13:33 | 11/09/2021

Thực hiện trả lương ngừng việc cho NLĐ trong thời gian ngừng việc do liên quan đến dịch bệnh Covid-19

Theo Công văn số 264/QHLĐTL-TL ngày 15/6/2021 của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc do liên quan đến dịch bệnh Covid-19 theo quy định của pháp luật lao động như sau:

1. Về nguyên tắc, việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019 để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động;
Nếu do lỗi của chính NLĐ dẫn đến việc phải ngừng việc thì người lao động không được trả lương ngừng việc. Việc xác định lỗi này được căn cứ bởi văn bản của cấp có thẩm quyền.
 
2. Đối với những trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 sau đây được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019:
a) Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (cách ly tập trung, cách ly tại nhà, cách ly tại khu nhà trọ, cách ly khu lưu trú,...);;
b) Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
c) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kể cả các trường hợp người lao động phải ngừng việc khi doanh nghiệp xây dựng, thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo chủ trương của địa phương;
d) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Tiền lương ngừng việc trong các trường hợp này do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, nhưng phải đảm bảo:
- Nếu thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống (không tính ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương) thì tiền lương ngừng việc hai bên thỏa thuận nhưng không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (có thể trả bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng);
- Nếu thời gian ngừng việc trên 14 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương) thì:
+ Tiền lương ngừng việc của 14 ngày đầu tiên hai bên thỏa thuận nhưng không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (có thể trả bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng);
+ Tiền lương ngừng việc của những ngày tiếp theo hai bên thỏa thuận (có thể trả thấp hơn, bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng).
 
3. Trong thời gian người lao động ngừng việc và hưởng tiền lương ngừng việc như nêu trên thì doanh nghiệp và người lao động thực hiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc theo quy định tại khoản 6 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH. 
 
4. Đối với các trường hợp người lao động ngừng việc do phải cách ly y tế hoặc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 (ngoài việc doanh nghiệp có trách nhiệm trả lương ngừng việc cho người lao động theo mục 2 nêu trên); người lao động được hỗ trợ theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Theo Ban TGCSPL, Công đoàn ĐSVN