đất đai, Kết cấu Hạ tầng và Vận tải (MOLIT) đã chính thức thông qua Kế hoạch Đường sắt Toàn quốc lần thứ 4 của Hàn Quốc, kêu gọi đầu tư 100 tỷ USD để mở rộng mạng đường sắt trong 10 năm tới. Mục tiêu chính của Kế hoạch này là tạo ra mạng đường sắt cạnh tranh để trở thành trung tâm dịch chuyển xanh tại Hàn Quốc.
Ngày 22/4/2021, Hàn Quốc đã công bố Kế hoạch Đường sắt Toàn quốc lần thứ 4 định hướng chiến lược đường sắt quốc gia trong tương lai. Sau khi được Ủy ban Công nghiệp Đường sắt xem xét; Bộ Đất đai, Kết cấu Hạ tầng và Vận tải (MOLIT) đã chính thức công bố thông qua kế hoạch mới vào ngày 5/7/2021, khẳng định rằng Hàn Quốc sẽ đầu tư 114,7 nghìn tỷ Won (99,88 tỷ USD) vào đường sắt.
Mặc dù các kế hoạch này được xây dựng cho giai đoạn 10 năm, nó được cập nhật 5 năm một lần kể từ khi kế hoạch đầu tiên được công bố vào năm 2006.
Kế hoạch lần thứ 4 mục đích tạo ra một mạng đường sắt cạnh tranh trở thành trung tâm dịch chuyển xanh tại Hàn Quốc. Để đạt được mục đích này, MOLIT đã vạch ra 7 mục tiêu chính:
- Tăng cường hiệu quả hoạt động đường sắt
- Kết nối các trung tâm lớn bằng đường sắt cao tốc
- Mở rộng các tuyến địa phương phía ngoài vùng thủ đô Seoul
- Giảm tắc nghẽn giao thông bên trong và xung quanh vùng thủ đô
- Tạo nền tảng phát triển công nghiệp
- Tạo ra môi trường thuận tiện và an toàn cho người sử dụng, và
- Chuẩn bị khôi phục các kết nối đường sắt với Bắc Triều Tiên và phần còn lại của Châu Á.
Kế hoạch mới nhất gồm 44 dự án cho 1.448 km đường sắt. Nhìn chung, MOLIT có kế hoạch nâng cao năng lực mạng đường sắt lên 125% để mở rộng mạng từ 4.274 km lên 5.341 km. Kế hoạch này bao gồm tăng tỷ lệ đường đôi từ 61,4% lên 78,3% và tăng chiều dài tuyến điện khí hóa từ 3.116 km lên 4.183 km.
Người phát ngôn của MOLIT nói “Nếu mạng đường sắt đạt được đúng theo Kế hoạch Đường sắt Toàn quốc lần thứ 4, các mạng đường sắt địa phương, tuyến chính, cao tốc sẽ được mở rộng lên cấp quốc gia. Chúng tôi mong đợi hiệu lực của chính sách như phát triển quốc gia cân đối, tăng cường khả năng cạnh tranh tại các khu vực đô thị lớn và thúc đẩy kết nối giữa các trung tâm địa phương.” MOLIT cũng cho rằng việc thực hiện kế hoạch sẽ tăng thị phần vận tải đường sắt từ 11,5% lên 17% vào năm 2030.
Kể từ khi khai trương các dịch vụ KTX cao tốc vào tháng 4/2004, Hàn Quốc đã chú trọng mở rộng mạng đường sắt cao tốc 300 km/h, hiện gồm 3 tuyến với tổng chiều dài 737,7 km. Khối lượng vận tải tăng 65% giai đoạn 2014-2019. Hàn Quốc cũng xây dựng một số tuyến tốc độ thấp hơn như tuyến Jungang, khu đoạn phía nam dài 133 km đã đưa vào khai thác tháng 1/2021 với tốc độ tối đa 250 km/h và tuyến Gyeonngang dài 120,3 km cũng với tốc độ tối đa 250 km/h.
Từ năm 2014, Hàn Quốc đã mở rộng mạng đường sắt địa phương thêm 13% nhưng việc di chuyển bên trong hoặc giữa các khu vực dân cư đông đúc vẫn mất nhiều thời gian do chạy tàu dừng đỗ lâu hoặc do các đoạn tuyến còn khuyết trong mạng. MOLIT cho rằng kế hoạch hướng đến đảm bảo năng lực lớn hơn cho đường sắt cao tốc giữa thủ đô và các tỉnh, và giữa các đầu mối địa phương lớn. Kế hoạch bao gồm mở rộng chạy tàu cao tốc bằng cách nâng tốc độ trên các tuyến hiện có, triển khai các tàu cao tốc mới và giảm mạnh thời gian đi lại giữa các đầu mối địa phương.
Các tuyến Jeolla, Honam, và Donghae sẽ được nâng cấp để chạy tàu cao tốc trong khi vùng bờ biển phía tây sẽ có tuyến cao tốc của riêng mình. Một tuyến chính quan trọng khác là tuyến chạy thẳng từ Gwangju đến Daegu, sẽ kết nối các khu vực lần đầu tiên bằng đường sắt cao tốc. Tuyến mới từ Samcheok, phía nam của Donghae đến Yeongdeok, phía bắc của Pohang trên bờ biển phía đông cũng đang được xây dựng. Tuyến này hiện đang được nâng cấp để vận hành tàu cao tốc trên toàn chặng từ Gangeneung đến Pohang.
Tại khu vực thủ đô, năng lực vận tải sẽ tăng giữa Seoul và Suseak, từ 255 lên 476 đoàn tàu/ngày. Suseak là nơi có đề-pô lớn nhất Hàn Quốc, nơi bảo trì các đoàn tàu khởi hành từ ga Seoul hoặc Yongsan. Năng lực vận tải giữa Gwangmyeong và Pyeongtaek cũng sẽ được tăng lên.
Các tuyến còn khuyết sẽ được xây dựng. Tuyến từ Mungyeong đến Jeomchon dừng vận hành từ năm 1995. Khu đoạn này sẽ được mở lại với một ga mới tại Mungyeong và một tuyến mới đang được xây dựng từ Mungyeong đến Bubal với đoạn đầu tiên từ Chungju đến Bubal dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 12/2021.
Theo kế hoạch, việc vận hành các đoàn tàu 150 km/h trên tuyến Sân bay Incheon sẽ giảm thời gian hành trình đến Seoul từ 66 phút xuống 55 phút với các đoàn tàu có dừng đỗ và từ 53 phút xuống 39 phút đối với các tàu tốc hành.
Ba tuyến mới theo kế hoạch tại khu vực Seoul gồm:
- Tuyến Gangil - Namyangju, giảm thời gian hành trình từ 64 xuống 14 phút
- Tuyến Siheung - Mokdong, giảm thời gian hành trình từ 45 xuống 15 phút, và
- Tuyến Incheon - Gwangmyeong đạt thời gian hành trình 33 phút so với 76 phút hiện tại.
Đây là các khu vực đông dân cư, mặc dù gần nhau nhưng di chuyển mất thời gian khi sử dụng các dịch vụ dừng đỗ hiện tại.
Tuyến GTX thứ tư
Kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt địa phương cao tốc GTX thứ tư tại Seoul, vấn đề được coi là bóng đá chính trị trong những năm qua, đã được khẳng định là một phần của kế hoạch mới mang lại sự chắc chắn hơn về vị trí của tuyến thứ tư này.
Theo kế hoạch, tuyến GTX-D sẽ được xây dựng tại thành phố lân cận Gimpo, từ Jangi đến Sân vận động Bucheon. Thay vì xây dựng tuyến khác tiến sâu vào Seoul, tuyến GTX-D sẽ kết nối trực tiếp với tuyến Songo - Maseok GTX-B tại Bucheon và sử dụng chung đường ray đến Seoul. Năng lực vận tải tối đa của tuyến GTX-B được thiết lập ở mức 270 đoàn tàu/ngày nhưng dự kiến ban đầu chỉ vận hành 92 đoàn tàu/ngày và thừa chỗ cho các đoàn tàu GTX-D. Nếu tuyến được xây dựng theo phương án này, thời gian hành trình từ Yongsan đến Seoul chỉ còn 28 phút.
Thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi đã từng đưa ra các phương án xây dựng GTX-D. Gyeonggi cần một tuyến 68 km chạy qua trung tâm thương mại Gangnam và kết thúc tại thành phố Hanam, nơi đang bùng nổ dân số với việc phát triển các khu dân cư mới. Trong khi đó, Incheon đề xuất tuyến dài 110 km kết nối Sân bay Quốc tế Incheon và Gimpo với nhánh riêng cho từng điểm đến. Cuối cùng, không đề xuất nào được chấp thuận. Mặc dù đã xác nhận về tuyến đường hiện tại, do bản chất dài hạn của kế hoạch, dự kiến vẫn tiếp tục kêu gọi xây dựng tuyến đến Gangnam.
Chi phí dự kiến của kế hoạch GTX hiện là 2,2 nghìn tỷ Won, trong khi các phương án của Gyeonggi và Incheon ước tính tương ứng 6,4 và 9,5 nghìn tỷ Won.
Có 11 dự án đường sắt địa phương, nhiều dự án trong số đó sẽ giảm thời gian hành trình giữa các thành phố và địa phương ít nhất 50% và cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân. Tại tỉnh Gyeongsang, tuyến từ Jinyeong tới cảng thành phố Ulsan sẽ giảm thời gian hành trình từ 2 giờ 15 phút xuống chỉ còn 37 phút, và tại Daegu một tuyến kết nối với thị trấn Uiseong sẽ giảm hành trình từ 1 giờ 58 phút xuống chỉ còn 29 phút.
Mục tiêu khác của kế hoạch là giảm ô nhiễm do tăng sử dụng đường sắt. Theo dự kiến, số lượng bụi mịn (PM2.5) sẽ giảm trên 204 tấn/năm nếu nhiều người di chuyển bằng đường sắt, trong khi đó khí thải CO2 sẽ giảm 6.781 tấn, NOx giảm 3657 tấn và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) giảm 536 tấn mỗi năm.
Cuối cùng, việc gia tăng sử dụng đường sắt sẽ giúp giảm số người bị thương và tử vong hàng năm do tai nạn đường bộ xuống tương ứng là 10.343 và 74 người.
Ban HTQT&KHCN dịch
(Tạp chí ĐS Quốc tế số tháng 8/2021)