Khoa học - Công nghệ

10:21 | 25/05/2022

Nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa quy trình sửa chữa các cấp, xây dựng mới quy trình sửa chữa lớn đầu máy D19Er

Năm 2021, Ban Đầu máy toa xe - Tổng công ty ĐSVN đã nghiên cứu và thực hiện thành công đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa quy trình sửa chữa các cấp, xây dựng mới quy trình sửa chữa lớn đầu máy D19Er tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để chuyển đổi thành Tiêu chuẩn cơ sở”. Đề tài được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Tổng công ty ĐSVN nghiệm thu, kết quả đánh giá đạt loại Khá

 1. Tính cấp thiết

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên quản lý, vận dụng 05 đầu máy D19Er do Công ty Cổ phần Đầu máy xe lửa Tư Dương - Trung Quốc chế tạo và được nhập về Việt Nam sử dụng từ năm 2006. Đây là loại đầu máy có kết cấu tương đối hiện đại sử dụng cho khổ đường tiêu chuẩn 1435 mm, kiểu truyền động AC-DC, máy tính điều khiển trung tâm sử dụng động cơ CAT 3512B do hãng Caterpillar của Mỹ chế tạo, công suất làm việc tối đa của động cơ là 1500 kW (theo tiêu chuẩn UIC), tốc độ cấu tạo 120 km/h. Sau hơn 15 năm vận dụng khai thác, đến nay đầu máy D19Er đã chạy được khoảng 650.000 - 700.000 km đã chuẩn bị đến kỳ sửa chữa đại tu lần đầu. Tổng công ty đã xây dựng, ban hành Quy trình bảo dưỡng sửa chữa đến cấp Rk, trogn khi chưa có Quy trình sửa chữa cấp đại tu (Rđ). Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Tổng công ty ĐSVN triển khai rà soát bổ sung quy trình sửa chữa các cấp đầu máy và tổng hợp, ban hành Tiêu chuẩn cơ sở quy trình sửa chữa các cấp riêng cho từng đầu máy bám sát hướng dẫn của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ban hành năm 2006.

Do đó, việc nghiên cứu biên soạn Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa đại tu đầu máy D19Er và nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình sửa chữa từ cấp R0 đến Rk để chuyển đổi thành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa các cấp đầu máy D19Er là hết sức cần thiết.

  1. Kết quả nghiên cứu

Ban Chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy trình sửa chữa đại tu Rđ; tổng hợp các nội dung trong quy trình bảo dưỡng, sửa chữa và hạn độ sửa chữa các cấp (từ cấp R0 đến Rk) đầu máy D19Er ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-ĐS ngày 23/01/2008. Ngày 16/5/2022, Tổng công ty ĐSVN đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-ĐS về việc phê duyệt, công bố Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa đầu máy D19Er, mã số 01:2022/VNR bao gồm 02 phần: TCCS 01-1:2022/VNR - Quy trình sửa chữa các cấp đầu máy D19Er; TCCS 02-1:2022/VNR - Quy trình sửa chữa đại tu Rđ đầu máy D19Er. Các nội dung nghiên cứu chính của đề tài gồm:

  • Nghiên cứu tổng quan về đầu máy D19Er và thực tế vận dụng

Đầu máy D19Er (có ký hiệu là SDD3) là loại đầu máy truyền động điện kiểu AC-DC, công suất làm việc tối đa đạt 1500 kW; máy phát điện chính đồng bộ JF217F, mô tơ điện kéo ZQDR-410F, hệ thống hãm JZ7, giá chuyển hướng 3 trục. Đầu máy được trang bị máy tính điều khiển trung tâm, có thiết bị hãm điện trở (bổ trợ) và có chức năng tự tải toàn phần, cabin điều khiển của đầu máy được bố trí hai đầu.

Cùng với đầu máy D14E, đầu máy D19Er đang là sức kéo chủ yếu kéo tàu khổ đường tiêu chuẩn 1435 mm của Tổng công ty ĐSVN vận dụng kéo tàu khách, tàu hàng trên các tuyến: Gia Lâm - Yên Viên - Kép - Đồng Đăng; Yên Viên - Kép - Hạ Long; kéo tàu hàng trên tuyến Yên Viên - Cổ Loa - Đông Anh - Lưu Xá.

  • Nghiên cứu xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa đầu máy D19Er
  • Tổng hợp, nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở quy định tại Thông tư số 21/2007/TTBKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học & Công nghệ; các quy định nội bộ của Tổng công ty gồm Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa các cấp đầu máy D14Er, D18E, D20E. Theo đó, kết cấu nội dung chính của tiêu chuẩn cơ sở tối thiểu phải bao gồm các nội dung sau: Mục lục; Phần thông tin mở đầu; Phần cơ bản (phần khái quát, phần kỹ thuật); Phần thông tin bổ sung.
  • Nghiên cứu rà soát bổ sung, chỉnh sửa nội dung công việc và hạn độ sửa chữa của Quy trình sửa chữa các cấp (từ cấp R0 đến Rk) đầu máy D19Er ban hành theo Quyết định 90/QĐ-ĐS ngày 23/01/2008 của Tổng công ty ĐSVN cho phù hợp với Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa đầu máy.
  • Xây dựng quy trình sửa chữa đại tu Rđ đầu máy D19Er trong đó quy định những công việc kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa bắt buộc phải thực hiện để khôi phục lại tính năng kỹ thuật của các bộ phận chi tiết của đầu máy để đảm bảo cho đầu máy vận dụng an toàn hiệu. Xây dựng hạn độ sửa chữa từng phần phân theo chức năng cấu tạo của đầu máy D19Er, gồm có những phần chính sau:
  • Động cơ diesel và các thiết bị liên quan;
  • Hệ thống điện và các thiết bị điện;
  • Hệ thống hãm và các thiết bị của hệ thống hãm;
  • Giá xe, khung vỏ đầu máy, cabine và các bộ phận liên quan;
  • Giá chuyển hướng, bộ trục bánh xe và các bộ phận liên quan

Việc xây dựng hạn độ sửa chữa phù hợp sẽ đáp ứng được chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật trong quản lý và vận dụng khai thác đầu máy.

  • Hoàn thiện Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa đầu máy D19Er gồm 02 hợp phần: Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa các cấp đầu máy D19Er; Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sủa chữa đại tu Rđ đầu máy D19Er.
  1. Khả năng ứng dụng và hiệu quả của đề tài
  • Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa các cấp đầu máy D19Er được xây dựng và ban hành thống nhất với quy trình sửa chữa của các đầu máy còn lại, giúp thuận tiện cho việc quản lý kỹ thuật của ngành ĐSVN.
  • Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa các cấp đầu máy D19Er là cơ sở pháp lý để thực hiện bảo dưỡng sửa chữa đầu máy, kiểm tra nghiệm thu các cụm chi tiết, thử nghiệm và nghiệm thu tổng thể đầu máy nhằm duy trì chất lượng và tuổi thọ lâu dài cho đầu máy D19Er phục vụ vận tải.
  • Tiêu chuẩn cơ sở Quy trình sửa chữa các cấp đầu máy D19Er đặc biệt là phần hạn độ sửa chữa phù hợp với điều kiện vận dụng khai thác thực tế đầu máy, giúp cho việc thay thế phụ tùng ở mức hợp lý nhất từ đó mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo chất lượng và yêu cầu vận dụng ổn định sau sửa chữa đặc biệt là đối với các đầu máy sửa chữa đại tu. Đây còn là cơ sở pháp lý để Tổng công ty ĐSVN xây dựng và ban hành định mức cho sửa chữa các cấp của đầu máy để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý của Tổng công ty.
  1. Địa chỉ lưu trữ kết quả nghiên cứu

Hồ sơ và báo cáo tổng hợp đề tài được lưu trữ tại Ban Hợp tác quốc tế & Khoa học công nghệ, Tổng công ty ĐSVN. Địa chỉ: Số 118 Lê Duẩn, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Số điện thoại liên hệ: 024.38223650.