15:45 | 16/04/2021

Thế giới đang hướng tới phương thức vận chuyển bằng đường sắt

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tìm cách phát triển các phương thức vận tải tối ưu, các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.  Mới đây, 2 quốc gia châu Âu là Pháp và Đức khởi động chương trình tăng cường sử dụng vận tải đường sắt để từng bước giảm chất phát thải gây ô nhiễm không khí và khí nhà kính từ hoạt động giao thông vận tải.

Các nghị sĩ tại Quốc hội Pháp vừa bỏ phiếu thông qua việc hủy các chuyến bay nội địa trên những tuyến bay có thể thay bằng đường sắt với thời gian dưới 2,5 giờ. Biện pháp trên là một phần của dự luật khí hậu hướng tới mục tiêu đến năm 2030 Pháp giảm 40% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 1990.

Bỏ qua những chỉ trích của ngành hàng không cho rằng hiện không phải lúc để cấm các chuyến bay nội địa mà cần thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, Bộ trưởng Công nghiệp Agnes Pannier-Runacher khẳng định, không có mâu thuẫn nào giữa việc cứu trợ và cắt giảm khí thải. Phát triểu trên đài Europe 1, bà Pannier-Runacher nói: “Chúng ta đều biết hàng không là ngành thải khí CO2 và cũng hiểu rằng vì biến đổi khí hậu nên chúng ta phải giảm khí thải. Để đảm bảo công bằng, chính phủ đã tăng hỗ trợ các công ty hàng không”.

Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey dự báo, từ nay tới năm 2024, việc đi lại bằng đường hàng không tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Pháp, khó trở lại mức trước khi bùng phát dịch. Đây là lần thông qua đầu tiên đối với dự luật trên. Dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Pháp trước khi bỏ phiếu lần thứ ba và là lần cuối cùng tại Hạ viện.

Ngày 15/4, nhà điều hành đường sắt nhà nước Deutsche Bahn (DB) và Hiệp hội Hàng không Đức (BDL) đã khởi động một chương trình chung nhằm tăng cường liên kết giữa hai phương thức vận tải nhằm giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong lĩnh vực giao thông.

Thông báo chung cho biết BDL và DB đặt mục tiêu thu hút khoảng 4,3 triệu lượt hành khách chuyển từ sử dụng đường không sang đường sắt cho hoạt động di chuyển nội địa trong trung hạn.

Chương trình cũng sẽ tìm cách tăng số lượng chuyến tàu kết nối với chuyến bay quốc tế, giúp việc chuyển giao giữa hoạt động di chuyển bẳng máy bay và tàu hỏa dễ dàng hơn, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển bằng đường sắt giữa các thành phố lớn của Đức. Thông qua chương trình hợp tác này, BDL và DB hy vọng rằng lượng khí thải CO2 từ hoạt động giao thông hàng không nội địa của Đức có thể giảm được 1/6.

Theo Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Đức, lượng phát thải trong lĩnh vực giao thông của nước này trong năm 2020 đã giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước đó, chủ yếu nhờ người dân ít sử dụng ô tô hơn -  đặc biệt cho các chuyến đi đường dài - trong lần phong tỏa đầu tiên.

Chính phủ Đức đang đặt mục tiêu giảm gần 42% lượng khí thải trong lĩnh vực giao thông vào năm 2030 so với mức năm 1990.