OSZD: 60 năm trên con đường phát triển
Năm 2016 là một năm đáng nhớ đối với Tổ chức hợp tác đường sắt OSZD với ý nghĩa là năm kỷ niệm 60 năm thành lập của Tổ chức.
Những thay đổi trong khu vực Á-Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ II đem đến một nhu cầu trao đổi hành khách và hàng hóa ngày càng tăng giữa các quốc gia châu Âu và châu Á, trong những năm cuối thập kỷ 40 và những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX xuất hiện nhu cầu cấp bách phải có các tiêu chuẩn pháp lý và kinh tế thống nhất trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa trên các tuyến đường sắt quốc tế.
Trước tiên, việc xây dựng các văn bản đầu tiên về vận chuyển hành khách và hàng hóa trong liên vận quốc tế đã được thực hiện và thống nhất vào năm 1951.
- Hiệp định về vận chuyển hành khách và hành lý bằng đường sắt đi suốt quốc tế (MPS)
- Hiệp định về vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đi suốt quốc tế (MGS)
- Bản giá cước vận chuyển hành khách, hành lý và bao gửi bằng đường sắt đi suốt quốc tế (MPT)
- Bản giá cước quá cảnh thống nhất vận tải hàng hóa đi qua các nước mà các đường sắt là thành viên của Hiệp định về vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đi suốt quốc tế (ETT)
- Quy tắc sử dụng toa xe khách và toa xe hàng trong liên vận quốc tế (PPV)
- Quy tắc thanh toán cho các Hiệp định MPS và MGS
Các Hiệp định, quy tắc và bản giá cước có hiệu lực vào ngày 1 tháng 11 năm 1951. Việc quản lý MPS và MGS được giao cho đường sắt quốc gia Ba Lan. Để thực hiện chức năng này, một Văn phòng quản lý kinh doanh MPS-MGS được thành lập, trụ sở chính đặt tại Vacsava .
Vài năm sau đó, các Hiệp định, quy tắc và bản giá cước đã được thay đổi về cơ bản và những Hiệp định này đã được đổi tên thành SMPS (Hiệp định về liên vận hành khách đường sắt quốc tế) và SMGS (Hiệp định về liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế). Số lượng thành viên tham gia Hiệp định cũng tăng lên.
Trong thời gian này, hợp tác giữa các đường sắt tiếp tục phát triển. Khối lượng hành khách và hàng hóa chuyên chở bằng đường sắt đã tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, nhu cầu hợp tác trong các lĩnh vực khác của đường sắt cũng tăng lên và hình thành sự cần thiết trong việc xây dựng một cơ cấu ở mức độ cao hơn, tương xứng với với các yêu cầu về thời gian cũng như bao trùm mọi vấn đề trong ngành đường sắt, nhưng điểm chính là ở chỗ việc hợp tác phải được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp các bộ trưởng của các nước có liên quan, gặp gỡ định kỳ trong khuôn khổ của các phiên họp Hội nghị cấp Bộ trưởng.
Theo đó, vào tháng 6/1956 tại Sofia, thủ đô Cộng hòa Bungari, nước chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng giao thông đường sắt, các đoàn Hungary, CHDC Đức, CHND Trung Hoa, CH DCND Triều Tiên, Mông Cổ, Ba Lan, Rumani, Liên Xô và Tiệp Khắc đã nhất trí thành lập Tổ chức hợp tác đường sắt (OSZD). Đây là phiên họp đầu tiên của cơ quan lãnh đạo cao nhất của OSZD, cũng còn được gọi là Hội nghị Bộ trưởng. Ủy ban OSZD có trụ sở đặt tại Vacsava là cơ quan điều hành và lưu giữ tất cả các Hiệp định hiện hành trong khuôn khổ của OSZD.
Cùng với thời gian, số lượng thành viên của OSZD liên tục tăng lên và hiện tại đã lên tới 28 nước, gồm: Cộng hòa Azecbaizan, Cộng hoà Anbani, Cộng hoà Hồi giáo Afganistan, Cộng hoà Belarus, Cộng hoà Bungari, Hungary, Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hoà Gruzia, Cộng hoà Hồi giáo Iran, Cộng hoà Kazakhstan, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hoà Cu Ba, Cộng hoà Kyrgyz, Cộng hoà Latvia, Cộng hoà Latvia, Cộng hoà Litvia, Cộng hoà Mônđôva, Mông Cổ, Cộng hoà Ba lan, Liên Bang Nga, Rumani, Cộng hòa Slovakia, Cộng hoà Tajikistan, Turkmenistan, Cộng hoà Uzbekistan, Ucraina, Cộng hoà Séc, Cộng hoà Estonia.
Ngoài các quốc gia thành viên, OSZD còn có sự tham gia của 7 đường sắt với tư cách quan sát viên, gồm: Pháp (SNCF), Đức (DB AG), Phần Lan (VR), Serbia (ZS), Hy Lạp (OSE), Công ty Áo – Hung (GySEV), Công ty Hành khách Liên bang (FPC JSC, Nga).
Tư cách thành viên liên kết được trao cho các công ty, viện, tổ chức của các nước thành viên của OSZD cũng như của các nước châu Âu và châu Á khác (Cộng hòa Armenia và Hàn Quốc) có tham gia vào các hoạt động vận tải đường sắt. Tính đến năm 2016, số lượng thành viên liên kết của OSZD là 40 và con số này sẽ tiếp tục gia tăng.
Cơ quan làm việc OSZD gồm có 05 Ban chuyên môn và 02 Nhóm công tác thường trực:
- Ban Chính sách vận tải và Chiến lược phát triển;
- Ban Luật vận tải;
- Ban Vận tải hàng hóa;
- Ban Vận tải hành khách;
- Ban Cơ sở hạ tầng và Đầu máy toa xe;
- Nhóm công tác thường trực về Mã hóa và Công nghệ thông tin;
- Nhóm công tác thường trực về Tài vụ và thanh toán;
Những thay đổi về mô hình tổ chức và cơ cấu hoạt động của một số đường sắt quốc gia thành viên OSZD dẫn đến kết quả một số đường sắt chuyển sang mô hình thực thể kinh tế độc lập. Vì vậy, tại Hội nghị Bộ trưởng OSZD lần thứ XX tổ chức tại Ulan Bator (Mông Cổ) năm 1992 các đoàn đã nhất trí thành lập một cơ quan lãnh đạo mới cấp doanh nghiệp đường sắt, với tên gọi “Hội nghị Tổng giám đốc (Đại diện ủy quyền) của các đường sắt OSZD”
Khác với các điều kiện giao thông tại Châu Âu, các tuyến đường sắt giữa các quốc gia thành viên OSZD có đặc điểm là khoảng cách tương đối xa (8000-10.000 km), đi qua các vùng khí hậu khác nhau (bao gồm cả những khu vực có khí hậu khắc nghiệt) và trên cùng một tuyến có các khổ đường khác nhau (1.435mm, 1.520mm). Vào thời điểm thành lập, tổng chiều dài các tuyến đường sắt đang vận hành của các nước thành viên OSZD là khoảng 227.000km, đến nay tổng chiều dài đã tăng lên 281.215,8km, cùng với đó là khoảng 4 tỷ lượt hành khách và 6 tỷ tấn hàng hóa được chuyên chở mỗi năm.
Các nước tham gia vận tải giữa châu Âu và châu Á có luật pháp riêng. Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng và thông qua trong khuôn khổ OSZD đã cung cấp những khuôn khổ pháp lý thống nhất trong liên vận quốc tế Âu Á mà đỏi hỏi sự hoàn thiện và hài hòa về các điều kiện vận tải, giá cước, thủ tục hải quan, quy định về sử dụng chung toa xe khách và toa xe hàng, thông tin và hỗ trợ kỹ thuật, thanh toán giữa các đường sắt và nhiều vấn đề khác. Để giải quyết vấn đề này, OSZD đã triển khai nhiều hoạt động nhắm đến phát triển liên vận quốc tế, bao gồm cả liên vận hỗn hợp Âu Á cũng như làm tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả của vận tải đường sắt.
Năm 2006, tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ XXXIV được tổ chức tại Sophia (Bungari), OSZD đã tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập. Trong lễ kỷ niệm, OSZD đã điểm lại kết quả hoạt động của tổ chức trong 50 năm cũng như đặt ra những mục tiêu cho một thập kỷ tiếp theo (2006-2016), gồm:
- Nâng cao trình độ vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt của các nước thành viên OSZD;
- Tiến hành sửa đổi cơ bản Hiệp định SMGS hiện hành với mục đích sát với thực tế hiện nay: bản sửa đổi bổ sung của SMGS có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2015;
- Thực hiện dự án liên kết giữa OSZD/CIT áp dụng việc sử dụng vận đơn CIM/SMGS thống nhất và mở rộng phạm vi áp dụng nhằm tạo thuận lợi vận chuyển qua biên giới bằng đường sắt như giảm thời gian và chi phí.
- Thực hiện khối lượng công việc lớn trong việc phát triển một Công ước mới về liên vận quốc tế đi suốt bằng đường sắt, bao gồm các xu hướng của các mối quan hệ pháp lý đường sắt tiên tiến và nâng cao đáng kể vị thế của OSZD như là một tổ chức liên chính phủ.
- Tích cực tham gia UNECE nhằm hướng đến một bộ luật vận tải đường sắt thống nhất;
- Thực hiện các công việc trong một phạm vi lớn nhằm hoàn thiện hành lang đường sắt OSZD thông qua việc giám sát, phát triển và các kế hoạch tổng hợp để hoàn thiện việc khai thác, nhận diện và loại bỏ những nút thắt, phát triển giấy thông hành kỹ thuật và khai thác, ký Bản ghi nhớ cho 13 hành lang OSZD bao gồm hợp tác trên lĩnh vực kỹ thuật, khai thác và phát triển;
- Dự thảo Công ước về tạo điều kiện thuận lợi thông qua biên giới bằng đường sắt;
- Thực hiện các công việc liên quan đến chuẩn bị và triển khai Phụ lục 9 về “Tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục qua biên giới liên vận quốc tế bằng đường sắt” trong Công ước quốc tế về việc đơn giản hóa việc kiểm soát hàng hóa tại biên giới (1982)”;
- Triển khai các công việc liên quan đến việc phát triển 280 đoàn tàu container chuyên tuyến tại các nước thành viên OSZD;
- Sửa đổi ETT và MPT phù hợp với bản cập nhật SMGS mới;
- Soạn thảo hơn 500 tiêu chuẩn công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và đầu máy toa xe;
- Phát triển hệ thống trao đổi thông tin mới trong liên vận đường sắt quốc tế và giới thiệu công nghệ không dùng giấy;
- Triển khai các hoạt động hợp tác với EU trong việc tương tác giữa hai hệ thống khổ đường 1.435mm và 1.520mm;
- Thiết lập sự hợp tác gần gũi và hiệu quả với các tổ chức quốc tế;
- Nâng tầm nhận thức và ảnh hưởng của OSZD tại các nước thành viên OSZD cũng như tại các tổ chức quốc tế.
Năm 2015 trở thành cột mốc thời gian có ý nghĩa trong lịch sử của OSZD: quá trình hoàn thiện các hệ thống văn bản tài liệu, bao gồm hoàn tất sửa đổi các Hiệp định SMGS và SMPS, hoàn thành sửa đổi bổ sung trong thời gian này dự thảo về Công ước Liên vận Quốc tế đi suốt liên quan đến mọi hiệp định, hợp đồng, quy tắc và tài liệu trong khuôn khổ OSZD.
Các hoạt động của Tổ chức nhắm tới các mục tiêu chính là phát triển và hoàn thiện liên vận đường sắt quốc tế giữa châu Âu và châu Á và làm tăng hiệu quả và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ mặc dù điều kiện thị trường các nước còn gặp nhiều khó khăn. trên hết, những hoạt động này bao gồm hoàn thiện, đơn giản hóa và thống nhất luật vận tải và các quy tắc, tiêu chuẩn về kỹ thuật, sự phát triển các hành lang đường sắt, quy tắc giá cước tốt hơn, tạo điều kiện thông thoáng qua cửa khẩu biên giới, sự thống nhất vận đơn CIM/SMGS nhằm giảm thời gian và chi phí tại biên giới, phát triển vận tải container, vận tải hỗn hợp và những vấn đề khác.
OSZD tích cực phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế trong lĩnh vực vận tải đường sắt như UNECE, UNESCAP, DG MOVE của Ủy ban châu Âu, OTIF, CIT, EAEC, UIC, ERA, CCTT, UITP, FIATA, FTE v.v.. . Việc cộng tác với các tổ chức này mang lại những kết quả tích cực nhằm xử lý những vấn đề trong vận tải liên vận quốc tế và giải quyết hàng loạt các vấn đề mở rộng.
Việc hiểu biết rộng về tiến trình và những yêu cầu mang tính toàn cầu như bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ làm cho vị thế của OSZD được nâng cao trong vận tải đường sắt liên vận quốc tế.
Thay mặt cho Ủy ban OSZD, nhân dịp này tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến các Bộ trưởng và người đứng đầu các cơ quan đường sắt, các chuyên viên, chuyên gia và nhân viên ngành đường sắt, các công ty vận tải hàng hóa, các nhà chế tạo phương tiện giao thông và thiết bị đường sắt và những người tham gia vận tải liên vận quốc tế trong khuôn khổ OSZD và nhiệt liệt chúc mừng nhân dịp 60 năm Tổ chức Hợp tác đường sắt được thành lập và gửi các bạn lời chúc tốt đẹp nhất, vì sự phồn vinh của đất nước và đường sắt mang lại lợi ích cho nhân loại.
Ban HTQT&KHCN dịch từ Tập san OSZD
(Số tháng 01/2016)