Khoa học công nghệ

09:56 | 10/04/2014

Thiết bị giám sát hành trình - nâng cao chất lượng quản lý, điều hành vận tải ÐS

Vừa qua, Công ty CP Phát triển Công nghệ EPOSI (Công ty EPOSI) đã có buổi giới thiệu, thuyết trình với Tổng công ty ĐSVN về thiết bị giám sát hành trình tàu hỏa. Đây là thiết bị cho phép trung tâm điều hành VT, người quản lý biết được vị trí của tàu hỏa, hướng đi, tốc độ và trạng thái phương tiện tại mọi thời điểm. Thiết bị cũng cho phép người sử dụng thiết lập các thông tin khác về đoàn tàu như định mức nhiên liệu, cảnh báo vượt quá tốc độ; kiểm tra, xem lại hành trình, lưu trữ hành trình… Bên cạnh đó giải pháp còn tích hợp nhiều tiện ích tối ưu khác.

Tính năng


Thiết bị giám sát hành trình tàu hỏa (TBGSHT) gồm 2 phần cơ bản: thiết bị phần cứng và phần mềm khai thác sử dụng.


Thiết bị phần cứng được lắp trên đầu máy (ĐM), thực hiện các chức năng lấy (thu) thông tin từ vệ tinh định vị GPS về vị trí, tốc độ của ĐM (và cũng là tốc độ đoàn tàu), đồng thời hiển thị lên màn hình LCD những thông báo, cảnh báo. Lấy thông tin các tín hiệu mở rộng được tích hợp với thiết bị (khởi động, tắt ĐM; áp suất gió đoàn xe, mức nhiên liệu…), chọn tuyến (khu đoạn) chạy tàu để giám sát, cảnh báo tốc độ ĐM, tốc độ đoàn tàu theo đúng Công lệnh tốc độ (CLTĐ) quy định; thông báo (cảnh báo) khi đoàn tàu sắp đến vị trí giao cắt đồng mức giữa ĐS với đường bộ (đường ngang), đoàn tàu sắp đến ga ĐS, hiển thị các nội dung cảnh báo từ trung tâm (nếu có). Đồng thời, gửi thông tin lên server theo thời gian thực.

 

tbiGsatHanhtrinh

Màn hình LCD trên TBGSHT sẽ báo các thông số, cảnh báo… cho lái tàu nắm được, kịp thời sử lý, đảm bảo ATCT.


Phần mềm khai thác sử dụng có chức năng theo dõi trực tuyến thông tin về ĐM, đoàn tàu như: vị trí, tốc độ; khởi động, tắt ĐM…; xem lại hành trình chạy tàu. Báo cáo quá trình vận hành của ĐM về quãng đường (km), thời điểm khởi hành, thời gian nổ máy, thời gian ĐM không hoạt động (tắt máy), thời gian kết thúc; mức tiêu hao nhiên liệu (dầu diesel); các điểm, vị trí (km), các ga tàu dừng. Báo cáo, ghi chép lại quá trình duy trì tốc độ ĐM (và cũng là tốc độ đoàn tàu) của ban lái tàu trên suốt hành trình chạy tàu. Cảnh báo, ghi chép lại các vị trí, khu đoạn đã vi phạm CLTĐ…


Nâng cao hiệu quả quản lý ĐM, đoàn tàu


Để kiểm tra các tính năng của TBGSHT, ngày 28/10/2013, Liên hiệp Sức kéo ĐS trước đây (Tổng công ty ĐSVN) và Công ty CP Phát triển Công nghệ EPOSI (Công ty EPOSI) đã tiến hành thử nghiệm TBGSHT lắp trên ĐM D14Er – 2012 kéo tàu R157/R158 tuyến Yên Viên – Hạ Long. Để có thể triển khai lắp đặt thử nghiệm TBGSHT trên tuyến Yên Viên – Hạ Long, Công ty EPOSI và Liên hiệp Sức kéo ĐS đã tổ chức kiểm tra, khảo sát tuyến (vị trí, km tâm ga ĐS, vị trí cột tín hiệu vào ga, ra ga…) để xây dựng bản đồ số của 20 ga ĐS trên tuyến Yên Viên – Hạ Long, xác định bản đồ số toàn bộ các đường ngang trên tuyến Yên Viên – Hạ Long…

 

tbiGiamsatHanhtrinh

 Các dữ liệu về hànnh trình đoàn tàu được hiển thị trên màn hình LCD đặt trong ca bin ĐM.

 

 


Qua quá trình thử nghiệm, TBGSHT đã đáp ứng được các yêu cầu chủ yếu, như: Tích hợp thời gian hoạt động của ĐM bằng thời gian thực, quãng đường (km) đã chạy (vận dụng), tốc độ bình quân; số lần, số km chạy tàu vượt CLTĐ, số lần hãm, dừng tàu, tổng thời gian dừng tàu, tổng thời gian làm việc của ban lái tàu, phát tín hiệu cảnh báo khi ĐM vượt tốc độ quy định theo CLTĐ của Tổng công ty ĐSVN, cảnh báo và phát (báo) tín hiệu về Trung tâm khi ĐM, ban lái tàu đã quá thời gian lao động theo quy định, hiệu suất khai thác ĐM (theo chuyến tàu, khu đoạn ĐS; theo ngày, tháng, năm…); tích hợp tín hiệu đầu trục ĐM, đo được tốc độ tức thời của ĐM khi không có (gián đoạn) tín hiệu GPS… Những thông tin này sẽ được báo về Trung tâm điều khiển, xí nghiệp ĐM và được lưu trữ (theo ngày, tháng, quý, năm) để phục vụ công tác thống kê, phân tích, tìm nguyên nhân sự cố, trở ngại, chậm tàu (nếu có) xảy ra với ĐM, với đoàn tàu…

 
Có thể đánh giá: TBGSHT có khả năng tích hợp các giai đoạn của công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, thống kê, báo cáo vận dụng của ĐM; cho phép phân tích việc thực hiện CLTĐ, thực hiện Biểu đồ chạy tàu… Từ đó tìm ra biện pháp tối ưu trong công tác vận dụng ĐM cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu. Có thể khẳng định, việc ứng dụng lắp đặt TBGSHT trên ĐM sẽ hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho công tác quản lý, điều hành vận tải, tổ chức chạy tàu trong ngành ĐS hiện nay. Tuy nhiên, cần tiếp tục thử nghiệm TBGSHT trên các tuyến khác (phía Tây, phía Nam…), qua đèo, hầm… để đánh giá, khai thác hết tính năng, tác dụng cũng như bổ sung, hiệu chỉnh những tính năng của TBGSHT trước khi đưa vào sửa dụng.


Kiều Trâm