Khoa học - Công nghệ

13:07 | 06/05/2016

Giới thiệu Quy định Quản lý Nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ của Tổng công ty ĐSVN

Ngày 03/3/2016, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ký Quyết định số 223/QĐ-ĐS ban hành Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Trước thời điểm ban hành Quy định mới, công tác quản lý đề tài khoa học công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Tổng công ty được thực hiện theo Quy định về quản lý đề tài KHCN, dự án sản xuất thử nghiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1371/QĐ-ĐS ngày 27/12/2011 của Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Tổng công ty ĐSVN). Tuy nhiên trong quá trình áp dụng Quy định, một số tồn tại cũng nảy sinh như dự toán đề cương xây dựng chưa có tính thuyết phục; một số nội dung đánh giá của hội đồng về xác định đề tài, đề cương đề tài và kết quả thực hiện đề tài còn thiếu định hướng chung v.v. Cùng với sự ban hành của Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn mới của Bộ KHCN, Bộ Tài chính cũng như sự thay đổi, tái cơ cấu trong mọi hoạt động của Tổng công ty ĐSVN nói chung và yêu cầu đổi mới công tác KHCN nói riêng thì việc điều chỉnh, bổ sung quy định quản lý đề tài KHCN năm 2011 là đòi hỏi bắt buộc trong thực tiễn hoạt động quản lý của Tổng Công ty.

Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được xây dựng tuân thủ mục tiêu đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Tổng công ty; nâng cao vai trò của Hội đồng KHCN trong việc định hướng, quy hoạch dài hạn cũng như tuyển chọn được nhiệm vụ KHCN có chất lượng  hàng năm; nâng cao hiệu quả triển khai kết quả nghiên cứu của đề tài vào SXKD từ đó giúp đơn vị chủ động trong sản xuất, giảm chi phí, đảm bảo hơn nữa an toàn trong hoạt động SXKD; tạo khung pháp lý cơ bản để các đơn vị trực thuộc có thể tham khảo, sử dụng hình thành quy định quản lý đề tài tại đơn vị.

Một số điểm mới của Quy định bao gồm:

  • Điều chỉnh lại cho phù hợp và đáp ứng đòi hỏi trong quản lý đặc biệt đảm bảo căn cứ pháp lý trong xác định nguồn KHCN của kế hoạch KHCN hàng năm, đảm bảo lựa chọn được các đơn vị có khả năng tốt nhất trong thực hiện nhiệm vụ thông qua việc thực hiện bước tuyển chọn và giao trực tiếp nhiệm vụ KHCN trước khi ban hành ra Kế hoạch.
  • Cấu trúc các chương đảm bảo việc đọc và tra cứu rõ ràng, dễ hiểu, bao gồm: (1) Quy định chung; (2) Đề xuất, xác định và phê duyệt nhiệm vụ KHCN; (3) Đăng ký, tuyển chọn và ký hợp đồng nhiệm vụ KHCN; (4) Đánh giá nghiệm thu, lưu giữ kết quả thực hiện; (5) Xử lý nhiệm vụ KHCN không hoàn thành; (6) Tổ chức quản lý và thực hiện nhiệm vụ KHCN; (7) Điều khoản thi hành.
  • Quy định rõ về các chủ thể trong tổ chức quản lý và thực hiện nhiệm vụ KHCN: tên, thành phần, số lượng của các chủ thể, đối tượng tác động, các công việc cần thực hiện, biểu mẫu liên quan gồm có: các Hội đồng khoa học, đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài, các Ban với chức năng quản lý.
  • Phương pháp đánh giá có bước thay đổi trong việc chuyển từ đánh giá nhận xét trực tiếp sang cho điểm đòi hỏi các thành viên tham gia vào đánh giá, nhận xét phải nghiên cứu kỹ và khách quan trong đánh giá. Phương pháp này được áp dụng từ khi đánh giá tính cấp thiết của nhiệm vụ à đánh giá nội dung thuyết minh nhiệm vụ à đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.
  • Các biểu mẫu chi tiết đảm bảo hành lang tổ chức thực hiện được rõ ràng, dễ quản lý cũng như tin học hóa sau này. Các biểu mẫu được hình thành ra trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ các chủ thể vừa mang tính hướng dẫn, vừa mang tính thi hành.
  • Phạm vi đã mở rộng để cho phép các chủ nhiệm và đơn vị bên ngoài tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ KHCN của Tổng công ty.

Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gồm 07 Chương, 40 Điều và 38 Phụ lục đã được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tệp đính kèm KhungCauTrucvaNoiDungQuyDinhQLNVKHCNmoi.pdf
Tải về