Khoa học - Công nghệ

10:47 | 28/10/2015

Xây dựng CSDL GIS cho kết cấu hạ tầng ĐS dễ bị tổn thương trên các tuyến ĐS thuộc Dự án “Đánh giá tác động và xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho giao thông ĐSVN”

Nghiên cứu của KS. Đỗ Văn Hạt- Công ty CP Tư vấn Đầu tư và XD GTVT

  1. Tính cấp thiết

Thực hiện nhiệm vụ trong chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng giai đoạn 2010-2015; Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT đã triển khai và hoàn thành dự án “Đánh giá tác động và xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho giao thông đường sắt Việt Nam”. Một trong ba sản phẩm của dự án đã được thực hiện và bàn giao cho Bộ GTVT là “Cơ sở dữ liệu GIS về kết cấu hạ tầng đường sắt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của dự án là phải xác định được những khu vực trọng điểm dễ bị tổn thương của các tuyến đường sắt, từ đó mới tập trung nghiên cứu giải pháp thích ứng, khắc phục, giảm thiểu, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) GIS để lưu trữ và tra cứu phục vụ khai thác lâu dài.

Có thể nói, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng không chỉ đối với ngành Đường sắt, với Bộ GTVT mà còn mang tính chiến lược quốc gia đã được Thủ tương Chính phủ đưa vào “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.

  1. Kết quả nghiên cứu

Nhóm tác giả đã thực hiện được:

  • Xác định các đoạn đường sắt chạy sát sông;
  • Xác định các đoạn đường sắt nằm trong vùng bị ngập lụt ứng với lũ có tần suất 1%;
  • Xác định các đoạn đường sắt có nguy cơ bị sạt lở đất hoặc đá lăn do nằm trong vùng núi có độ dốc và lượng mưa lớn;
  • Thể hiện lên bản đồ các đoạn đường sắt và khu vực nêu trên và các đoạn đường sắt có nguy cơ bị ngập lụt do nước biển dâng.
  • Ngoài ra CSDL GIS còn thể hiện các dữ liệu ưu tiên 1 về cầu, đường; các dữ liệu phụ trợ khác như nhà ga, tuyến đường sắt, vùng ngập lũ, vị trí các trạm quan trắc mưa và mực nước, các điểm GPS và ĐC2 trên các tuyến đường sắt… Tùy từng vị trí, các dữ liệu này còn được liên kết với các tư liệu ảnh, bản vẽ AutoCAD, thuyết minh Word, bản tính excel, video … nhằm làm rõ hơn các thông tin về đối tượng.
  • Tất cả các dữ liệu này được tích hợp vào bản đồ nền Google Earth và thể hiện như hình dưới.
  1. Khả năng ứng dụng và hiệu quả kinh tế
  • Cơ sở dữ liệu GIS đã xây dựng thể hiện được bức tranh toàn cảnh về các kết cấu hạ tầng Đường sắt đã và dễ bị tổn thương do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra.
  • Mỗi lớp dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu đều có giá trị tham khảo và sử dụng lâu dài, phục vụ cho các mục đích khác nhau của ngành Đường sắt.

Chính vì vậy, bộ CSDL này áp dụng hiệu quả cho các đơn vị Tư vấn khảo sát thiết kế GTVT; các cơ quan quản lý hạ tầng ĐS; các cơ quan tham mưu, nghiên cứu về GTVT...

 

3.1 Những hiệu quả tính được bằng tiền:

Không tính chính xác được vì đây là bộ dữ liệu lớn, chứa nhiều thông tin về nhiều đối tượng khác nhau, do đó các lợi ích bằng tiền khi sử dụng dữ liệu này cũng rất khó ước lượng; tuy nhiên chỉ riêng việc có thông tin và tận dụng lại các dữ liệu GPS và DC2 về sau cũng có thể tiết kiệm được hàng tỷ đồng so với việc không tận dụng được và phải làm mới khi triển khai các dự án trên ĐS hiện tại. Với 533 điểm GPS và 10.510 điểm DC2 của dự án 1856 đã xây dựng, giả sử tận dụng được 30% số điểm thì kinh phí làm lợi tính ở thời điểm hiện tại là (533*30%*92.290.307) + (10.510*30%*15.942.857) = 65.025.046.933 đồng (Sáu mươi lăm tỷ không trăm hai mươi lăm triệu không trăm bốn mươi sáu ngàn chín trăm ba mươi ba đồng).

3.2 Những hiệu quả không tính được bằng tiền:

  • Có thể áp dụng phương pháp xây dựng cơ sở dữ liệu này cho các đối tượng tương tự thuộc các chuyên ngành khác nhau.
  • Nâng cao chất lượng công tác tư vấn thiết kế, rút ngắn thời gian thực hiện công việc; qua đó nâng cao năng lực và uy tín của đơn vị tư vấn.
  • Giúp quảng bá và nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, giúp ngành ĐS nói riêng và GTVT nói chung hình dung những đối tượng cụ thể có nguy cơ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, qua đó có những chính sách ứng phó phù hợp và kịp thời.
  1. Địa chỉ lưu trữ kết quả nghiên cứu:

Tất cả các sản phẩm của dự án “Đánh giá tác động và xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho giao thông đường sắt Việt Nam”, trong đó có CSDL GIS đã được Bộ GTVT nghiệm thu và Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT bàn giao cho Vụ Môi trường – Bộ GTVT; Phòng Khoa học công nghệ và môi trường – Cục ĐS Việt Nam; Ban Hợp tác Quốc tế & Khoa học Công nghệ - Tổng công ty ĐS Việt Nam và chuyển giao nội bộ cho các đơn vị trong Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT.

Số điện thoại liên hệ: 04.37714239