Nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm mạch điện tử phát âm thanh cảnh báo dùng cho đường ngang
Nghiên cứu của KS. Đàm Ngọc Mẫn - Công ty TNHH MTV Thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn.
- Tính cấp thiết
Hiện nay trên ĐSVN thiết bị tín hiệu đường ngang chủ yếu sử dụng Chuông điện để phát âm thanh cảnh báo khi tàu đến gần đường ngang, một số đường ngang CBTĐ có sử dụng thêm Card âm thanh. Qua quá trình sử dụng chuông điện và card âm thanh trước đây cho thấy một số nhược điểm như: hoạt động không ổn định hay bị kẹt, gãy vồ chuông, độ bền không cao, âm lượng không thể điều chỉnh, sử dụng nguồn đôi 12VDC không cùng loại với tủ điều khiển nên phải đấu trích giữa ắc quy, có tiếng rè của loa khi không hoạt động… việc nghiên cứu một giải pháp khác để phát âm thanh cảnh báo đồng thời khắc phục những nhược điểm nêu trên là cần thiết để làm cơ sở cho phép ứng dụng trên diện rộng nếu thành công.
- Kết quả nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích hiện trạng và các tồn tại của chuông điện (hiện tại) và card âm thanh (đã áp dụng trước đây) cũng như tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Trung Quốc, Ban chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu thiết kế và đưa ra giải pháp hoàn chỉnh cho hệ thống cảnh báo bằng âm thanh thay thế cho chuông điện dùng trong thiết bị tín hiệu phòng vệ đường ngang.
Các linh kiện, thiết bị đưa vào tích hợp trong bộ phát âm thanh đều được Ban chủ nhiệm trên cơ sở nghiên cứu nhiều giải pháp, đánh giá ưu nhược điểm từ đó mới lựa chọn để đưa vào thực hiện trong đề tài. Mạch điện được thiết kế nhỏ gọn, hình thức đẹp, dễ tháo lắp và bảo trì, đặc biệt đã thiết lập tốt chế độ chờ khi không hoạt động của thiết bị nên giảm dòng điện tiêu thụ nguồn và tăng tuổi thọ cho thiết bị.
Sản phẩm của đề tài là hệ thống phát âm thanh cảnh báo (gồm Bộ phát âm thanh lắp đặt trong tủ điều khiển kết hợp với loa nén ngoài trời) được lắp đặt thử nghiệm thay thế cho chuông điện tại đường ngang có gác Km 1716+140 khu gian Bình Triệu – Sóng Thần. Kết quả thử nghiệm thiết bị đạt các yêu cầu và chỉ tiêu kỹ thuật đề ra, khắc phục được các nhược điểm của chuông điện và card âm thanh trước đây, thiết bị hoạt động tốt trong mọi điều kiện ngày, đêm, tăng khoảng cách nghe rõ cho người tham gia giao thông.
- Khả năng ứng dụng và hiệu quả kinh tế
Sản phẩm của đề tài có thể áp dụng rộng rãi để thay thế cho chuông đường ngang của tất cả các đường ngang trên đường sắt Việt Nam hiện nay. Áp dụng cho các đơn vị tư vấn thiết kế, quản lý, bảo trì và sửa chữa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt, trong công tác xây dựng, lắp đặt mới cũng như bảo trì hệ thống tín hiệu đường ngang.
Sản phẩm của đề tài mang lại hiệu quả kinh tế cao đáp ứng kịp thời về sản xuất vật tư, phụ kiện đường sắt, giảm được chi phí duy tu, bảo dưỡng. Độ bền của thiết bị vượt trội so với chuông điện (theo thiết kế là >5 năm) do đó mặc dù đầu tư ban đầu cho 01 đường ngang cao hơn so với sử dụng chuông điện (khoảng 1,2 triệu đồng), tuy nhiên tổng chi phí theo tính toán sơ bộ khi sử dụng sản phẩm của đề tài thấp hơn so với chuông điện là khoảng 1,1 triệu đồng/năm. Dự kiến nếu thay thế cho 1.450 đường ngang trên ĐSVN thì số tiền tiết kiệm được mỗi năm bình quân là:
1.450 đường ngang x 1,1 triệu đồng = 1,595 tỷ/năm
Ngoài ra, hiệu qu ả của đề tài còn thể hiện trên các mặt: nâng cao độ hoạt động ổn định, hiệu quả công tác quản lý thiết bị tín hiệu, chủ động trong công tác phòng ngừa và xử lý sự cố, trở ngại thiết bị tín hiệu đường ngang. Đặc biệt là góp phần đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang.
- Địa chỉ lưu trữ kết quả nghiên cứu:
Hồ sơ và báo cáo thuyết minh đề tài được lưu giữ tại Ban Hợp tác Quốc tế & Khoa học Công nghệ, 118 Lê Duẩn, Hà Nội.