Trao đổi thông tin

11:55 | 24/10/2015

Trả lời bạn Trần Long về việc giải quyết khi xảy ra sự cố TNGT ĐS

Bạn đọc có địa chỉ: tranlong.tbct80@gmail.com hỏi: Đề nghị Tổng công ty ĐSVN cho biết: Khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông ĐS, chức  danh (ai) là người chủ trì giải quyết sự cố, tai nạn; thành phần hội đồng tham gia giải quyết sự cố, tai nạn giao thông ĐS; quy định về công tác điều tra, phân khai, quy trách nhiệm khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông ĐS ?.

Trả lời: Ngày 11 tháng 9 năm 2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ban hành Quyết định 1335/QĐ – ĐS về Quy chế (tạm thời) về phối hợp công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sụ cố, tai nạn giao thông đường sắt (GTĐS). Theo đó, Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN giao Lãnh đạo các Chi nhánh Khai thác ĐS (KTĐS) làm Chủ tịch Hội đồng giải quyết tai nạn để giải quyết các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn quản lý. Căn cứ vào mức độ và tình hình các vụ tai nạn GTĐS, Chủ tịch Hội đồng giải quyết tai nạn GTĐS (là lãnh đạo Chi nhánh KTĐS) sẽ chỉ định người chủ trì giải quyết tai nạn GTĐS. Trường hợp đặc biệt, Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN quyết định thành lập Hội đồng giải quyết tai nạn và chỉ định Chủ tịch Hội đồng giải quyết tai nạn.

Thành phần Hội đồng giải quyết tai nạn GTĐS bao gồm đại diện Lãnh đạo các đơn vị liên quan đến tai nạn. Đối với các vụ tai nạn chạy tàu gây trật bánh, đổ phương tiện giao thông ĐS; các vụ tai nạn làm gián đoạn chạy tàu nhiều giờ phải tổ chức cứu nạn; cứu hộ phương tiện GTĐS; cứu hộ, sửa chữa hư hỏng về kết cấu hạ tầng (cầu, đường, thông tin tín hiệu ĐS), Lãnh đạo các đơn vị bắt buộc phải có mặt tại hiện trường để tham gia Hội đồng giải quyết tai nạn (trừ Trung tâm Điều hành GTVTĐS), bao gồm: Chi nhánh KTĐS, Lãnh đạo ga 2 đầu khu gian; Công ty TNHH MTV QLĐS; đơn vị trực tiếp quản lý các tổ cứu hộ; đơn vị quản lý phương tiện GTĐS bị tai nạn (trừ đơn vị quản lý toa xe vận dụng khác khu vực); Công ty TNHH MTV TTTHĐS (khi tai nạn làm hư hỏng thiết bị thông tin tín hiệu). Khi xảy ra tai nạn đổ tàu, tai nạn có nhiều người chết, nhiều người bị thương hoặc gây gián đoạn chạy tàu phải chuyển tải hành khách thì Lãnh đạo Công ty TNHH MTV VTĐS, lãnh đạo các Ban ATGTĐS, VT, ĐMTX, QLKCHTĐS của Tổng công ty ĐSVN phải đến hiện trường để chỉ đạo. Ngoài ra, tuỳ mức độ tai nạn, Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN sẽ cử Lãnh đạo trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo.

Về công tác điều tra, phân tích sự cố, tai nạn GTĐS: Theo quy định tại Quyết định 1336/QĐ – ĐS ngày 11 tháng 9 năm 2015 của Tổng công ty ĐSVN “Quy định (tạm thời) về điều tra, phân tích sự cố, tai nạn GTĐS và phân tích quá trình tổ chức cứu hộ, cứu nạn”. Về nguyên tắc, tất cả các sự cố, tai nạn (không phân biệt chủ quan hay khách quan) và công tác cứu hộ, cứu nạn đều phải được điều tra, phân tích tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm (trừ các trường hợp sự cố, tai nạn mà các cơ quan thẩm quyền nhà nước thụ lý giải quyết). Đối với sự cố, tai nạn chỉ liên quan đến một đơn vị thì đơn vị tự tổ chức điều tra, phân tích và và xử lý theo quy định. Đơn vị sau khi phân tích và xử lý kết quả phải gửi về Ban ATGTĐS Tổng công ty ĐSVN. Đối với sự cố, tai nạn mang tính chất nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đơn vị, chưa phân khai được trách nhiệm thì Ban ATGTĐS phải tổ chức điều tra phân tích. Đối với các vụ sự cố, tai nạn trong quá trình điều tra, khám nghiệm tại hiện trường; nếu đã rõ nguyên nhân gây sự cố, tai nạn thì đơn vị hoặc người chủ trì lập biên bản báo cáo đề nghị Chủ tịch Hội đồng giải quyết tai nạn không tiến hành các bước điều tra tiếp theo và kết luận nguyên nhân, quy trách nhiệm vào biên bản ngay tại hiện trường. Căn cứ kết luận của (trong) biên bản, Ban ATGTĐS sẽ ra thông báo kết luận nguyên nhân vụ tai nạn.

Lê Chính 

Ban ATGTĐS (tổng hợp)