14:16 | 14/08/2020

Tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đối với vận tải đường sắt

Tháng 2/2020, Hiệp hội Đường sắt Quốc tế (UIC) đã thành lập Lực lượng đặc biệt để làm việc với các thành viên, chuyên gia và hiệp hội vận tải đường sắt để chia sẻ và cung cấp thông tin liên quan đến khủng hoảng hiện nay do virút Corona (Covid-19) gây ra và hậu quả của nó đối với ngành đường sắt. Bài viết này được in trong Ấn phẩm số tháng 7/2020 “Đánh giá đầu tiên về tác động kinh tế toàn cầu của COVID-19 đối với ngành đường sắt” do Lực lượng đặc biệt của UIC phát hành.

Bên cạnh các yêu cầu về vận hành, các giải pháp vệ sinh được bổ sung để bảo vệ nhân viên, hành khách và ngăn chặn sự lây lan của virus, các thành viên Lực lượng đặc biệt đã đặt câu hỏi về tác động kinh tế đối với ngành đường sắt cả về vận tải hàng hóa và hành khách. Tài liệu này ước tính tác động lên doanh thu của đại dịch Covid-19 với ngành đường sắt.

Các thành viên Lực lượng đặc biệt của UIC đã báo cáo về việc gián đoạn và phục hồi dịch vụ vận tải trong thời gian giãn cách xã hội cũng như thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của từng quốc gia. Trên toàn cầu, việc hạn chế các dịch vụ vận tải và di chuyển cá nhân cùng với khuyến cáo của chính phủ về hạn chế đi lại đã làm giảm khoảng 80% lượng hành khách đi tàu trong thời gian giãn cách xã hội. Với vận tải hành khách liên vận quốc tế, khối lượng hành khách của tất cả các đơn vị vận tải đã giảm 100% do đóng cửa biên giới đối với khách quốc tế. Khối lượng vận chuyển hàng hóa của các đơn vị vận tải đường sắt cũng bị ảnh hưởng với tổn thất ước tính trung bình từ 10-15%.

Do mức độ nghiêm trọng của giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và dự kiến suy thoái kinh tế toàn cầu, UIC đã nghiên cứu hai kịch bản vận chuyển hàng hóa và hành khách trong nửa cuối năm 2020 và cả năm 2021 gồm: phục hồi chậm và phục hồi nhanh như mô tả dưới đây.

UIC đã tạo cơ sở dữ liệu bằng cách sử dụng dữ liệu kinh tế từ các tổ chức quốc tế khác nhau. Mô hình kinh tế lượng được lập ra và thử nghiệm bằng phần mềm kinh tế do Đại học Milan Bicocca (SPSS, STATA) nghiên cứu cùng với việc sử dụng các nguồn sau:

  • Dữ liệu doanh thu được các thành viên UIC cung cấp thường xuyên và hàng năm là cơ sở chính để Tổ thống kê của UIC tính toán. Năm 2019 được lấy làm năm tham chiếu để tính doanh thu năm 2020 và 2021.
  • Dữ liệu chi tiết về các khoản lỗ doanh thu xuất hiện trong năm 2020 và các khoản ước tính đến cuối năm 2021 được các thành viên trực tiếp cung cấp cho Lực lượng đặc biệt.
  • Ấn phẩm Outlook tháng 6 năm 2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đã xem xét kịch bản giả thuyết kép với viễn cảnh tác động đơn và tác động kép.
  • Dữ liệu từ nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB về tác động nhẹ và tác động nghiêm trọng đến tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Châu Âu.
  • Ấn phẩm Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4 năm 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (Ấn phẩm tháng 6/2020 đã phát hành và sẽ được xem xét trong bản cập nhật tiếp theo của tính toán).
  • Ấn phẩm Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới WB.

Trong mô hình kinh tế hiện nay, xét tình hình biến động chưa từng có đang diễn ra phức tạp và thay đổi mỗi ngày, UIC đã xem xét hai kịch bản sau:

  • Phục hồi chậm

Kịch bản đầu tiên xét đến nhu cầu đi lại giảm sút vào cuối năm nay do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu lên việc làm và lòng tin, sẽ ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa. Theo kịch bản này, phục hồi chậm của ngành đường sắt diễn ra vào nửa cuối năm 2020 và trong năm 2021. Nhu cầu hành khách cả năm ​​dự kiến giảm trung bình 30% trong khi vận tải hàng hóa dự kiến ​​giảm trung bình 10% so với năm 2019. Ngoài ra, lòng tin của hành khách được cho là vẫn ở mức thấp, điều này có thể được giải thích bằng việc các công ty vận tải  quyết định tiếp tục hoạt động trong khi nguy cơ lây lan Covid-19 còn cao. Trong kịch bản này, chi phí của ngành đường sắt gồm: chi phí cố định ở mức cao, việc sử dụng đầu máy toa xe ở mức thấp hơn vẫn cần chi phí: bảo dưỡng nhẹ, giữ ắc quy ở mức sạc có thể sử dụng, đảm bảo an ninh và an toàn cho các đoàn xe được đặt ở vị trí xa ...

  • Phục hồi nhanh

Kịch bản thứ hai giả định khủng hoảng tiếp tục sau hạn chế đi lại, kéo dài vài tháng trong nửa cuối năm 2020 và kinh tế phục hồi dần dần trong năm 2021. Doanh thu hành khách được cho là giảm trong năm 2020 với tốc độ tương tự như tốc độ trong kịch bản phục hồi chậm (giảm 1/3 doanh thu năm 2020 so với 2019) và doanh thu vận tải hàng hóa cũng vậy (giảm 10% doanh thu  năm 2020 so với 2019). Trong kịch bản này, mặc dù suy thoái nặng nề và lòng tin của khách du lịch bị giảm sút nhưng các gói cứu trợ của chính phủ cho môi trường được kỳ vọng giúp tăng nhu cầu hành khách trong năm 2021 với các mức độ khác nhau tùy theo quốc gia và năng lực phục hồi của họ. Theo kịch bản này, nhu cầu vận chuyển hành khách cả năm 2021 dự kiến giảm trung bình 4% trong khi vận chuyển hàng hóa dự kiến ​​giảm trung bình 3% so với năm 2019.

Ngoài ra, UIC đã tiến hành khảo sát và thu thập dữ liệu trực tiếp từ các thành viên liên quan đến tổn thất/doanh thu tổn thất và dữ liệu đầu vào tương ứng được tích hợp trực tiếp trong mô hình kinh tế.

Khi các thành viên UIC tiếp tục cung cấp số liệu doanh thu cập nhật, cơ sở dữ liệu tương ứng của UIC sẽ tiếp tục được cập nhật, qua đó đánh giá điều chỉnh về tác động kinh tế của Covid-19 với vận tải đường sắt sẽ được công bố thường xuyên.

Tài liệu này đề cập đến các tác động kinh tế liên quan đến ba khu vực trên thế giới:

  • Châu Á - Thái Bình Dương, nơi có doanh thu lớn nhất từ vận chuyển hành khách là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
  • Châu Âu, bao gồm Nga.
  • Phần còn lại của thế giới bao gồm Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Trung Đông, chủ yếu là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Phi.

Điều quan trọng cần lưu ý là tài liệu này không đề cập đến tình hình luân chuyển dòng tiền khó khăn trong bối cảnh doanh thu thấp hoặc thậm chí không có doanh thu và tình hình ngày càng xấu đi khi lượng hành khách yêu cầu trả lại vé ngày càng tăng. Trong thực tế, có một lượng lớn hành khách thường chọn hoàn trả bằng tiền mặt thay vì phiếu trả tiền ngay khi nhận được thông tin về chuyến tàu bị hủy hoặc sau khi hành khách quyết định không đi tàu. Hơn nữa, tài liệu này không đề cập đến hậu quả tác động của việc thực hiện các giải pháp phòng dịch Covid-19 như làm sạch và khử trùng đặc biệt, cung cấp thiết bị bảo hộ cho nhân viên tuyến đầu và nhân viên văn phòng có thể làm ngành đường sắt phải gánh chịu các khoản chi bổ sung, không nằm trong kế hoạch.