13:47 | 07/06/2016

Thụy Sỹ khánh thành hầm ĐS dài nhất và sâu nhất thế giới

Hầm đường sắt dài nhất và sâu nhất thế giới đã chính thức được khai trương ngày 01/6/2016 tại Thụy Sỹ sau gần hai thập kỷ xây dựng. Hầm đường sắt này sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong vận tải hàng hóa tại Châu Âu bởi các đoàn tàu sẽ vận chuyển khối lượng hàng hóa thay khối lượng do hàng triệu xe tải vận chuyển mỗi năm.

Với chiều dài 57 km (khoảng 35 dặm), hầm đường sắt tại Thụy Sỹ đã vượt qua hầm đường sắt Seikan dài 53,9 km của Nhật Bản để trở thành hầm đường sắt dài nhất trên thế giới và đưa Đường hầm qua biển dài 50,5 km nối Anh và Pháp vào vị trí thứ ba.

Thụy Sỹ khánh thành hầm ĐS dài nhất và sâu nhất thế giới xuyên qua dãy núi Alps, kết nối mạng ĐS cao tốc giữa miền bắc và miền nam Châu Âu

Trong bài phát biểu với các quan khách tại Erstfeld, gần lối vào phía Bắc của đường hầm, Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ, ông Johann Schneider-Ammann nói rằng “đây không chỉ là một bước tiến khổng lồ cho Thụy Sỹ mà còn cho các nước láng giềng và phần còn lại của Châu Âu".

Sau lễ khánh thành, hai đoàn tàu đầu tiên chính thức lăn bánh từ hai hướng ngược nhau xuyên qua đường hầm, mỗi đoàn tàu chở hàng trăm hành khách, những người đã may mắn giành được vé đi tàu trong một buổi rút thăm trúng thưởng.  

Sau đó, một chương trình nghệ thuật hoành tráng với sự tham gia của các vũ công, diễn viên nhào lộn, ca sĩ và nhạc sĩ đã được trình diễn cho các quan khách có mặt tại Erstfeld. Các nhà lãnh đạo Châu Âu, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Thủ tướng Áo Christian Kern cũng tham dự sự kiện này.

Dự án đường hầm đôi Gotthard có tổng chi phí xây dựng hơn 12 tỷ USD đã được các cử tri Thụy Sỹ tán thành trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1992. Hai năm sau đó, các cử tri đã ủng hộ đề xuất từ các nhóm môi trường trong việc chuyển từ đường bộ sang đường sắt tất cả hàng hoá qua Thụy Sỹ. Đường hầm được hoàn thành có hành trình dài đến 2,3 km dưới bề mặt của núi, nằm phía trên và đi qua khối đá có nhiệt độ lên tới 460C. Các kỹ sư đã phải đào và kích nổ khoảng 73 loại đá khác nhau, trong đó một số loại rắn như đá granite và một số khác thì lại mềm như đường. Hơn 28 triệu tấn đá đã được đào rồi sau đó được đập nhỏ để làm bê tông sử dụng cho việc xây đường hầm.

Theo dự kiến, sẽ có khoảng 260 đoàn tàu hàng và 65 đoàn tàu khách sẽ chạy qua hầm mỗi ngày với hành trình ngắn nhất là 17 phút. Khi toàn bộ các dịch vụ được đưa vào vận hành vào tháng 12/2016, hành trình cho du khách đi từ Zurich đến Milan sẽ giảm một giờ, xuống còn 2 giờ 40 phút.

Theo BBC