Định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp TCT ĐSVN năm 2019
Ngày 15 tháng 5 năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ban hành Công văn số 1425/ĐS-QTCN về hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Khoa học và công nghệ cấp Tổng công ty năm 2019. Theo đó, định hướng trọng tâm nghiên cứu của các nhiệm vụ KHCN sẽ tập trung, nhưng không giới hạn, vào những nội dung sau:
Một là: các giải pháp khoa học công nghệ tổng thể mang tính mũi nhọn, đột phá tạo hiệu quả đặc biệt trong sản xuất kinh doanh theo mô hình tổ chức mới của Tổng công ty ĐSVN; những phương án kinh doanh nhằm phát triển các ngành nghề chính, phát huy thế mạnh của các dịch vụ hỗ trợ; những giải pháp tiết kiệm, giảm chi phí trong kinh doanh.
Hai là: các giải pháp phục vụ trực tiếp cho công tác quản trị doanh nghiệp và tổ chức SXKD của Tổng Công ty ĐSVN: đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, quy chế quản lý nội bộ; quản trị và phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác quản lý tạo động lực phát triển phù hợp với mô hình tổ chức sau khi tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; công khai minh bạch tăng cường phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng tiên tiến; tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác, khách hàng khi đến với đường sắt.
Ba là: các giải pháp nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, tải trọng cho phép cầu đường, hiện đại hóa hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt nhằm nâng tốc độ, giảm thời gian chạy tàu, tăng năng lực thông qua. Tổ chức khai thác, quản lý, kinh doanh có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt; cơ giới hóa công tác duy tu, sửa chữa đường sắt, nâng cao hiệu quả giám sát an toàn chạy tàu qua các giao cắt với đường sắt; khai thác có hiệu quả phần kết cấu hạ tầng không trực tiếp liên quan đến chạy tàu, cơ sở nhà đất hiện có đặc biệt là tại các ga đường sắt ở các đô thị lớn; thúc đẩy xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng; ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng.
Bốn là: các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt nhằm phát triển thị phần vận tải tương xứng với tiềm năng và nhu cầu, đẩy mạnh vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, vận tải liên vận quốc tế; thay đổi tư duy kinh doanh, hướng tới khách hàng, mang tính phục vụ, đẩy mạnh truyền thông, giữ vững chất lượng, thương hiệu, phấn đấu tiến tới dịch vụ 3 trong 1 (tiếp cận dễ dàng, thanh toán nhanh chóng, giá cả linh hoạt); sử dụng hiệu quả phương tiện, thiết bị, nhân lực hiện có để cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật; hợp lý hóa cơ cấu tổ chức khai thác hiệu quả đầu máy để giảm giá thành vận tải, thúc đẩy xã hội hóa trong kinh doanh vận tải đường sắt; tăng doanh thu ngoài vận tải.
Năm là: các giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, vật liệu mới, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhằm phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt, phát triển phương tiện vận tải đường sắt theo hướng hiện đại, hiệu quả, công suất hợp lý, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường, phù hợp với vận tải đa phương thức để giữ vững thị phần trong ngành và mở rộng thị phần ngoài ngành; chủ động trong chế tạo các thiết bị, chi tiết có chi phí mua sắm cao thay thế hàng nhập ngoại phục vụ tốt công tác bảo dưỡng sửa chữa.
Sáu là: các giải pháp giữ vững an toàn chạy tàu, đảm bảo không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do chủ quan, kiềm chế và giảm thiểu tai nạn do khách quan; áp dụng các giải pháp quản trị rủi ro, đảm bảo công tác giám sát và phân tích khoa học và kịp thời các sự cố, tai nạn; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện vận tải; tăng cường công tác giám sát, phòng ngừa, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; tăng cường khả năng cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.
Bảy là: các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị doanh nghiệp, phục vụ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, bảo trì và kinh doanh kết cấu hạ tầng; quản lý và điều hành giao thông vận tải đường sắt; lập kế hoạch tổ chức khai thác, phát triển hệ thống bán và soát vé tự động, tham gia vào hệ thống vé điện tử liên thông giữa nhiều phương thức vận tải; triển khai hóa đơn điện tử trong công tác vận tải hàng hóa, hành khách; hoàn chỉnh hệ thống quản lý toa xe hàng; triển khai vận đơn và cơ báo điện tử, phần mềm đối chiếu thanh toán giá điều hành giao thông vận tải, giá dịch vụ hỗ trợ, giá dịch vụ sức kéo giữa tổng công ty và các công ty vận tải; hoàn thiện hệ thống hành chính điện tử từ Công ty mẹ tới các đơn vị thành viên; áp dụng công nghệ thông tin để lập kế hoạch tổ chức khai thác, thu thập và xử lý thông tin khách hàng, hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải đường sắt và hệ thống thông tin vô tuyến đoàn tàu mặt đất công nghệ số.
Tám là: các giải pháp kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường của hoạt động vận tải đường sắt; đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; kiên cố hóa công trình giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt.
Các đơn vị căn cứ vào những định hướng nêu trên và đặc thù của đơn vị để đề xuất. Các đề xuất nhiệm vụ KHCN đáp ứng tiêu chí về tính cấp thiết, có giá trị thực tiễn, có giá trị khoa học và công nghệ, và tính khả thi khi áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ được Tổng công ty ĐSVN tiếp nhận, triển khai theo quy định và thông báo công khai từ ngày 16/7/2018 đến ngày 17/8/2018 trên trang thông tin điện tử.