Khoa học - Công nghệ

11:14 | 20/01/2020

Đề án Ứng dụng Khoa học công nghệ trong Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030

Trước yêu cầu phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế - xã hội của đất nước và sự phát triển nhanh chóng của KHCN đòi hỏi Tổng công ty ĐSVN cần phải có bước đi quyết liệt, mạnh mẽ không thể chậm hơn trong đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các tiến bộ KHCN vào mọi lĩnh vực hoạt động từ Tổng công ty đến các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp liên kết góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Đường sắt, đáp ứng được yêu cầu là ngành xương sống trong hệ thống giao thông vận tải quốc gia, góp phần quan trọng trong phát triển ngày càng bền vững nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu cùng kinh tế quốc tế. Ngày 27/12/2019, Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phê duyệt và ban hành Đề án “Ứng dụng Khoa học công nghệ trong Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030” (Đề án) tại Quyết định số 1754/QĐ-ĐS.

Mục tiêu của Đề án được xác định rõ là tập trung vào việc ứng dụng KHCN trong Tổng công ty ĐSVN đúng mục tiêu của Luật Đường sắt năm 2017 “giao thông vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước”, phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, là động lực, then chốt để phát triển nhanh, bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa ĐSVN, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đề án gồm kế hoạch ứng dụng KHCN trong Tổng công ty ĐSVN giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2030 cho 05 chuyên ngành gồm Quản trị doanh nghiệp, Quản lý an toàn, Quản lý cơ khí, Quản lý vận tải và Quản lý hạ tầng nhằm đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh của Tổng công ty ĐSVN và các đơn vị thành viên, mục tiêu tổng quát cho từng chuyên ngành như sau.

Chuyên nghành Qun tr doanh nghip

Đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN nhằm đảm bảo hỗ trợ hiệu quả, tức thời việc cung cấp thông tin toàn diện kết quả hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng với các phương án, công cụ  phân tích, đánh giá nhằm hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo đưa ra các giải pháp, chính sách và định hướng phù hợp với nhu cầu thực tiễn một cách tối ưu, hiệu quả từ đó từng bước nâng cao doanh thu, lợi nhuận và thị phần của Tổng công ty ĐSVN. Từng bước đẩy mạnh áp dụng và phát triển các hệ thống phân tích có sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ công tác quản trị doanh nghiệp. loại bỏ hoàn toàn các thao tác thủ công. Thành lập cơ sở chuyên nghiên cứu, phát triển KHCN về đường sắt cũng như Trung tâm Công nghệ thông tin để triển khai mạnh mẽ và bài bản ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuẩn bị kịp thời cho dự án đường sắt tốc độ cao.

        Chuyên nghành An toàn giao thông đường sắt

        Hoàn thiện mô hình tổ chức mạng lưới cứu hộ cứu nạn tai nạn GTĐS hiệu quả, phù hợp với vận hành đường sắt hiện có và tổ chức chạy tàu tốc độ cao trong tương lai. Số hóa toàn bộ các dữ liệu hoạt động có liên quan đến công tác an toàn giao thông vận tải đường sắt từ quản lý, đào tạo, truyền thông, phân tích, cảnh báo tai nạn đến các hoạt động quản lý rủi ro. Triển khai kịch bản chiến lược về An toàn giao thông đường sắt ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với mô hình hiện tại và phù hợp với vận hành đường sắt tốc độ cao.

        Chuyên ngành Cơ khí

Phát triển theo hướng hiện đại từ mạng lưới quy hoạch đến năng lực sản xuất của các đơn vị, đáp ứng nhu cầu trong nước về vận dụng, sửa chữa, đóng mới đầu máy toa xe cho đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao tiến tới xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Cung cấp ray, phụ kiện và phụ tùng thay thế chất lượng cao cho hạ tầng.

Hoàn thiện việc đầu tư máy móc thiết bị dây chuyền công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa để hình thành 02 trung tâm công nghiệp cơ khí quản lý và sản xuất theo hướng hiện đại nhằm chế tạo, lắp ráp đầu máy, toa xe, sản xuất phụ tùng thay thế với tỷ lệ nội địa hóa đối với đầu máy đạt từ 50% trở lên, với toa xe đạt từ 70% trở lên.

Xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển, làm chủ công nghệ chế tạo đầu máy toa xe và các sản phẩm cơ khí đường sắt, ứng dụng thành tựu KHCN tiên tiến để phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt Việt Nam đáp ứng về cơ bản nhu cầu bảo trì, cải tạo sửa chữa, nâng cấp mạng lưới đường sắt hiện có, phục vụ cho đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia tốc độ cao.

        Chuyên ngành vận tải

Đảm bảo công tác vận tải đáp ứng tốt mục tiêu “Dịch vụ đa dạng, giá cả cạnh tranh, dễ dàng tiếp cận mọi lúc mọi nơi, an toàn đúng giờ, biểu đồ tối ưu, điều hành tự động”.

Đối với vận tải hành khách, đảm bảo bộ phận quản lý, điều hành có thể nắm bắt  kịp thời, chính xác mọi nhu cầu của hành khách, hỗ trợ công tác ra quyết định, chỉ đạo sản xuất đáp ứng kịp thời, đầy đủ mọi yêu cầu của hành khách, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.

Về vận tải hàng hóa, đảm bảo phát triển các dịch vụ gia tăng, kết nối giữa các loại hình phương tiện vận chuyển: Sắt - Bộ; Sắt - Biển; Sắt - Hàng không.

Về điều hành vận tải, ứng dụng KHCN vào thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn chạy tàu; nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch chạy tàu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; nâng cao chất lượng công tác chỉ huy điều hành vận tải, tăng năng suất, giảm định biên lao động; nâng cao năng lực thông qua của các khu đoạn hạn chế để tăng sức chở; khai thác hiệu quả phương tiện góp phần hạ giá thành vận tải; minh bạch các thông tin liên quan đến khách hàng, phục vụ sản xuất kinh doanh hỗ trợ, khuyến cáo cho việc ra quyết định.

        Chuyên ngành kết cấu hạ tầng

        Đảm bảo phần lớn công tác sửa chữa, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt được thực hiện bằng máy móc nhằm nâng cao chất lượng duy tu, đảm bảo hiệu quả trong điều kiện đường đơn; hoàn thành việc số hóa dữ liệu kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trên nền bản đồ số, sử dụng các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; triển khai kết nối, trao đổi thông tin giữa các phương tiện chuyển động trên ray với một số công trình cố định dọc tuyến để đảm bảo an toàn; đẩy mạnh ứng dụng vật liệu mới, công nghệ mới vào sửa chữa, bảo dưỡng; đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, tổ chức triển khai các dự án nâng năng lực vận tải và đảm bảo an toàn chạy tàu, nhất là các dự án là hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu áp dụng công nghệ chạy tàu kế tiếp, tự động bảo vệ đoàn tàu. 

Để đạt được các mục tiêu tổng quát trên, Đề án đã đưa ra danh mục các dự án ứng dụng KHCN trong từng giai đoạn 2019 - 2020, 2021 - 2025, và 2026 -2030 trong đó xác định rõ nguồn vốn dự kiến, phân kỳ thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện và các nhóm giải pháp triển khai thực hiện. Khi được triển khai thực hiện thành công, Đề án “Ứng dụng Khoa học công nghệ trong Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030” sẽ mang lại hiệu quả to lớn trên phương diện xã hội, kinh tế, môi trường và xã hội.