Thông cáo báo chí của Hiệp hội ĐS Quốc tế tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 89
Tại phiên họp Đại hội đồng UIC lần thứ 89 tổ chức ở Saint Petersburg ngày 01/12/2016, ông Renato MAZZONCINI, Giám đốc điều hành Đường sắt Quốc gia Ý (FS) đã được bầu là Chủ tịch mới của UIC thay ông Oleg BELOZEROV, Chủ tịch RZD trong nhiệm kỳ hai năm 2017-2018 (Ông Oleg BELOZEROV mới được bầu là Chủ tịch UIC Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 11/2016). Đại hội đồng UIC cũng nhất trí bầu ông Isa APAYDIN, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Đường sắt Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (TCDD) và hiện là Chủ tịch UIC Khu vực Trung Đông giữ chức Phó Chủ tịch mới của UIC.
Ông Renato MAZZONCINI, Chủ tịch mới được bầu của UIC, đã phát biểu “Trước hết, với tư cách cá nhân và thay mặt cộng đồng đường sắt quốc tế, tôi xin trân trọng cám ơn những đóng góp to lớn và vai trò quan trọng mà ông Oleg BELOZEROV đã đảm nhận từ tháng 8/2015 khi được bổ nhiệm thay thế ông Vladimir YAKUNIN, nguyên Chủ tịch Đường sắt Nga và Chủ tịch UIC. Gánh vác vai trò quan trọng ở tầm quốc tế trong những thời điểm đầy thử thách đã chứng tỏ Đường sắt Nga luôn chú trọng phát triển các giá trị của UIC là THỐNG NHẤT, ĐOÀN KẾT và TOÀN CẦU HÓA. Tôi cũng xin ghi nhận vai trò của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) và ông Jean-Pierre LOUBINOUX về những đóng góp trong việc khôi phục uy tín của UIC vào những thời điểm khó khăn. Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với ông SEINO, Chủ tịch JR East, về những nỗ lực này".
Ông nói tiếp: "Các chương trình đầu tư lớn cho đường sắt đang được tiến hành hoặc dự kiến ở mức độ toàn thế giới. Liên minh Châu Âu đang tiếp tục theo đuổi Các hành lang Vận tải Xuyên Châu Âu trong gần 20 năm qua và gần đây đưa ra kế hoạch JUNCKER có thể giúp đầu tư vào công nghệ đường sắt. Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã phát triển hệ thống đường sắt cao tốc ấn tượng với các khoản đầu tư khổng lồ. Tổng thống mới đắc cử của Mỹ cũng đang đề xuất đầu tư nhiều hơn vào đất nước của họ. Ấn Độ sắp thực hiện một dự án đường sắt mới. Tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới đang xem xét phát triển những hành lang mới gồm đường sắt cao tốc, trong đó có Nga - quốc gia có các tuyến đường dài với nhiều thách thức hơn. Trong bối cảnh này, UIC được xem là đóng vai trò trọng yếu để tập hợp, phổ biến kinh nghiệm và tư vấn. Các hành lang liên lục địa sẽ tiếp tục là chủ đề thường xuyên của Hiệp hội của chúng ta, bộ phận kết cấu hạ tầng sẽ luôn quan tâm đến đường sắt và các hành lang đa phương thức, vận tải hàng hóa và vận tải hành khách".
Liên quan đến vai trò toàn cầu của UIC, ông nói thêm: "Hợp tác của UICc với các Cơ quan của Liên Hợp Quốc và việc phân lại vai trò tư vấn của UIC giữa các tổ chức phi chính phủ đang cho chúng ta cơ hội ảnh hưởng hơn nữa tới các chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc như hành lang liên lục địa, hội nghị COP22 gần đây và tham gia vào báo cáo Triển vọng Giao thông Vận tải Bền vững Toàn cầu có tiêu đề "Huy động Vận tải Bền vững cho Phát triển" do Nhóm Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Giao thông vận tải bền vững công bố.
Ông MAZZONCINI tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của đa phương thức và việc hợp tác với tất cả các đối tác tham gia vào hệ thống vận tải: "Tin tưởng vào công việc mà chúng tôi đã thực hiện nhằm xây dựng một phương thức vận tải đô thị bền vững, đường sắt cần phải hợp tác với tất cả các bên liên quan trong khu vực công để đưa ra những giải pháp tốt hơn cho khách hàng của chúng ta. Bốn tỷ trong số bảy tỷ người trên toàn cầu sống tại các thành phố lớn. Những con số này cho chúng ta tín hiệu đúng rằng cộng đồng đường sắt có nhiều cơ hội hơn trong cuộc chiến chống ùn tắc, ô nhiễm và tiếng ồn. Tôi tin rằng UIC phải nghiên cứu thêm vấn đề này ở mức độ toàn cầu cùng với các tổ chức như Hiệp hội quốc tế vận tải công cộng (UITP) và tất cả các tổ chức có năng lực về Giao thông và Di chuyển”.Ông Isa APAYDIN, Phó Chủ tịch mới của UIC đã gửi tới các thành viên UIC bài phát biểu như sau: "Tôi cảm thấy vinh dự được bầu là Phó Chủ tịch UIC, tôi cũng sẽ đón nhận cơ hội tuyệt vời này để cống hiến vì lợi ích chung của toàn bộ gia đình đường sắt theo các nguyên tắc truyền thống của UIC". Ông nói tiếp: "Trong thế giới toàn cầu hóa, bằng cách nhấn mạnh sức sống của các chính sách đường sắt bền vững cũng như phát triển và hợp tác khu vực; yêu cầu về liên kết và vận hành tương hỗ các dự án được thực hiện tại mỗi quốc gia thành viên về việc sử dụng có hiệu quả các hành lang đường sắt quốc tế; tiêu chuẩn hóa; đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển đường sắt và không thể thiếu việc lồng ghép số hóa; Tôi đặc biệt tin tưởng vào sự cần thiết để các đường sắt thân thiện với môi trường đảm nhận vị trí xứng đáng so với các phương thức vận tải khác. Với mục tiêu này, mặc dù chúng ta có hệ thống khác nhau nhưng các đối thoại, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong diễn đàn của UIC sẽ giúp chúng ta tiếp tục có những bước tiến xa hơn trong ngành đường sắt thế giới”.