Khoa học - Công nghệ

10:46 | 16/05/2022

Đường sắt Việt Nam - Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã quyết định thông qua Luật Khoa học và Công nghệ và thống nhất chọn 18/5 hằng năm là "Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam".

Chủ đề của Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam năm 2022 là “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” nhằm biểu dương và tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ; tuyên truyền, phổ biến các thành tựu KHCN, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hút các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ và năng lực sáng tạo, tích cực tham gia hoạt động Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước; khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai.

Với chủ đề xuyên suốt này, Tổng công ty ĐSVN đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày KHCN Việt Nam năm 2022 như tuyên truyền thông tin, phát động phong trào nghiên cứu KHCN, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới sáng tạo; triển khai thực hiện “Đề án Ứng dụng KHCN trong Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2019 - 2030”, Nghị quyết số 04-NQ/ĐU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng công ty ĐSVN về nâng cao năng lực vận tải đường sắt và Nghị quyết 08-NQ/ĐU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng công ty ĐSVN về đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ trong tình hình mới; ứng dụng CNTT trong quản trị doanh nghiệp, điều hành sản xuất kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số; phân tích, cảnh báo, hỗ trợ quản lý, bảo trì và kinh doanh kết cấu hạ tầng, điều hành giao thông vận tải, an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai; nâng cấp các cơ sở sửa chữa, chế tạo, lắp ráp đầu máy toa xe; sản xuất vật tư phụ tùng; chuyển giao, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hướng tới xuất khẩu; kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động đường sắt; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng thay thế khác.

Kết quả thực hiện trong năm 2021 có 15 nhiệm vụ KHCN cấp Tổng công ty được hoàn thành, trong đó có 11 nhiệm vụ chuyên ngành Cơ khí, 02 nhiệm vụ Chuyên ngành Công nghệ thông tin, 02 nhiệm vụ chuyên ngành Kết cấu hạ tầng và các hoạt động khác như tham gia Hiệp hội Đường sắt Quốc tế (UIC), Cổng thông tin điện tử đường sắt ASEAN, tổ chức và trao Giải thưởng Sáng tạo Đường sắt năm 2019 - 2020 ...

Xuất phát từ yêu cầu thực tế nên các nhiệm vụ KHCN của Tổng công ty đều có khả năng triển khai áp dụng cao. Bên cạnh việc đáp ứng tốt các mục tiêu cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành đường sắt, hiệu quả của việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN còn thể hiện trên các mặt chính như giúp đội ngũ cán bộ KHCN và công nhân kỹ thuật đường sắt tự tin đảm nhận nghiên cứu các giải pháp KHCN để giải quyết những khó khăn, tồn tại trực tiếp từ hoạt động của đơn vị cũng như trong Tổng công ty; nghiên cứu, sử dụng các nguyên vật liệu có sẵn trong nước để tạo ra các sản phẩm thay thế có tiêu chuẩn và độ bền tương đương với các sản phẩm nhập ngoại có giá thành thấp hơn làm giảm đáng kể chi phí, giảm sự phụ thuộc vào thiết bị ngoại nhập, giảm thời gian dừng hoạt động của thiết bị, đáp ứng kịp thời nhu cầu SXKD; góp phần kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt. Một số nhiệm vụ KHCN nổi bật trong năm gồm:

  • Đề tài KHCN Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý và thi trực tuyến nghiệp vụ đường sắt” đã xây dựng được phần mềm phục vụ công tác quản lý và tổ chức thi nghiệp vụ theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến đáp ứng các yêu cầu đặc thù trong ngành đường sắt và hỗ trợ người lao động trong việc tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật đồng thời tiết kiệm chi phí tổ chức thi, phù hợp với xu hướng và tận dụng được hạ tầng công nghệ sẵn có. Kết quả nghiên cứu đã được đưa vào áp dụng ngay tại các Chi nhánh khai thác, Chi nhánh đầu máy trong toàn Tổng công ty ĐSVN cũng như các đơn vị khác trong ngành.
  • Đề tài KHCN “Nghiên cứu thiết kế, lắp đặt thí điểm hệ thống giám sát các điểm xung yếu trên đường sắt bằng hình ảnh” đã xây dựng được hệ thống giám sát điểm xung yếu trên mạng đường sắt Việt Nam để truyền hình ảnh về trung tâm giám sát, kịp thời cảnh báo nguy cơ sạt lở để có biện pháp ứng phó ngăn ngừa tai nạn, đặc biệt tại các khu vực có địa hình đèo dốc hiểm trở trong mùa mưa lũ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, nâng cao năng lực vận tải. Hệ thống tận dụng kết cấu hạ tầng hiện có như đường truyền cáp quang, trung tâm giám sát làm giảm kinh phí đầu tư ban đầu phù hợp với điều kiện thực tế. Kết quả nghiên cứu đã được đưa vào áp dụng ngay tại công ty Cổ phần đường sắt đang quản lý, bảo trì các điểm xung yếu trong ngành.
  • Đề tài KHCN “Nghiên cứu thiết kế, cải tạo, xây dựng quy trình công nghệ chế tạo mới vỏ hộp bánh răng truyền động trục bánh xe đầu máy D19E” nhằm thiết kế, cải tạo, xây dựng quy trình công nghệ chế tạo mới vỏ hộp bánh răng truyền động trục bánh xe đầu máy D19E để chủ động cung ứng vật tư phục vụ sửa chữa, giảm nhập ngoại, hạ giá thành, đảm bảo kết cấu cứng vững phù hợp với điều kiện hạ tầng của đường sắt Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã được đưa vào áp dụng ngay để bảo dưỡng, sửa chữa vỏ hộp bánh răng truyền động trục bánh xe đầu máy D19E.
  • Đề tài KHCN “Nghiên cứu xây dựng phần mềm tổng hợp dữ liệu từ các hệ thống công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống báo cáo vận tải phục vụ công tác điều hành tại Tổng công ty ĐSVN” đã xây dựng được phần mềm hỗ trợ khai thác, phân tích thông tin từ hệ thống dữ liệu vận tải tập trung giúp Lãnh đạo Tổng công ty dễ dàng có được thông tin cập nhật về sản lượng và doanh thu vận tải; khắc phục được tình trạng thông tin tổng hợp bị chậm không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất kinh doanh do mất nhiều thời gian để tổng hợp báo cáo từ các đơn vị thành viên; kiểm soát theo thời gian thực các dữ liệu về sản lượng và doanh thu vận tải; nhanh chóng khắc phục được các lỗi nhập liệu do chủ quan từ việc có thể truy cập tới từng chứng từ gốc xem xét thông tin. Kết quả nghiên cứu đã được đưa vào áp dụng ngay tại Tổng công ty ĐSVN.

Ngoài triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN trong Kế hoạch KHCN năm 2021, Tổng công ty ĐSVN còn chủ động hỗ trợ, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia như “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ sản xuất toa xe khách cao cấp đáp ứng yêu cầu phát triển của Đường sắt Việt Nam” do Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An chủ trì thực hiện và “Nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm hệ thống điều khiển chạy tàu ga điện khí tập trung ứng dụng công nghệ vi điều khiển” do Viện Ứng dụng Công nghệ chủ trì thực hiện.

Có thể nói, các kết quả đạt được về KHCN và đổi mới sáng tạo trong năm 2021 của Tổng công ty về cơ bản đáp ứng các mục tiêu đề ra. Trong các năm tiếp theo, Tổng công ty ĐSVN tiếp tục thực hiện các định hướng trọng tâm nhằm đảm bảo việc ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo đáp ứng mục tiêu của Luật Đường sắt năm 2017, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là động lực để phát triển nhanh, bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa Tổng công ty ĐSVN, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.